Các doanh nghiệp Việt Nam với chiến lược “vươn ra biển lớn” sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như đặt dấu ấn thương hiệu Việt trên thị trường thế giới.
Buổi tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” diễn ra vào ngày 21/8 với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội,… thống nhất cho rằng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp chính là một trong những yếu tố nền tảng của năng lực cạnh tranh quốc gia trên bình diện vi mô. Doanh nghiệp khỏe thì đất nước mạnh, doanh nghiệp cạnh tranh tốt tất yếu năng lực cạnh tranh quốc gia cũng cải thiện.
Tuy nhiên, các ĐBQH và các chuyên gia kinh tế tham dự tọa đàm cho rằng doanh nghiệp khó đến đích nếu phải độc hành trên con đường nâng cao sức cạnh tranh và Chính phủ có động lực to lớn để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khi mà thực tế đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi nhanh sang mô hình tăng trưởng dựa trên việc nâng cấp năng lực cạnh tranh. Theo các đại biểu, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ cần cung cấp một môi trường thể chế minh bạch và hiệu quả, trong đó các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần cạnh tranh với nhau bình đẳng trên mọi mặt.
Cảm nhận rằng “áp lực đối với vĩ mô là rất lớn và gian khó”, TS. Lưu Bích Hồ gợi ý “trong lúc này về phần vi mô doanh nghiệp phải tự vươn lên”. Theo ông, doanh nghiệp muốn phát triển được phải có chiến lược phù hợp với điều kiện mới, hướng vào những ngành có lợi thế; hoàn thiện năng lực quản trị; đầu tư cho công nghệ… Ông đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của việc xây dựng và định vị thương hiệu trong thời đại ngày nay. Một số doanh nghiệp đã rất nhanh nhạy, bắt kịp xu hướng thế giới trong việc tiếp thị hình ảnh, xây dựng thương hiệu.
Từ góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cũng khẳng định, doanh nghiệp khỏe sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Những năm qua, số lượng doanh nghiệp của nước ta tăng trưởng ngoạn mục, có những doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế nhưng “tiếc rằng con số này chưa nhiều”, Phó Chủ tịch VCCI nhận xét.
Với tư cách là người công tác nhiều năm trong cơ quan lập pháp, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết hiện nay, khi ra biển lớn, hội nhập doanh nghiệp Việt Nam bị 5 nhóm thách thức. Một là chiến lược kinh doanh không rõ ràng. Hai là công nghệ khoa học của doanh nghiệp trong nước so với thế giới ở mức sau doanh nghiệp nước ngoài 2 đến 3 thế hệ. Về năng lực, chúng ta thấy người Việt Nam vào môi trường công nghiệp thì họ thành công nhân chuyên nghiệp, nhưng ở Việt Nam thì lại vẫn mang thói quen sản xuất nhỏ. Thứ tư, chế độ đãi ngộ của những người làm trong doanh nghiệp là có vấn đề. Việc này lỗi ở những người làm công tác vĩ mô, nhìn người quản trị doanh nghiệp bằng như là công chức trong khi ở các nước khác người ta chỉ nhìn vào hiệu quả sử dụng đồng vốn. Cuối cùng là sự liên kết để sản xuất cạnh tranh với các nước khác rất kém.
Ông Kiên cũng cho rằng, để thành công, những doanh nghiệp như Vietjet, Vingroup, Hòa Phát, Vinamilk, Tân Hiệp Phát… đều có sự chuẩn bị nội lực kỹ càng, biết người biết ta. Ví dụ thành công của Tập đoàn nước uống Tân Hiệp Phát, theo ông Kiên, là nhờ vào 3 yếu tố. Thứ nhất, họ chọn được thị trường đúng, đi vào thị trường từ trước đến nay đang bỏ ngỏ và có thị phần để mở rộng. Yếu tố thứ hai giúp họ trở thành doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực đồ uống là đi thẳng vào công nghệ hiện đại ngay. Công nghệ sản xuất của họ trình độ tương đương với các nước tiên tiến. Thứ ba, họ biết họ yếu ở đâu. “Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn theo đuổi mô hình quản trị gia đình, hoặc cho rằng trong nước cũng có nhiều người có thể đảm nhận việc quản trị doanh nghiệp, thì Tân Hiệp Phát chọn nhân sự cấp cao nước ngoài để quản trị doanh nghiệp của mình. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp họ chuyển mình thành công”, ông Kiên phân tích.
Rõ ràng, mục tiêu “vươn ra biển lớn” của các doanh nghiệp Việt Nam là rất đáng trân trọng, bởi chiến lược này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như đặt dấu ấn thương hiệu Việt trên thị trường thế giới. Muốn hiện thực hóa mục tiêu đó, bản thân doanh nghiệp luôn cần nỗ lực hết mình, trong khi các nhà làm luật cũng phải bám sát thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong tình hình mới.