Văn hóa doanh nghiệp và tinh hoa phương Đông – Kỳ II: Trách nhiệm trong ứng xử

Nguyễn Thanh Lâm/ Báo DNSG

—–

Văn hóa doanh nghiệp luôn nêu cao và tổ chức thực thi trách nhiệm, quan tâm và đối xử tốt với mọi người trong và ngoài doanh nghiệp, nhất là với gia đình, đồng nghiệp, khách hàng và đối tác.

Văn hóa phuơng Đông đã có những bước tiến rất xa so với thời của Khổng Tử – người đã dày công xây dựng hệ tư tưởng Nho giáo về một trật tự xã hội dựa trên Tứ thư (Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử), gieo ảnh hưởng gần như được luật hóa bằng tập tục văn hóa ở khá nhiều nước giáp biên giới đất liền và biển Trung Hoa. 

Ngày nay, việc luật hóa những giá trị về nhân phẩm, bình đẳng, bình đằng giới, dân chủ, công bằng, tự do và xã hội văn minh, con người văn minh dựa trên dòng suy nghĩ mới của nhân loại, nhưng vẫn là lòng từ bi (đồng nghĩa với bác ái) và hướng đến sự bình an mà mọi triết thuyết lớn và tôn giáo chân chính đều rao giảng, truyền bá rộng rãi bằng nhiều phương cách. 

Những giá trị nhân văn đó đòi hỏi rất nhiều ở mỗi người và đi kèm với nó chính là trách nhiệm. Việc sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm, đầu tiên là trách nhiệm về cuộc đời mình, chính là điểm xuất phát của lòng tự trọng. Trách nhiệm là cái giá của tự do, theo nghĩa rộng, và chỉ làm tròn được trách nhiệm nếu có đủ đức hạnh, phẩm chất và năng lực. Chính vì thế mà văn hóa doanh nghiệp luôn nêu cao và tổ chức thực thi trách nhiệm, quan tâm và đối xử tốt với mọi người trong và ngoài doanh nghiệp, nhất là với gia đình, đồng nghiệp, khách hàng và đối tác.

Lão Tử đã nói: “Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì bình. Biết người là trí, biết mình là sáng. Việc gì dễ thì xem là khó, việc gì khó thì xem là dễ”.

Trang Tử nói: “Người chân thành là tột bậc tinh tế và thành thật. Nếu không tinh tế và thành thật thì chẳng thể nào cảm động được người khác”.

Tư tưởng của Lão Tử và Trang Tử đã có tác dụng như những công án (kung an,  xuất phát từ Trung Quốc, tiếng Nhật gọi là Koan, có nghĩa là nguyên tắc chung. Trong Thiền tông, công án được dùng như chất xúc tác để đánh thức bản chất sâu thẳm, trong sạch của con người) để “khai mở” và kích hoạt dòng tư duy của Fukuzawa và Yukawa từ chỗ “nowhere” như được diễn tả trong kinh Kim cang: “Từ cõi hư vô, tinh thần xuất hiện”. 

Vạn thế sư biểu Khổng Tử viết Luận ngữ: “Không quan trọng việc bạn đi chậm thế nào, miễn là đừng bao giờ dừng lại. Bất cứ nơi nào bạn đi, hãy đi bằng tất cả trái tim. Dở nhất trong cái đạo xử thế là không thấy cái lỗi của mình. Người quân tử hòa mà không đồng, kẻ tiểu nhân đồng mà không hòa. Làm việc bất chính: đọc sách vô ích. Làm trái lòng người: thông minh vô ích. Đừng làm điều gì mà bạn không muốn người khác làm cho mình”.

Mạnh Tử lưu ý: “Phải biết có những điều không được làm, rồi sau mới biết có những điều được làm”.

Đức Phật dạy chúng ta đừng làm tổn thương chính mình, hoặc đừng làm tổn thương cho bất cứ ai, là giúp chúng ta có ý thức trách nhiệm về hành vi tạo tác của tự thân. Quy trách nhiệm về cho mỗi cá thể là điểm nổi bật dễ nhận thấy trong lời dạy của Đức Phật. 

Trách nhiệm xã hội của Phật giáo chính là trách nhiệm đạo đức. Nhiều giáo lý căn bản của nhà Phật cũng là đức hạnh căn bản và đức hạnh thể hiện trách nhiệm đối với người khác, đối với nhân sinh, đối với xã hội. Vì vậy, có thể hiểu trách nhiệm theo Phật giáo chính là trách nhiệm với ngũ giới (không được sát sinh, không đượctrộmcướp, không được tà dâm, không được nói dối, không được uống rượu), là trách nhiệm thập thiện (bất sát sinh, bất thâu đạo, bất tà dâm, bất vọng ngữ, bất lưỡng thiệt, bất ác khẩu, bất ỷ ngữ, bất tham dục, bất thận khuể, bất tà kiến), là tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả), là lục độ Ba la mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ), là tứ nhiếp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).

Từ bi là một cách sống đẹp, cao thượng và không vị kỷ. Từ bi là nguyên tắc ứng xử phù hợp giữa người với người, rất có ích cho việc duy trì đạo đức xã hội hiện nay.

Trong đạo Phật, con người được đặt vào vị trí cao nhất với đầy đủ khả năng và quyền quyết định số phận, vì thế con người phải tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình theo luật nhân quả. 

Luật nhân quả là ánh sáng dẫn đường cho tinh thần trách nhiệm, cách đối nhân xử thế và tương tác với tự nhiên, xã hội và chính mình.

Không có những điều nêu trên làm nên những điều kiện tốt, tức là tạo duyên lành, thì hậu quả sẽ “như người không có tay, tuy đến núi châu báu cũng không lấy được gì” (kinhTâm địa quán).

Tóm lại, tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm lẫn nhau, quan hệ ứng xử và tình đoàn kết, thương yêu gắn chặt với nhau trên nền tảng của niềm tin và ý thức tự giác cao nhất của chính bản thân mỗi người. Niềm tin vào bản thân là rường cột của văn hóa doanh nghiệp. Trong quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu để nâng cao đức hạnh, phẩm chất (tư tưởng, đạo đức và lối sống) cũng như năng lực (kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng), quy tắc ứng xử là một cẩm nang văn hóa doanh nghiệp. 

Tinh hoa văn hóa phương Đông đã vượt qua thử thách trên 2.600 năm, là những giá trị góp phần giúp doanh nhân hoàn thiện con người, tập thể, nhân sinh quan và văn hóa doanh nghiệp.

NGUỒN:  Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Link bài: Văn hoá…

https://doanhnhansaigon.vn/goc-nha-quan-tri/van-hoa-doanh-nghiep-va-tinh-hoa-phuong-dong-ky-ii-trach-nhiem-trong-ung-xu-1107966.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *