Thay vì nói chuyện 4.0, hãy bàn về kinh tế số

Sa Nam/ Báo TBKTSG

Câu chuyện mang tên Uber, Grab là một ví dụ sinh động cho thấy sự va chạm lợi ích giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống và mô hình mới. Ảnh: THÀNH HOA

Cơn bão toàn cầu hóa đi qua địa cầu không phải là chuyện sách vở, mà là chuyện thật, được chứng minh bằng các tên tuổi Uber, Grap, Facebook, Youtube…

Điều rất lạ là còn có tư duy cấm cản sự xâm nhập của các đại diện cho toàn cầu hóa đến với Việt Nam.

Đã từng có những tranh luận về hoạt động của Uber, Grab, thậm chí một hãng taxi truyền thống Việt Nam cho in khẩu hiệu phản đối Uber, Grab vào đuôi xe taxi. Nhưng thị trường là thị trường, dịch vụ nào thuận lợi, giá rẻ, chất lượng cao thì khách hàng lựa chọn.

Facebook, Youtube sở hữu gói bản quyền phát sóng ba mùa giải ngoại hạng Anh tại 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cũng là một cơn bão. Xin đừng nghĩ đến chuyện chống nó mà phải sống chung với nó.

Các thành tựu về khoa học công nghệ của nhân loại hôm nay đã thay thế cho các giá trị cũ, không thể vì bảo vệ cái cũ mà tìm cách ngăn cản cái mới. Hãy tiếp thu nó một cách chủ động, khai thác và quản lý một cách có hiệu quả, đó mới là tư duy phù hợp và ứng xử thông minh.

Trần Quí Thanh

—–

Không lâu sau khi Facebook thông báo công ty này sở hữu gói bản quyền phát sóng ba mùa giải ngoại hạng Anh tại bốn nước Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan), mở ra khả năng người Việt được xem miễn phí giải thể thao hấp dẫn này, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VnPayTV) đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép cho Facebook phát sóng vào Việt Nam.

Câu chuyện mang tên Uber, Grab chưa lắng xuống, chưa giải quyết xong, lại thêm một ví dụ sinh động nữa cho thấy sự va chạm lợi ích giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống và mô hình mới.

Dịch vụ xuyên biên giới – dòng chảy thông tin, dòng chảy “số”

Nếu có thể gọi Uber là hãng taxi lớn nhất thế giới thì tương tự, Facebook cũng có thể được coi là “hãng tin”, là “tờ báo” lớn nhất thế giới; và Youtube là “hãng truyền hình” lớn nhất thế giới? Câu trả lời chắc hẳn là có, dù các từ như hãng tin, tờ báo, hãng truyền hình được để trong ngoặc kép – bởi nhìn sâu vào nội dung số mà các mô hình này kinh doanh, thật khó để gò ép nó vào khuôn khổ của báo chí theo cách hiểu truyền thống.

Giống như Uber không sở hữu cái xe, bác tài nào theo nghĩa truyền thống, Facebook cũng không có phóng viên, Youtube không có người sản xuất video riêng của họ. Những hãng công nghệ này chỉ cung cấp công cụ, cung cấp nền tảng (platform) để người dùng tham gia tạo ra các chất liệu, rồi từ đó biến thành “hàng hóa” theo những cách thức khác nhau.

Sự xóa nhòa những ranh giới truyền thống đến từ đủ mọi khía cạnh. Cách phân ngành truyền thống không còn đủ khả năng định nghĩa và cung cấp một tên gọi cho mô hình kinh doanh mới: Facebook có đủ cả yếu tố của một tờ báo, trang thông tin điện tử hay đài truyền hình. Từ góc độ tạo ra sản phẩm, đã không còn một chủ thể sở hữu duy nhất mà là đồng sở hữu: Uber, Youtube, Facebook có nền tảng và người dùng có một phần tài sản là chất liệu, nội dung trên đó. Từ góc độ biên giới quốc gia, đã không còn một đường biên để phân định chủ quyền tài phán – pháp lý theo cách hiểu truyền thống: Internet là không biên giới; và người dùng Internet – đồng thời là chủ thể đồng sản xuất, đồng sở hữu – không còn bị đóng khung trong những cột mốc biên giới.

Và chính vì cung cấp các nền tảng không biên giới, các doanh nghiệp như vậy cũng không còn cần đến việc phải lập văn phòng đại diện, phải trực tiếp hiện diện “vật lý” tại những quốc gia có người dùng của họ. Dòng chảy số, do đó về bản chất đã không còn biên giới. Dịch vụ, do đó cũng trở thành những dịch vụ xuyên biên giới.

Với Việt Nam, sự thâm nhập và mức độ sử dụng các dịch vụ số như vậy thực sự lớn hơn rất nhiều so với hình dung, so với khả năng “thấy được” của chúng ta. Gmail, Yahoo Mail, Hotmail hay Outlookmail… giúp chúng ta làm việc và kết nối; Skype, Viber, Whatsapp, Zalo, Messenger cho chúng ta một phương tiện liên lạc hiệu quả. Linkedin, Freelance.com… biến thị trường lao động từng quốc gia dần trở thành thị trường lao động toàn cầu. Những dịch vụ xuyên biên giới đó đã và đang tạo lập mới và định hình lại cách thức sống, cách thức làm việc của phần lớn người dân, ở phần lớn các quốc gia tiếp cận đến Internet. Tạo lập và định hình lại cách sống, cách làm việc cũng đồng nghĩa với việc phát sinh những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa mới. Và xung đột đương nhiên sẽ bắt đầu.

Xung đột lợi ích cũng sẽ bắt đầu từ đây. Trường hợp Uber, Grab đã được phân tích nhiều và được nhận diện. “Bản quyền số” là một góc độ xung đột nữa. VnPayTV đương nhiên không hài lòng với Facebook bởi vì lợi ích của chính họ bắt đầu bị tổn hại bởi mô hình kinh doanh mới. “Bản quyền truyền hình” theo nghĩa truyền thống giới hạn trong từng thiết bị và bị kiểm soát bởi đường biên giới: tín hiệu truyền hình – dù là truyền hình cáp hay truyền hình số vệ tinh – chỉ có thể đến với từng ti vi của từng nhà. Và “nhà” thì nằm trong đường biên giới. Còn nếu Facebook phát trên mạng xã hội, nội dung số không biết đến “biên giới nhà”. Có Facebook, đương nhiên nhiều người sẽ chạy sang xem bóng đá không phải trả tiền (chứ thực ra không phải là miễn phí). Miếng bánh của các nhà đài truyền hình truyền thống vì thế sẽ nhỏ lại.

Và những câu hỏi chính sách

VnPayTV – đại diện các nhà đài trong nước – yêu cầu cấm cửa phát sóng bóng đá trên Facebook, liệu cơ quan quản lý nhà nước có đồng ý hay không, hay sẽ có giải pháp nào khác? Người đóng góp nội dung cho Facebook, Youtube có được “chia phần” công bằng với đóng góp của họ? Có thất thu thuế Grab, Facebook, Youbtube; nên thu thuế các đối tượng này như thế nào? Làm sao để bảo vệ bản quyền với mức độ chia sẻ và xâm phạm chóng mặt trên môi trường số? Làm sao để quyền riêng tư, dữ liệu có thể được bảo vệ? Tin giả, tin không chính xác và những phát ngôn thù hằn, kích động tràn ngập trên mạng xã hội, làm sao để chống nội dung xấu, độc mà không tổn hại đến quyền bày tỏ ý kiến, tự do ngôn luận của công dân?

Điều chỉnh khung pháp lý cho nền kinh tế số – kinh tế chia sẻ (regulate digital economy) đang là bài toán làm đau đầu các hoạch định chính sách trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, giữa làn sóng hội thảo, hội nghị bàn luận ồn ào về cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, ta lại thiếu vắng những thảo luận cụ thể, chi tiết về những vấn đề sát sườn, gắn với chuyện “cơm áo, gạo tiền”, với sự sống còn và tương lai của hàng chục triệu người dân, hàng triệu doanh nghiệp liên quan đến các câu hỏi ở trên. Cho tới giờ, đường hướng chính sách đối với Grab, Facebook, Youtube… vẫn chưa có lối ra sáng sủa. Đó là chưa nói đến việc nhiều đề xuất chính sách của các bộ, ngành lại cho thấy tư duy bảo hộ, cục bộ và dân tộc chủ nghĩa trong bối cảnh của một nền kinh tế toàn cầu không còn có đường biên – kinh tế số.

4.0 vẫn là chuyện trên “trời”, còn Facebook, Youtube mới là những điều trên mặt đất! 

 

Theo thông cáo báo chí kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê, ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp tiếp tục tăng nhưng cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn ở mức độ thấp.

Số doanh nghiệp có kết nối Internet tăng lên đáng kể, tăng 5,1% điểm phần trăm so với năm 2012, với 86,2% doanh nghiệp có máy tính và 85,1% doanh nghiệp có kết nối Internet trong tổng số doanh nghiệp (so với 87% và 80% năm 2012).

So với năm 2012, số lượng đơn vị hành chính, sự nghiệp có sử dụng máy tính tăng từ 89% lên 98%, sử dụng Internet đạt 95%. Tuy nhiên, mục đích sử dụng Internet còn khá đơn giản, chủ yếu để gửi và nhận thư điện tử (98%), tìm kiếm thông tin (94%), học tập nghiên cứu (85%). Trong khi đó, tỷ lệ cơ sở sử dụng máy tính và Internet để điều hành tác nghiệp chỉ đạt 36%, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 12,6% (các cơ quan trung ương chiếm 87% số lượng các đơn vị này, cơ quan địa phương 13%). Xét theo mức độ cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ công trực tuyến qua Internet, chỉ có 1,2% tổng số cơ sở ở mức độ 4[1], trong đó số cơ quan trung ương đạt mức độ 4 chiếm 12,8% tổng số cơ quan trung ương.

[1] Theo nội dung quy định tại điều 3 – Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13-6-2011 của Chính phủ “Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước”

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn

Link bài:Thay vì nói chuyện 4.0…

(https://www.thesaigontimes.vn/td/279189/thay-vi-noi-chuyen-40-hay-ban-ve-kinh-te-so-.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *