Nếu có một cuộc thống kê tất cả các nhà hát, bảo tàng, nhà văn hoá trên toàn quốc, sẽ thấy được một số tiền khổng lồ đã đầu tư cho các công trình này. Vấn đề không phải là xây dựng bao nhiêu tiền, mà hiệu quả của các dự án như thế nào.
Trên thực tế, đã có nhiều nhà hát, nhà thi đấu thể thao, trước khi xây dựng, người ta nói toàn những điều tốt đẹp, sẽ thu hút bao nhiêu lượt khách, sẽ là nơi trình diễn nghệ thuật, phục vụ đời sống văn hoá, thể thao cho người dân. Nhưng sau khi xây dựng hoàn thành, nhiều công trình gần như “bỏ hoang”.
Bài viết dưới đây nói về trường hợp nhà hát Trần Hữu Trang – TPHCM, đầu tư xây dựng ban đầu 60 tỉ đồng, sau đó đội vốn lên 132 tỉ đồng. Và sau đó, nhà hát luôn trong tình trạng đóng cửa, cùng với nó là những cuộc thanh tra về sai phạm.
Không cần bàn về sự lãng phí, bởi vì ai cũng biết điều đó, và đương nhiên người dân biết rõ cái gọi là sai phạm có nguyên cớ từ đâu.
Khi mà sự công chính còn thiếu vắng, thì khó có thể có được những công trình “liêm chính”.
Trần Quí Thanh
Xây nhà hát nhưng không hoạt động vì lỗi thiết kế
Nhà hát Trần Hữu Trang được xây mới hoàn toàn trên nền rạp hát Hưng Đạo trước đây. Công trình có số vốn đầu tư ban đầu là 60 tỷ đồng được rót từ ngân sách, nhưng sau đó bị đội vốn hơn gấp đôi là 132 tỉ đồng.
Nhà hát được khởi công xây dựng vào tháng 4.2013, đến tháng 5.2017 thì bàn giao. Tuy nhiên, kể từ ngày khánh thành và đưa vào sử dụng đến nay, nhà hát Trần Hữu Trang rất ít khi được sáng đèn, luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.
Sáng 13.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang cho biết, do lỗi về thiết kế chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nên nhà hát không thể sáng đèn hằng đêm dẫn đến doanh thu không có.
Vì vậy, kinh phí để duy trì hoạt động của nhà hát và bộ máy nhân sự đều được rót từ ngân sách thành phố. “Thành phố có dự tính là sẽ xây một nhà hát mới để thay thế cho nhà hát Trần Hữu Trang hiện tại, lúc đó chúng tôi sẽ bàn giao lại công trình nhà hát này cho thành phố quản lý” – NSND Trần Ngọc Giàu nói với PV.
Chủ đầu tư có nhiều sai phạm lại được giao làm chủ đầu tư nhà hát 1.500 tỷ đồng.
Trước sự việc nhà hát Trần Hữu Trang xây xong nhưng không sử dụng được, UBND TPHCM đã chỉ đạo Thanh tra thành phố vào cuộc. Thanh tra Thành phố đã tiến hành thanh tra dự án và có kết luận số 17/KL-TTTP-P3, công bố cụ thể những sai phạm ở dự án Nhà hát Trần Hữu Trang.
Chịu trách nhiệm chính về những sai phạm này là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM).
Thế nhưng, đến nay việc xử lý những cá nhân, đơn vị liên quan dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Điều này đồng nghĩa thành phố vẫn đang nợ nhân dân về bài toán sử dụng ngân sách, khi hơn 130 tỷ đồng tiền thuế của dân đổ vào xây nhà hát nhưng không sử dụng.
Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM) là chủ đầu tư công trình nhà hát Trần Hữu Trang đã có nhiều sai phạm, nay lại được chọn làm chủ đầu tư công trình nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ đồng, liệu có thuyết phục được lòng dân?
Xây nhà hát Trần Hữu Trang rồi bỏ không, giờ lại “đòi” xây nhà hát giao hưởng 1500 tỷ
Trao đổi với PV Báo Lao Động, NSƯT Kim Tử Long tỏ ra bức xúc khi một nhà hát được đầu tư cả trăm tỷ đồng nhưng không phục vụ được gì cho nghệ thuật. “Tôi không nghĩ đấy là một nhà hát, không hiểu họ thiết kế, thi công và xây dựng nên một công trình này với mục đích là gì?” – NSƯT Kim Tử Long nói với với PV.
Nhà hát Trần Hữu Trang khi xây dựng bị đội vốn từ 60 tỷ đồng lên hơn 132 tỷ đồng, xây xong bỏ đó rồi lại tính phương án xây nhà hát khác thay thế. Vụ việc chưa được giải quyết ra ngô ra khoai, thì chính quyền TPHCM lại “đòi” xây nhà hát giao hưởng hơn 1.500 tỷ đồng là không phù hợp cả về tình và lý.