Nền hành chính thủ công làm sao nói chuyện cách mạng công nghiệp 4.0

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Thời báo kinh tế Sài Gòn

—–

Gần đây, trên nhiều kênh truyền thông, diễn đàn, cụm từ cách mạng công nghiệp 4.0 được nói nhiều. Ai cũng nói, nhưng hiểu được nó là gì lại là chuyện khác. Hiểu rồi hành động cũng là một chuyện khác nữa.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Asean diễn ra tại Hà Nội tuần qua, diễn giả đến từ các nước cũng nói đến cách mạnh công nghiệp 4.0, cơ hội và thách thức đặt ra với các quốc gia, nói tóm lại ai còn ba chấm là chết.

Vậy thì Việt Nam mấy chấm?

Muốn có được một nền khoa học công nghệ phát triển thì phải có được nền tảng của một nền hành chính tương ứng. Hệ thống điều hành công mà còn thủ công thì không thể tạo ra các sản phẩm quản lý tương thích với đòi hỏi của thời cuộc. Nói chính xác, nền hành chính lạc hậu sẽ là lực cản của mọi phát triển.

Nhận thức được điều đó, cho nên gần đây, việc xây dựng Chính phủ điện tử được tái khởi động. Nói tái khởi động bởi vì đề án này đã từng được triển khai từ lâu nhưng không thành công, tất cả gần như chỉ trên giấy, còn thực tế vẫn là thủ công.

Vậy thì khó ở chỗ nào,  vì sao đề án Chính phủ điện tử thất bại ở các cấp?

Câu trả lời là vì con người.

Theo nhiều chuyên gia, với trình độ công nghệ hiện nay, để xây dựng hệ thống hạ tầng, các chương trình, phần mềm thuộc về kỹ thuật để các địa  phương xây dựng chính quyền điện tử là quá dễ dàng, nhưng không phải cứ có hệ thống hạ tầng công nghệ là “chạy” được. Vấn đề là ai chạy, và có đủ trình độ để vận hành không?

Hầu hết cán bộ, thậm chí là cán bộ lãnh đạo không biết về công nghệ thông tin. Họp bàn xây dựng chính quyền điện tử mà trên tay vẫn cầm tờ giấy, mọi người lấy sổ ra ghi chép, mặc dù ai cũng có iphone, ipad. Có nghĩa là, từ trong tư duy, nhận thức, nhiều người vẫn không “điện tử”. Thói quen cũ, nền tảng lạc hậu cũ vẫn chưa bị phá bỏ, thì rất khó tiếp nhận cái mới. Từ trước đến nay, nền hành chính vận hành bằng giấy tờ, hội họp, nếu đổi sang một cơ quan hành chính không giấy, không họp hành trong căn phòng máy lạnh, nhìn mặt nhau với trà nước hoa quả, mà tất cả đều trên mạng internet, thì nhiều người không theo kịp. Họ không đủ kỹ năng để làm việc trong môi trường chính quyền điện tử.

Ngoài những người trình độ kém, một lực cản khác là sự thay đổi sang chính quyền điện tử sẽ làm minh bạch các mối quan hệ nhà nước – công dân, vậy thì không còn cơ hội để tiêu cực, tham nhũng vặt. Người dân không đến gặp trực tiếp cán bộ nhà nước mà chỉ bấm mấy nút trên máy vi tính hay iphone là xong thì còn ăn uống gì được nữa. Thế mới hay, cải cách không dễ, bởi vì lực cản lại là chính con người trong hệ thống cần phải cải cách đó.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là không thể, phải phá bỏ nhũng lực cản đó để đi tới, để bắt kịp những tiến bộ của nhân loại. Các nước xây dựng được chính quyền điện tử có chất lượng như Hàn Quốc, Singapore…đã phát  triển được đất nước, vì chính quyền điện tử là nền tảng để tạo ra được các giá trị khác.

Hãy xây dựng chính quyền điện tử để tạo đòn bẫy cho các nguồn lực khác nhảy vào con tàu 4.0. Nếu không sẽ bị lỡ chuyến.

Sài Gòn ngày 17/09

TQT

Đọc thêm bài, Link: Chính phủ điện tử – Sao cứ mãi là tiềm năng

(https://www.thesaigontimes.vn/278060/chinh-phu-dien-tu–sao-cu-mai-la-tiem-nang-.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *