Trần Quí Thanh
—–
Chào bác Dr Thanh,
Thưa bác, chúng cháu là nhóm Cà Cuống đã viết thư gởi bác và được bác trả lời từ năm 2017 (Bài “Đừng theo đuổi tiền, hãy theo đuổi giấc mơ” đó bác.)
Nghe theo lời khuyên của bác chúng cháu đã đạt được mơ ước mà 3 năm trước không dám mơ: Cả năm đứa đã được sếp nhấc vào vị trí CEO, dù chỉ là CEO tí hon. Vì thế nhóm Cà Cuống của chúng cháu đổi tên là nhóm “CEO tí hon” (vừa đổi tên từ hôm mồng hai tết Canh Tý bác ạ)
Nay chúng cháu gởi tới bác câu hỏi rất chi là… diễm, đó là: Thế nào gọi là CEO? Hay Làm CEO là làm gì? Rất mong được bác giải đáp ạ.
Năm mới chúc bác và THP an khang thịh vượng, mọi sự như ý ạ.
Kính bác
Lê- Hoài- Nhất- Đức- Nam (Sài Gòn): cacuong05@gmail.com
—–
Lê – Hoài – Nhất – Đức – Nam mến!
Các cháu hỏi bác câu hỏi này chứng tỏ các cháu đã hiểu được làm CEO là làm gì rồi đó. Bởi vì, đa số chỉ biết CEO đơn giản là tổng giám đốc điều hành, nhưng điều hành cái gì lại là chuyện khác.
CEO làm nhiều việc, không kể ra hết được, bác chỉ nói những cái khái quát nhất, từ đó các cháu thấy được sự khác biệt giữa CEO với các vị trí quản lý (manager, director).
Các vị trí quản lý cấp dưới chủ yếu là thừa hành, làm tốt việc của CEO giao. Những công việc rất cụ thể, đo lường được bằng từng số liệu, từng báo cáo, hoàn thành được nhiệm vụ đó cũng là tốt lắm rồi.
Còn CEO, ngoài công việc quản lý các đơn vị, phòng ban, còn có những việc thuộc vai trò, trách nhiệm ở mức cao hơn rất nhiều. Bác đưa ra bốn việc căn bản thiết yếu nhất: Tầm nhìn chiến lược, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng văn hóa khác biệt và ấn tượng, kết nối con người để tạo ra giá trị.
Trước hết là vạch ra chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Muốn vạch ra chiến lược đúng là phải có tầm nhìn, tập hợp được các kênh thông tin trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, có khả năng phân tích thông tin, hiểu biết chính sách, từ đó mới có cơ sở đề ra được chiến lược phát triển đúng đắn.
Ví dụ như bước vào thời đại công nghệ số, một CEO giỏi dứt khoát phải chuẩn bị cho doanh nghiệp của mình chương trình thay đổi trong quản lý, thay đổi trong sản xuất hay kinh doanh dịch vụ, phù hợp với sự phát triển công nghệ. Đồng thời, dự đoán trước những gì sẽ xảy ra, để chuẩn bị cho những năm tới, không bị tụt hậu, bị phá sản vì không theo kịp thời đại.
Tầm nhìn chiến lược luôn đi theo kế hoạch về nhân sự, xây dựng được một nguồn lực con người chất lượng cao. CEO giỏi phải làm được việc đào tạo và tìm kiếm người tài giỏi về cho doanh nghiệp. Không có người tài giỏi, đừng nói đến thành công.
Trên thực tế, chiến lược về nhân sự luôn là thử thách đối với một CEO, thuyết phục được nhân tài về làm việc với mình là nghệ thuật và trí tuệ, không có đẳng cấp và phẩm giá cao, không mời được cao nhân. Nói tới đây, bác chợt nhớ chuyện Steve Jobs khích tướng khi mời John Sculley, CEO của PepsiCo về điều hành Apple: “Anh muốn cả đời đi bán thứ nước đường ấy, hay cùng tôi thay đổi thế giới?”.
Tiếp theo là xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, văn hóa đó phải là một sự khác biệt mang tính biểu tượng cao, ấn tượng mạnh và có giá trị bền vững. Một doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, nhưng không để tác hại đến môi trường, thu lợi nhuận và biết chia sẻ với cộng đồng, sử dụng con người không chỉ là khai thác mà đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để thăng tiến, đóng góp hữu ích cho xã hội.
Cuối cùng là khả năng kết nối. CEO giỏi không chỉ tập hợp được lực lượng chung quanh mình, cùng hướng về một mục tiêu, mà biết kết nối các đơn vị, cá nhân trong doanh nghiệp với nhau. Không chỉ thế, kết nối ban giám đốc với các thành viên hội đồng quản trị, để cùng chia sẻ thông tin, kiến thức, tầm nhìn, chiến lược. Sau cùng là kết nối doanh nghiệp với các đối tác khác.
Chúc các CEO trẻ thành công nhé.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)