“5K + vắc xin”: Quên hay ý thức kém?

Quốc Ngọc/ Báo Phụ nữ Tp HCM

“Chủ động phòng, chống dịch COVID-19 là trách nhiệm của mỗi người dân” với giải pháp rất dễ thực hiện: “5K + vắc xin” nhưng với nhiều người dường như đang rất khó?

Ngày 15/11, Sở Y tế TPHCM đã có báo cáo khẩn, xác định cấp độ dịch của TPHCM vẫn ở cấp độ 2 dựa trên ba tiêu chí: số ca mắc mới tại cộng đồng, độ bao phủ vắc xin và tiêu chí bảo đảm khả năng chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.

Như vậy, sau hơn 2 tuần “bình thường mới”, dù UBND TPHCM đã có rất nhiều giải pháp quyết liệt kiềm chế dịch nhưng “tâm bão” COVID-19 TPHCM vẫn chưa thể cải thiện cấp độ dịch trong phân loại 4 cấp độ theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Mỗi khi chiều tối, người ý thức trách nhiệm “vã mồ hôi” trước tình trạng khách tụ tập, không khẩu trang tại các hàng quán lề đường khu vực đường Sư Vạn Hạnh (đoạn gần Bệnh viện Nhân Dân 115, thuộc P.12, Q.10, TPHCM) – Ảnh: Quốc Ngọc

Đó là chưa kể với số ca mắc mới tại cộng đồng cao dần, nếu xét về tiêu chí này từ ngày 6-12/11 ghi nhận hơn 79 ca/100.000 người/tuần, thành phố có thể ở cấp độ 3. Nhờ tiêu chí độ bao phủ tiêm chủng với tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc xin phòng COVID-19 đạt 99,77% đã “kéo giảm” cấp độ dịch toàn thành phố xuống cấp 2.

Những ngày gần đây, số lượng F0 có xu hướng tăng, chủ yếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong tăng nhẹ… Theo lãnh đạo TPHCM, nguyên nhân, do thành phố không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước.

Một trong các vấn đề cấp bách hiện nay của ngành y tế thành phố là đạt được tiêu chí số 3 “bảo đảm khả năng chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng” một cách thực chất. Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho hay, TPHCM bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh theo các tuyến.

Cụ thể, thành phố đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc tỉnh, thành phố và cả y tế tư nhân để sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Các quận huyện và TP. Thủ Đức xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn để đáp ứng khi có dịch xảy ra theo đánh giá cấp độ dịch khác nhau.

Đối với việc quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 tại nhà, Thành ủy TPHCM chỉ đạo các địa phương cần xác định đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giai đoạn thích ứng hiện nay. Chính quyền các cấp được giao rà soát, thống kê đầy đủ và có phương thức kiểm soát, tư vấn, hỗ trợ y tế đối với các F0. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố cần sớm phục hồi các bệnh viện dã chiến, khu thu dung điều trị F0, tập trung những đối tượng F0 là lao động tự do, sống tại những khu vực không đảm bảo điều kiện cách ly.

Có thể thấy, chuyển động của hệ thống chính trị, y tế thành phố trong cuộc chiến COVID-19 hiện nay đang ở tư thế cảnh giác cao nhất với chiến lược y tế là trụ cột, lãnh đạo địa phương là trực tiếp và toàn diện. Tuy nhiên, vẫn có không ít bộ phận người dân chủ quan khi đã được tiêm chủng, ngày càng lơ là trách nhiệm “5K”.

“Đối tượng dễ tử vong nhất hiện nay vẫn là người có bệnh lý nền và tiêm vắc xin chưa đủ. Vì thế tâm lý chủ quan khiến người nhà họ có thể phải trả giá”, bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1) cảnh báo.

“Bình thường mới” mà TPHCM có được hôm nay là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các tuyến đầu chống dịch, của đông đảo người dân, có cả máu và nước mắt. “Bình thường mới” hiện nay là chính đáng, cần thiết, nhưng chúng ta không được phép quên thực tế ngoài trời vẫn đang COVID-19. Nó đang “ở cùng” chúng ta. “Chủ động phòng, chống dịch COVID-19 là trách nhiệm của mỗi người dân” với cộng đồng mà mỗi người dân không được phép quên hay tự cho mình kém ý thức.

NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM

Link bài: Quên hay…

https://www.phunuonline.com.vn/5k-vac-xin-quen-hay-y-thuc-kem-a1450796.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *