Việt Anh/ Báo Tri Thức VN
Trong những lúc trò chuyện có lẽ chúng ta đều mong muốn mình sẽ có một cuộc nói chuyện thú vị, tuy nhiên việc đó cũng là một kỹ năng cần phải được rèn luyện.
Marcel Schwantes là người sáng lập của The Core, ông là một chuyên gia hàng đầu trong việc giúp các công ty phát triển về kỹ năng lãnh đạo, để các nhân viên được phát triển và đồng thời giúp các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh hơn. Ông là một doanh nhân, huấn luyện về điều hành, diễn giả chính và chuyên viết cho các tờ báo lớn về kỹ năng lãnh đạo.
Dưới đây là bài viết của Marcel trên trang Inc. về cách giúp bạn trở nên thú vị hơn trong các cuộc gặp mặt, các buổi hội họp, trò chuyện… ông chia sẻ những kinh nghiệm quý giá đã được đúc kết lại sau một thời gian dài nghiên cứu.
“Tôi còn nhớ lúc mới bắt đầu sự nghiệp, một trong những nỗi sợ lớn nhất khi tham dự sự kiện hay đi ăn cùng đối tác, chính là làm người khác phát chán khi nói chuyện.
Tôi không muốn trở thành người cứ nói mãi không ngừng, nên đã tự học cách nói ngắn gọn, súc tích và thực sự lắng nghe người khác. Hơn nữa, tôi cũng biết tránh việc nhắc đến các chủ đề hay gây tranh cãi như chính trị, sắc tộc, và tôi cũng đã học cách để giữ quan điểm trung lập, tích cực, lạc quan.
Tôi bắt đầu điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể và giọng nói của mình để giảm bớt sự đơn điệu, hoặc trông khó coi. Tôi rèn luyện trí não để thể hiện cảm xúc, cười đùa với mọi người và biết cách đối phó với các tình huống khó xử.
Bài học lớn nhất mà tôi học được khi nói chuyện với người khác
Bài học lớn nhất để trở thành một con người thú vị và thu hút người khác, chính là biết cách đặt câu hỏi. Tôi phát hiện ra cách này làm người nghe trả lời một cách chân thực.
Bằng cách thể hiện sự tò mò của bạn về câu chuyện, thú vui, ước muốn hay thành tựu của chính họ, con người thường có mong muốn đáp lại tính tò mò ấy. Cách này còn có một lợi thế nữa: nó giúp tôi tăng khả năng thuyết phục, điều khiển cuộc nói chuyện theo hướng mà tôi muốn.
Nếu bạn đang nói chuyện công việc hay lần đầu gặp đối tác, điều quan trọng không phải là bạn cứ đặt các câu hỏi về công việc, mà là đặt các câu hỏi để tìm những điểm chung giữa bạn và người kia, để cuộc nói chuyện vẫn là về “công việc”, nhưng sâu sắc hơn.
Nói cách khác: hãy tìm hiểu về nhau! Để thật sự thể hiện tính thuyết phục và nhanh chóng kết nối nhằm mang lại lợi ích cho lẫn nhau (và có thể là có thêm bạn mới). Dưới đây là những câu hỏi tôi để cho các bạn suy ngẫm. Tất nhiên, không phải câu nào lúc nào cũng phù hợp để làm câu hỏi mở đầu cuộc hội thoại, cho nên bạn hãy tự quyết định khi nào và ở đâu nên áp dụng, để làm sâu sắc thêm các cuộc trò chuyện.
9 câu hỏi để có cuộc nói chuyện thú vị
David Burkus, tác giả của ba cuốn sách bán chạy nhất và là một “podcaster” từng đoạt giải thưởng, đã đóng góp 4 câu hỏi đầu tiên trong danh sách này, từ một bài báo mà anh đã viết cho Harvard Business Review. Những câu còn lại do cá nhân tôi sưu tầm từ các doanh nhân và những nhà giao lưu tuyệt vời đã khuyên tôi.
1. Điều gì hiện đang làm bạn hứng thú?
Như Burkus đã giải thích, câu hỏi này có thể mở ra nhiều hướng (công việc, đời tư…) với một loạt các câu trả lời có thể kết hợp giữa cuộc sống hay công việc của bạn, dẫn đến thêm nhiều khả năng cho cuộc nói chuyện hơn nữa. Và việc đặt câu hỏi này cho phép người khác chia sẻ những điều mà họ đam mê.
2. Bạn đang trông mong gì?
Câu này cũng giống câu trước, nhưng tập trung hơn về tương lai, và theo Burkus, nó cho phép người kia “có nhiều khả năng để lựa chọn hơn”.
3. Điều tốt nhất đã đến với bạn trong năm nay là gì?
Tuy giống như hai câu trước, câu này quay ngược lại thời gian để người nghe tự xem xét những điều quan trọng mà có thể đã làm thay đổi cuộc sống của mình. Nó cũng mở ra rất nhiều câu trả lời để lựa chọn, có thể phần nào liên quan đến một số lĩnh vực chuyên môn hoặc lĩnh vực mà chính bạn quan tâm để có thể thảo luận thêm.
4. Điều quan trọng nhất mà tôi nên hiểu ở bạn là gì?
Nếu bạn lấy câu này câu mở đầu, hay câu thứ hai, ba, tư, người khác có thể thấy bạn hơi quá thẳng thắn, nhưng nó “mang lại nhiều khả năng để họ có thể chọn nhất”, Burkus nói. Lắng nghe và đợi thời điểm, ngữ cảnh phù hợp để áp dụng.
5. Câu chuyện cuộc đời bạn là gì?
Đây là một trong những câu ưa thích nhất của tôi, câu này mang tính chất mở đủ để gợi nên một câu chuyện thú vị – một chuyến phiêu lưu đến quốc gia nào đó, gặp gỡ những người nổi tiếng, được tài trợ để thực hiện giấc mơ khởi nghiệp của mình, một biệt tài được tận dụng để làm thế giới tốt đẹp hơn,… Câu hỏi này sẽ ngay lập tức thu hút người đối diện và sẽ họ nói thật lòng mình với bạn.
6. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất cuộc đời bạn là gì?
Đây là một câu hỏi tuyệt vời nữa gợi cho người nói chia sẻ những điều sâu sắc hơn, tạo đà cho việc xây dựng mối quan hệ nhanh hơn. Đương nhiên là bạn nên thiết lập chủ đề và tâm trạng cho cuộc nói chuyện trước khi hỏi, với một số câu hỏi đơn giản hơn.
7. Lý do gì đưa bạn đến nghề này?
Câu hỏi này bắt buộc rằng trước đó bạn đã có hỏi người kia câu “Bạn làm nghề gì?”. Câu hỏi này, để nối tiếp câu trên, sẽ tiết lộ nhiều điều về hành trình của họ. Nó đặt câu hỏi về các giá trị của họ, về động lực của họ và liệu công việc của họ có thật sự phù hợp với họ. Câu này còn có thể gợi nên một kiểu trả lời khác không kém phần thú vị: đó là có một số người không yêu thích công việc họ đang làm. Nên khi hỏi, bạn có thể giúp đỡ hay hỗ trợ họ trong sự nghiệp hay công việc mới mà họ mong muốn.
8. Bạn đang đọc những sách gì?
Câu này có thể tiết lộ các đầu sách hay tác giả tương đồng mà bạn và người đó yêu thích, làm cho cuộc nói chuyện trở nên sâu sắc hơn. Hơn nữa, hãy tận dụng câu này để hỏi về những cuốn sách bạn nên đọc. Dần dần cuộc nói chuyện sẽ đi đến việc khám phá các ý tưởng sách mà cả hai cùng có để giải quyết các vấn đề nơi công sở hay áp dụng chiến lược kinh doanh mới…
9. Tôi có thể làm gì để giúp được nhiều nhất cho bạn?
Một khi người kia đã cảm thấy tương đối thoải mái, để cuộc nói chuyện thêm giá trị hơn nữa, hãy hỏi câu trên, dù công hay tư. Họ sẽ rất ngạc nhiên bởi cử chỉ này và sẽ rất sẵn lòng trả lời. Việc bạn sẵn sàng giúp đỡ người khác, không cầu ơn, sẽ dẫn đến các cuộc nói chuyện thú vị hơn, lôi cuốn hơn hoặc thậm chí là các cơ hội mới sau này.
Hãy nhớ rằng khi bạn tiếp cận người khác để trò chuyện, việc bạn muốn làm ngay lập tức là thể hiện sự quan tâm chân thành về người đó. Điều này sẽ giúp một cuộc trò chuyện có thể diễn ra suôn sẻ.
Dù bạn quyết định sử dụng câu hỏi nào, điều quan trọng là luôn đặt câu hỏi mở và tránh các câu hỏi liên quan đến công việc hoặc câu hỏi kinh doanh trong lúc trò chuyện. Sau này khi cả hai bên trở nên “hợp cạ” và thấu hiểu lẫn nhau, bạn sẽ rất ngạc nhiên vì lúc này các chủ đề về kinh doanh, mua bán hoặc trở thành đối tác của nhau sẽ diễn ra rất dễ dàng và liền mạch. Hãy thử và cho tôi biết suy nghĩ của bạn.”
NGUỒN: Theo Báo Tri thức Việt Nam
Link bài: 9 câu hỏi giúp bạn….
(https://trithucvn.net/doi-