Tự hào với từng thành công nhỏ mỗi ngày

Anh Đào/  Theo lifehack.org

Nguồn ảnh: Internet

Thomas A. Greenspon, nhà tâm lý học và tác giả của bài Liều thuốc giải cho chủ nghĩa hoàn hảo được đăng tải trên trang Tâm lý học trong việc giảng dạy, đã nói rằng: “Chủ nghĩa hoàn hảo có thể được hiểu theo nghĩa rộng hơn so với việc lúc nào cũng tự thúc ép bản thân làm hết sức mình để đạt được mục tiêu; nó là tấm gương phản chiếu con người bên trong bạn đang sa vào nỗi lo lắng khôn nguôi”. Nói cách khác, chủ nghĩa hoàn hảo được sinh ra từ sự cảm thấy không thoải mái, lo lắng và nghi ngờ nhiều hơn mong muốn mọi thứ được thực hiện một cách hoàn hảo.

Tâm lý học phía sau chủ nghĩa hoàn hảo

Bạn có tự hỏi tại sao người ta lại là người rất cầu toàn không? Có nhiều lý do lý giải vì sao đặc điểm tính cách này lại có vẻ trội hơn so với các đặc điểm tính cách khác và câu trả lời lý giải cho vấn đề này liên quan đến lĩnh vực tư duy về tâm lý.

Trong khi mọi người xem và chấp nhận thất bại, lỗi lầm như một bài học, người cầu toàn xem chúng như là vết nhơ của bản thân khiến cho tâm lý họ không được ổn định, ray rứt và cho đó là thất bại khủng khiếp, tương đương với nỗi sợ thất bại mà người cầu toàn hay mắc phải.

Khởi nguồn tiếp theo của chủ nghĩa hoàn hảo là vấn đề về cái tôi. Họ muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo bởi vì họ đã được lập trình trong tư duy luôn gánh trên vai những gì người khác sẽ nghĩ về họ. Họ lo lắng bị người khác đánh giá tiêu cực nếu có một việc không đi theo tiêu chuẩn. 

Trải nghiệm từ thưở còn ấu thơ có thể khiến cho chủ nghĩa hoàn hảo phát triển thành một phần tính cách nhất là khi bạn từng học hỏi từ cha mẹ hay người giám hộ rằng, bạn sẽ không thể được người ta yêu mến nếu bạn không hoàn hảo. Chính điều đó vô tình xâm nhập vào suy nghĩ và đi theo bạn từ việc học, các mối quan hệ cho đến khi trưởng thành.

Và đương nhiên, những luật lệ hà khắc trong suốt thời gian bạn còn ngồi trên ghế nhà trường dạy bạn rằng, việc tuân thủ các quy tắc là điều quan trọng và sẽ là thiệt hại khủng khiếp cho bản thân nếu bạn phá vỡ chúng hoặc không sống đúng theo chúng.

Chủ nghĩa hoàn hảo đang âm thầm phá hủy cuộc đời bạn

Nhiều người cho rằng họ sẽ sống bình an khi họ là một người cầu toàn nhưng đó chỉ là một câu chuyện không có thực về sự cầu toàn tạo nên sự hoàn hảo. Mặt trái của việc mất thời gian để làm điều gì đó thật hoàn hảo lại khiến bạn làm việc ít hiệu quả đi.

Dành nhiều thời gian để làm việc có thể là ảo tưởng, bạn nghĩ bạn đang cải thiện nhưng không phải khoảng thời gian nào cũng chứng minh việc làm ấy hiệu quả và có thể ngăn cản phong độ phát triển của bạn.

Ví dụ: Bạn đang làm việc cho một dự án quan trọng cho bộ phận, nhận về 15% doanh thu cho công ty và mất 4 tháng để hoàn thành. Trong khi, một đồng nghiệp khác hoàn thành dự án khác trong một tháng chỉ thu về 7% doanh thu cho công ty. Tuy nhiên, mặc dù doanh số không cao hơn nhưng đồng nghiệp của bạn có thời gian để hoàn thành các dự án tiếp theo, thu về tổng cộng 21% doanh thu.

Đây là ví dụ minh chứng cho câu nói: thất bại sớm còn hơn là thành công quá chậm. Khi bạn thất bại sớm, bạn học được nhiều trong một khoảng thời gian ngắn để chuẩn bị tốt cho thành công trong tương lai. Chủ nghĩa cầu toàn có thể ngăn chặn quan điểm tốt này.

Làm cách nào để thay đổi tư duy của người cầu toàn?

Nếu bạn cảm thấy chủ nghĩa cầu toàn đang níu chân bạn thì có lẽ đã đến lúc bạn nên thay đổi các thói quen và cách nghĩ của mình. Có nhiều chiến lược bạn có thể sử dụng để thay đổi lối tư duy cầu toàn và cải thiện thành công.

1. Hãy từ bỏ lối tư duy “có tất cả hoặc không gì cả”

Một suy nghĩ chung khi nhắc đến chủ nghĩa hoàn hảo đó là, bạn muốn làm mọi việc thật tốt hoặc không làm gì cả. Nhưng vấn đề là cách nghĩ này phủ nhận tầm quan trọng của quá trình.

Đạt được những thành quả xuất phát từ trải nghiệm và những hiểu biết thu được trong quá trình rèn luyện cho phép bạn có cơ hội điều chỉnh và áp dụng chúng để thành công trong tương lai. Điều này làm giảm khả năng thất bại nếu có cái nhìn tổng thể.

2. Hãy ghi nhớ quy tắc 80/20 và 70% 

70% là tất cả những gì bạn thật sự cần để trở nên vĩ đại và thực hiên việc điều chỉnh toàn diện ngay sau đó. Bằng cách này, các vấn đề tiềm ẩn sẽ dần hiện ra nếu bạn nhìn thấy kết quả cuối cùng một cách rõ ràng hơn.

Hãy ghi nhớ quy tắc 80/20, chỉ cần 20% nỗ lực để lấy 80% kết quả. Tỉ lệ cao hơn cũng không khác gì mấy. Thêm vào đó, quy tắc này giúp bạn có nhiều thời gian để điều chỉnh các chi tiết sau đó.

3. Chủ động đề nghị phản hồi tích cực

Phản hồi là cơn ác mộng tồi tệ nhất của người cầu toàn. Thông thường sẽ thật lý tưởng nếu nhận được những phản hồi tích cực lẫn tiêu cực, nhưng đây là điều mà một người cầu toàn luôn đấu tranh tư tưởng để chấp nhận những thiếu sót và những điều không tương xứng.

Do đó, chủ động đề nghị những ý kiến phản hồi tích cực một cách thường xuyên giúp bạn chống lại tư tưởng cầu toàn và giúp cho tâm trí quen với việc cân bằng ý kiến.

Phân biệt “những gì là thiết yếu” và “những gì là thứ yếu”

Nếu cầu toàn không khiến bạn mất tinh thần, nhiều ý tưởng đã có thể được thực hiện tốt hơn. “Ưu tiên” là chìa khóa giải quyết mọi vấn đế nhưng người cầu toàn sẽ cảm thấy rất khó để loại bỏ những ý tưởng mà họ nghĩ nên được đưa vào. Tuy nhiên, điều này gây hại đến chất lượng công việc hoặc dự án và có thể khiến họ tụt lại phía sau và gây thêm áp lực lên chính bản thân mình.

Trước khi bắt đầu dự án nào, hãy đảm bảo rằng bạn đã lập ra một danh sách “những gì là thiết yếu” và “những gì là thứ yếu”. Ưu tiên tuyệt đối “những gì là thiết yếu” và chỉ làm “những gì là thứ yếu” nếu thời gian cho phép.

Tự hào với từng thành công nhỏ mỗi ngày

Tư duy của người cầu toàn có xu hướng nghiêng về mặt tiêu cực. Thế nên việc viết ra 3 thành tựu mà bạn đã làm được hằng ngày có thể giúp thay đổi tư duy theo hướng tích cực.

Bất cứ điều nhỏ gì từ “Hôm nay, tôi dậy trước khi đồng hồ báo thức reo” cho đến “Tôi gặp một người bạn mới và người đó rất thú vị”, có thể khiến tâm trí suy nghĩ tích cực và làm giảm suy nghĩ tiêu cực.

Một nghiên cứu giải thích, sử dụng cách này giúp một số chất phản ứng với “hệ thống phần thưởng”, hoạt động bên trong não, cho phép ta nhận được “cảm giác đạt được mục đích.” Cảm giác này thúc đẩy chúng ta lặp lại quá trình một lần nữa để đạt được mục tiêu mới. Suy nghĩ tích cực hằng ngày, dù nhỏ đến đâu, giúp bộ não của bạn dần trở nên tích cực hơn. 

Đặt mục tiêu thực tế

Đặt ra mục tiêu không thực tế là một đặc điểm của người cầu toàn. Cuối cùng, chính mục tiêu không thực tế ấy lại gây ra “cảm giác không trọn vẹn” bởi vì chúng khó có thể đạt được.

Giả sử, bạn là diễn viên có mục tiêu trở thành ngôi sao Hollywood trong vòng một năm hoặc bạn muốn có một cuốn sách được xuất bản thành công trong 6 tháng tới, mà trước đó bạn chưa hề viết được một chữ nào.

Có thể xảy ra nhưng trên thực tế, bạn nhất định sẽ phải thất vọng. Có mục tiêu là điều tuyệt vời nhưng mục tiêu quá cao có thể gây ra “cảm giác mất động lực để đi tiếp” và “cảm giác không thực hiện đầy đủ”.

Do đó, ý nghĩa của việc lập mục tiêu nhằm đáp ứng mong muốn giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn chứ không phải khiến bản thân cảm thấy vô dụng hơn.

Hãy hướng đến bức tranh lớn

Không phải lúc nào bạn cũng có thể loại bỏ con người cầu toàn bên trong (do chủ nghĩa hoàn hảo) nhưng bạn hoàn toàn có thể trở thành một “người cầu toàn tuyệt vời”. Bạn hãy luôn ghi nhớ bức tranh lớn trong tâm trí.

Bất cứ khi nào bạn bắt đầu đào sâu vào khía cạnh hoặc chi tiết nào của dự án, hãy tự hỏi bản thân việc đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng như thế nào. Nếu nó chỉ chiếm khoảng 2% tầm quan trọng thì bạn hãy quên nó đi. Đây là một ví dụ về chi phí cơ hội, nơi có khả năng mất đi lựa chọn thay thế khác chỉ vì tập trung quá nhiều vào một ý tưởng duy nhất.

Lùi lại lấy đà trước khi lặn sâu xuống đại dương có thể giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và giải phóng con người bên trong nhằm tập trung vào kết quả tốt hơn.

NGUÒN: Báo Doanh nhân Sài Gòn dẫn theo lifehack.org

Link bài: Đừng để chủ nghĩa hoàn hảo…

(https://doanhnhansaigon.vn/ky-nang/dung-de-chu-nghia-hoan-hao-am-tham-pha-huy-cuoc-doi-ban-1087054.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *