Hàng hiệu nhái/giả tràn lan chợ mạng: Giết chết thương hiệu, hại chết nhà sản xuất…

Thế Lâm/ Báo LĐO

Nón giả các thương hiệu nổi tiếng bị phát hiện tại TP.HCM (ảnh: Nguyễn Hải/Người Lao Động).

—–

Bất cứ nền kinh tế nào, khi bị hàng gian, hàng giả, thì chắc chắn sẽ suy tàn, kiệt quệ. Lòng tin vào các sản phẩm trên thị trường không còn, thì mọi giá trị đều bị đảo lộn.

Doanh nhân xây dựng một thương hiệu mất biết bao nhiêu công sức, một sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường là cả một quá trình dài, không phải ngày một ngày hai. Thế nhưng, những kẻ nhái thương hiệu lại không mất chút sức lực nào là có thể chiếm đoạt được. Hành động đó vừa vi phạm pháp luật, vừa không có đạo lý.

Người tiêu dùng bị lừa đảo, nhà sản xuất bị thiệt hại, thế thì làm sao kinh tế xã hội của quốc gia phát triển lành mạnh.

Chỉ có công cụ duy nhất để nghiêm trị và ngăn chặn nạn hàng nhái, hàng giả, đó là pháp luật. Cần phải có những quy định chặt chẽ hơn để điều chỉnh hành vi phạm tội này, nhất là trong thời đại mà nhiều người khai thác mạng xã hội để kinh doanh.

Trần Quí Thanh

—–

Một chiếc đồng hồ Rolex của Thụy Sĩ có giá chính hãng hàng trăm triệu đồng nhưng trên chợ mạng, hàng nhái/giả có giá chỉ 200-300 ngàn đồng. Một chiếc Apple Watch có giá chính hãng gần 20 triệu đồng, trên chợ mạng bán giá rẻ… như cho, chỉ vài trăm ngàn đồng.

Tất nhiên, thực trạng này không phải đến lúc bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) – đề cập tại  hội nghị về “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam – nguy cơ, thách thức và giải pháp” thì dư luận mới biết đến. Đó chỉ là thêm một lần xác nhận, từ một chức sắc thuộc cơ quan chức năng mà thôi.

Hàng giả, hàng nhái không chỉ tràn lan trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn, có tiếng như Lazada, Tiki, Sendo, Adayroi, Shopee… mà đặc biệt càng khó lường và khó kiểm soát đối với những sàn TMĐT nhỏ hơn, hoặc các cá nhân, hộ kinh doanh chuyên bán hàng qua mạng xã hội mà nhiều nhất là trên Facebook.

Vấn đề đặt ra là, cơ quan quản lí cũng đã biết như thế rồi, vậy việc kiểm tra xử lí như thế nào? Chúng ta cần biết rằng, hiện có khá nhiều cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm tra, xử lí vấn đề này, từ Cục Quản lí cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Quản lí thị trường với mạng lưới đến các địa phương, ngành công an… Tuy nhiên, nguyên nhân thứ nhất là do chúng ta chưa kiểm tra và xử lí nhiều trên diện rộng, đặc biệt là đối với lĩnh vực kinh doanh, bán hàng online. Thứ hai, mức phạt hành chính cũng chưa đủ mạnh để răn đe…

Mới đây, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lí thị trường – cho biết, sắp tới tổng cục sẽ tham mưu đề xuất sửa đổi Nghị định số 185  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với hướng gia tăng mức hình phạt để đủ sức răn đe.

Chúng ta cũng cần biết rằng, vào đầu tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã thông qua luật TMĐT mới buộc các hãng TMĐT phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc bán hàng giả trên sàn, với mức phạt tối đa có thể lên đến 30 triệu USD. Cần biết rằng, với luật cũ, các sàn không phải chịu trách nhiệm, thay vào đó “quy tội” đối về các cá nhân bán hàng.

Nếu thị trường Trung Quốc được mệnh danh là “thiên đường hàng nhái, hàng giả” thì thị trường Việt Nam từ online đến offline hiện hàng giả, hàng nhái cũng tràn lan. Đặc biệt đối với các loại hàng tiêu dùng, mỹ phẩm…  được bán online, mức độ nhái/giả được cho là “khủng khiếp”, gần như không kiểm soát được.

Nếu nói rằng hàng hiệu nhái/giả tràn lan chợ mạng giết chết các thương hiệu và nhà sản xuất chân chính có lẽ cũng chưa đủ, mà còn hại cả người tiêu dùng khi tiền mất nhưng món hàng thì kém chất lượng. Đặc biệt, đối với những loại hàng hóa về chăm sóc sức khỏe, có thể còn gây ra hệ lụy khó lường.  

 

NGUỒN: Theo Báo Lao động online

Link bài:Hàng hiệu nhái/giả tràn lan….

(https://laodong.vn/dien-dan/hang-hieu-nhaigia-tran-lan-cho-mang-giet-chet-thuong-hieu-hai-chet-nha-san-xuat-637234.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

3 Comments

  • Vấn đề này không còn mới đối với các doanh nghiệp và các nhà kinh doanh lớn . hàng fake luôn chiếm lĩnh thị trường vậy bài toán để chúng ta giải có đáp án không . nếu có thể thị hàng có thương hiệu mà giá thành gần với hàng fake , chất lượng tốt hơn liệu khách hàng có chấp nhận , hay chỉ chấp nhận hàng fake . SẾP THANH THẤY ĐÚNG KHÔNG Ạ . Nên thỏa mạng khách hàng dù kách hàng khó tính nhât.

    Reply

Bình luận

Required fields are marked *