Những oan khuất trong giải tỏa đền bù của dự án Khu đô thị Thủ Thiêm được đưa ra ánh sáng thì cũng đã mất gần 20 năm, một khoảng thời gian quá dài, đủ cho người ta chết trong mỏi mòn vì chờ đợi.
Khu đô thị Thủ Thiêm là dự án ngay tại TPHCM, thành phố lớn và văn minh nhất nước.
Từ đó để chúng ta suy nghĩ, còn những dự án nhỏ hơn, khuất ở những nơi hẻo lánh, những vùng quê “xa mặt trời”, ở những nơi mà lý trưởng, chánh tổng đời mới hoành hành, thì oan khuất biết đến khi nào được đưa ra ánh sáng, trả lại công bằng cho người dân mất đất?
Những nơi đó như những vết thương âm ỉ trên cơ thể đất nước, đau nhức vô cùng. Nếu cứ để kéo dài không có biện pháp trị liệu, sẽ thành chứng ung thư, vô phương cứu chữa.
Đảng, Nhà nước đã mạnh tay với những sai phạm tại Thủ Thiêm, thì hãy quyết liệt với những nơi khác, đó chính là phương thuốc đặc trị duy nhất.
Trần Quí Thanh
Tại chuyên mục này, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ từng nói rằng ông “bị hẫng” khi biết Tổng cục Quản lý đất đai chưa từng thu thập số liệu diện tích đất bị thu hồi để giao cho các dự án đầu tư. Có nghĩa là chúng ta không cách nào biết được thực sự còn bao nhiêu “Thủ Thiêm” ngoài kia; và bao nhiêu trong số đó được đoái hoài.
Năm 2010, hơn một trăm hộ dân phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh nhận thông báo phải nhường đất cho một tập đoàn nước ngoài xây nhà máy nhiệt điện. Năm 2011, sau khi đo đạc, kiểm kê tài sản đền bù, nhà chức trách cấm dân cư ở đây cơi nới, sửa chữa và xây các công trình.
Tám năm trôi qua, 270 nhân khẩu ở hai tổ dân phố phường Kỳ Phương chịu cảnh “đi không được, ở không xong”. Nhà cửa cũ kỹ, rêu phong ẩm mốc, công trình phúc lợi xuống cấp… nhưng tất cả đều phải cam chịu. Dự án treo, nhà cửa treo, cuộc đời con người thì không thể “treo” mà cứ vậy tồi đi.
Đất đai, nhà cửa hiện vẫn là của họ, trên thực tế họ không còn quyền quyết định. Xót xa ruộng đất bỏ hoang nhiều năm, người dân xin cải tạo cho đỡ phí, cũng để sinh nhai đỡ phải đi làm thuê, nhưng không ai dám cho.
Họ bực bội với tôi – một người không liên quan – khi được hỏi chuyện dự án. “Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi”, họ đồng thanh. Cái “biết rồi” ở đây là dân đã biết phản ứng của chính quyền. “Nói mãi” là việc chính quyền năm này qua năm khác cứ tới đối thoại, vận động và thuyết phục cố gắng chờ dự án triển khai, nhưng không hẹn năm nào. “Lần đầu gặp chú, tôi đã nói ‘biết rồi, khổ lắm, nói mãi’ đấy” – họ nói trong lần gần nhất tôi xuống thăm; nhấn mạnh lại một thông điệp gần như vô nghĩa và tuyệt vọng.
Lý do được đưa ra: tỉnh chưa có kinh phí giải ngân để giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch cho phía nhiệt điện. Sau những lần đối thoại với Chủ tịch rồi Phó chủ tịch tỉnh, nhiều hộ đành bỏ nhà, thuê nhà tạm bợ, hoặc đến nhà người thân sống.
Theo Luật Xây dựng, một dự án sau 12 tháng mà chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ và không thuộc trường hợp giãn tiến độ thì sẽ bị thu hồi.
Nhưng trường hợp dự án ở Kỳ Phương, cái khó lại là của chính quyền: tỉnh chấp thuận chủ trương, nhưng thiếu vốn giải phóng mặt bằng. Nếu bây giờ tỉnh rút lại chủ trương, sẽ khó xử cho nhiều bên. “Phía nhiệt điện có thể hỗ trợ chi phí để lấy mặt bằng, nhưng họ không thể cho cả, bởi số tiền đưa dân đi tái định cư cũng phải 100 tỷ đồng. Khi chưa có, thì cứ chờ thôi”, chủ tịch phường tâm sự.
Không có cơ chế thu hồi dự án, không khung pháp lý nào bắt chính quyền phải chịu trách nhiệm về 8 năm khổ sở của người dân hay là chấm dứt tình trạng “treo” cuộc đời của mấy trăm con người.
Bài toán về vốn ngân sách cũng khiến dân cư khối phố Linh Tân (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) lao đao. 82 hộ sống trong tình trạng bốn không: Không được tách khẩu, tách sổ đỏ, bán đất và xây dựng. Bởi đất của họ nằm trong quy hoạch dự án đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài. Các lá đơn khiếu nại cứ thế rơi vào vô vọng, vì bài toán đầu tiên là “tiền đâu” chưa được giải quyết.
Ở một dự án khác, 800 m đường Nguyễn Công Trứ có chủ trương đầu tư từ năm 1990, mãi gần đây mới triển khai, nguyên nhân cũng là thiếu vốn. Đến nỗi, nhiều người ngán ngẩm, đặt tên đường là “Nguyễn Cứ Trông”.
Chưa một con số tổng thể nào về các dự án treo trên cả nước được công bố. Nhưng từ nhiều nguồn, con số đó có thể lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn. Nguyên nhân có thể do khó khăn trong tìm tiếng nói chung khi đền bù, giải tỏa giữa chính quyền, doanh nghiệp với người dân; cũng có thể do năng lực nhà đầu tư yếu; hoặc do chậm vốn ngân sách…
Bộ Xây dựng, tháng 8 năm nay, trả lời cử tri Hà Nội cũng chỉ mô tả tình trạng quy hoạch treo bằng tính từ “khá phổ biến” sau khi khẳng định rằng “chưa có thống kê”. Giải pháp đề ra chỉ bao gồm những việc đương nhiên như “hoàn thiện thể chế thanh tra, giám sát” hay “kịp thời xử lý”.
Nhìn vào tình cảnh người dân ở Hà Tĩnh khổ vì quy hoạch treo, tôi nhớ tới những hộ dân ở Thủ Thiêm, họ cố bám trụ trong những căn nhà tuềnh toàng để chống lệnh di dời sai trái. Sau 20 năm, dân Thủ Thiêm đã nhẹ lòng phần nào khi Trung ương vào cuộc. Còn dân quê tôi, họ vẫn mong chờ được thanh tra vào cuộc như Thủ Thiêm rồi sau đó đi đâu mặc số phận, mà chưa được.
Có một câu hỏi đằng sau chuyện này: khi các nhà quản lý không thống kê được diện tích đất bị thu hồi, họ có hiểu rằng đó không chỉ là đất, đó không chỉ là những con số vô tri tính bằng mét vuông, bằng hécta; mà đó thực ra là cuộc đời những con người?
Liệu tôi có thể diễn đạt lại, rằng chính quyền đang không thể thống kê được bao nhiêu con người đang bị gạt ra lề của cuộc sống bình thường?