Bảo tồn di sản không chỉ là chuyện văn hóa, lịch sử

Trần Quí Thanh

Dinh Thượng Thơ tại quận 1 TP.HCM (Ảnh: TL MTĐT)- Theo Báo Người Đô Thị

—–

Đa số du khách khi đến một thành phố hay một vùng đất du lịch, cái mà họ tìm kiếm không phải là những tòa nhà cao tầng, mà là những địa chỉ di sản. Bởi vì, nhà cao tầng thì ở đâu cũng có và rất giống nhau, còn di sản thì quý hiếm, và không nơi nào giống nơi nào.

Đến khu trung tâm của Hong Kong, cũng chẳng thấy khác của Singapore, Bangkok hay Kuala Lumpur, Sài Gòn tuy không sầm uất hơn nhưng cũng tương tự. Nhưng vào những di tích lịch sử, di sản văn hóa thì khác nhau, mỗi nơi có linh hồn riêng, giá trị riêng.

Chính vì vậy, nên các cố đô như Huế của Việt Nam, Chiang Mai của Thái Lan, Luang Prabang của Lào hay Kyoto của Nhật Bản luôn là nơi thu hút du khách hơn các thành phố hiện đại hay tân thủ đô. Ở các thành phố cổ, có nhiều ngôn ngữ của quá khứ để đọc, để thưởng thức, để suy ngẫm, một trong những ngôn ngữ đó là kiến trúc.

Bạn có thể trầm ngâm trước ngôi đền Angkor ngày này qua ngày khác để suy nghĩ nhiều điều về phận người, nhưng bạn chỉ có thể dạo trên các đại lộ thuộc trung tâm mua sắm của Paris trong một vài giờ là chán. Chính vì vậy mà Hội An tuy nhỏ nhưng lại luôn đông du khách, ngược lại các thành phố hiện đại hơn lại vắng hoe.

Đó là nhìn không gian quốc gia, còn zoom lại không gian một tỉnh, thành phố, sẽ thấy sự lưu giữ các giá trị cổ kính là điều không thể không làm. Du khách trong nước, quốc tế đến Sài Gòn không phải để ngắm mấy cái building mà ở xứ họ còn dữ dằn hơn, họ tìm những góc riêng mà họ có thể đọc được một phần lịch sử, văn hóa của một thành phố, một vùng đất, một đất nước.

Cũng từ góc nhìn này, sẽ thấy bảo tồn di sản, công trình kiến trúc cũ không chỉ là chuyện của văn hóa, lịch sử, mà còn là chuyện kinh tế. Biết đầu tư và khai thác tài nguyên này hiệu quả, thì cũng kiếm được nhiều tiền chứ chẳng chơi. Tui đi nhiều nước, thấy họ làm giàu bằng cách này rất giỏi, giàu là phải.

Mới đây, theo dõi những tranh luận liên quan đến Dinh Thượng Thơ ở Sài Gòn, tui thấy quan điểm bảo tồn là đúng, và rất may là chính quyền đã lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học. Nếu như không có những “mái ngói rêu phong” như Dinh Thượng Thơ, Bưu Điện trung tâm, Nhà thờ Đức Bà, thì còn chi Sài Gòn nữa phải không?

Sài Gòn ngày 03/10/2018

TQT

Bài đọc thêm, Link: “Đô thị Thông minh” và “Bảo tồn di sản” qua câu chuyện Dinh Thượng Thơ

(https://nguoidothi.net.vn/do-thi-thong-minh-va-bao-ton-di-san-qua-cau-chuyen-dinh-thuong-tho-15723.html)

5/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *