Lịch sử ghi nhận rất nhiều trường hợp những người xuất chúng đã có được thành công lớn trong lĩnh vực mình lựa chọn sau khi… bị sa thải.
Steve Jobs đã trở thành một người giàu có và nổi tiếng thế giới sau khi bị sa thải ra khỏi công ty tỷ đô mà mình đã xây dựng nên. Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey từng bị sa thải khỏi vai trò phóng viên trong giai đoạn đầu sự nghiệp. Walt Disney cũng bị sa thải khỏi tờ báo The Kansas City Star vì “thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay”.
Tuy nhiên, dù chúng ta từng nghe qua bao nhiêu câu chuyện truyền cảm hứng tương tự như vậy, việc đối diện với cảm giác bị sa thải trên thực tế rất khó khăn. Trong một bài viết trên Talk Space, tác giả Ladan Nikravan Hayes đã đưa ra những phân tích và hướng dẫn giúp bạn không chỉ vượt qua được thời điểm khó khăn ấy, mà còn có thể đứng dậy mạnh mẽ sau “sự cố”.
Xử lý thế nào khi nghe câu “Bạn bị sa thải!”?
Nghe những lời như “Bạn bị sa thải!”, hoặc “Chúng tôi phải để bạn ra đi!” là một trải nghiệm khá khủng khiếp. Chúng ta sẽ có cảm giác như đây là một sự thất bại.
Dù không dễ dàng, nhưng khi bước chân ra khỏi cổng công ty, hãy ngẩng cao đầu theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cảm giác mất mát xảy đến là hoàn toàn tự nhiên, thậm chí đôi khi còn xen lẫn sự giận dữ, sợ hãi, mất kiểm soát… Hãy tìm thời gian và không gian để xử lý “cơn bão cảm xúc” này để rồi sau đó, chúng sẽ không thể quay lại quấy rối bạn nữa.
Bạn thấy nuối tiếc cho bản thân mình? Hãy để cảm giác đó được giải phóng ra. Những thói quen làm việc hằng ngày của bạn đã bị ngắt quãng, mối quan hệ với các đồng nghiệp cũ cũng bị thay đổi. Chừng ấy đã là quá nhiều. Hãy để cho mình được nghỉ ngơi một chút.
Tuy nhiên, một khi bạn đã dành thời gian để “tiêu hóa” những cảm xúc này, hãy tập trung vào những phần việc cần làm tiếp theo, và tìm cách để có được một công việc khác. Việc tiếp tục tức giận hoặc sống mãi với tình huống không mong muốn đó cũng không thể giúp bạn thay đổi được điều đã xảy ra.
Cách tiếp cận tốt nhất trong trường hợp này là: tìm kiếm công việc mới và đảm bảo những vấn đề tiêu cực từ công việc cũ sẽ không tái diễn trong tương lai.
5 cách để đứng dậy một cách mạnh mẽ
Dưới đây là một số cách giúp bạn tiếp tục bước về phía trước và đưa con đường sự nghiệp của mình trở lại quỹ đạo mong muốn:
1. Cố gắng tìm ra vấn đề
Khi cảm thấy mơ hồ về lý do bị sa thải, hãy cố gắng tìm hiểu càng nhiều càng tốt. Hãy nhớ lại những cuộc thảo luận về hiệu suất làm việc. Bạn có những thiếu sót gì? Bạn được khuyến khích làm tốt những điều gì? Bạn có thể cải thiện như thế nào? Nếu có một hoặc một số cựu đồng nghiệp thân tín, bạn cũng có thể tìm hiểu ở họ.
Thu thập càng nhiều thông tin phản hồi chính xác, khả năng bạn hoàn thiện mình cho công việc tiếp theo càng cao.
2. Nghĩ về điều bạn muốn làm tiếp theo
Có thể bạn sẽ vội vội vàng vàng tìm một công việc khác để nhanh chóng trở lại với quỹ đạo làm việc hằng ngày, nhưng dù thế nào đi nữa cũng đừng nên quyết định cam kết một cách mù quáng với công việc mới, vị trí mới.
Điều quan trọng cần làm trước tiên là cân nhắc xem mình muốn gì và cần gì trên con đường sự nghiệp. Bởi vì vẫn có khả năng con đường cũ bạn đã chọn chưa phải là con đường đúng. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng “khúc quanh” này để thay đổi hướng đi.
3. Tạo ra một kế hoạch hành động
Khi đã xác định được điều mình muốn làm kế tiếp, đây là lúc nên quay lại con đường tìm việc. Trước khi liên hệ với bất kỳ ai hoặc gửi đi bất kỳ hồ sơ gì, hãy đảm bảo rằng CV của bạn, phần mô tả cá nhân trên các phương tiện truyền thông xã hội, và cả những nơi có thể hiện thương hiệu cá nhân khác… đều đã được cập nhật thông tin mới nhất.
Hãy bắt đầu bằng cách để cho những người trong mạng lưới quen biết của bạn biết rằng bạn đang tìm một công việc mới, và dần mở rộng mạng lưới đó. Hãy nhờ các mối quan hệ của bạn xem họ có thể giới thiệu bạn cho ai đó phù hợp hay không. Đồng thời, bạn cũng có thể tham gia vào các sự kiện kết nối, các mạng lưới cựu sinh viên… để tìm kiếm cơ hội.
4. Lập danh sách những người có thể viết thư giới thiệu
Trước khi bắt đầu ứng tuyển, hãy liên hệ với những nhà quản lý cũ, đồng nghiệp cũ và hỏi xem họ có sẵn lòng nói với nhà tuyển dụng tiềm năng về những điều bạn đã đạt được trong quá trình từng làm việc cùng họ hay không. Tùy vào từng trường hợp, đôi khi bạn cũng có thể nhờ cậy người chủ công ty mà bạn vừa bị sa thải.
Điều quan trọng nhất là, bạn cần chọn lựa người giới thiệu có khả năng xác nhận hiệu suất làm việc tích cực của bạn.
5. Sử dụng thời gian nghỉ việc một cách thông minh
Có thể phải mất một khoảng thời gian nhất định trước khi bạn quay trở lại với guồng làm việc, vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng khoảng nghỉ này một cách thông minh.
Bạn có thể dùng nó để làm các công việc tự do, tham gia các hoạt động thiện nguyện hay học một khóa học nào đó… Hoặc bạn cũng có thể dành thời gian để trau dồi những kỹ năng còn thiếu sót, nhằm chứng minh cho các nhà tuyển dụng tiềm năng thấy rằng bạn đã không để khoảng thời gian nghỉ việc trôi qua vô ích.