Dư luận lên tiếng nhiều về việc quan chức nhà nước tại sao không từ chức khi lĩnh vực hay địa phương họ quản lý xảy ra những sai phạm, ví dụ như vụ gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
Nếu ở một nước khác, có thể Bộ trưởng Giáo dục sẽ từ chức, nhưng ở Việt Nam thì không.
Tương tự, một chiếc tàu đắm ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Giao thông từ chức, nhưng nếu xảy ra ở Việt Nam, không có chuyện ông Bộ trưởng GTVT từ chức. Nếu có, thì vụ BOT hay đường 34.000 tỉ đồng bị ổ gà ổ voi cũng đủ cho một sự ra đi trong danh dự.
Xin hãy khoan trách cứ những người không từ chức, bởi vì “cái nước mình nó thế”, khi chưa có một cơ chế để cán bộ nhà nước thực hiện từ chức, thì không ai chủ động làm việc này. Chờ đợi ở danh dự, trách nhiệm, lòng tự trọng thật còn quá mông lung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn kêu gọi “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Vậy thì còn chờ gì nữa mà không bắt tay triển khai thực hiện, trước hết là soạn thảo và ban hành một cơ chế cho cán bộ từ chức chặt chẽ, rõ ràng.
Ví dụ thôi nhé, nếu ai tín nhiệm thấp nhất trong một kỳ lấy phiếu tín nhiệm thì phải từ chức.
Trần Quí Thanh
Có rất nhiều nội dung mà cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện, nhưng nội dung “chủ động xin từ chức” ít nhiều gây chú ý bởi động thái này từ trước đến giờ vẫn còn khá “xa lạ” trong sinh hoạt chính trị lẫn trong văn hóa hành xử của những người được giao trọng trách. Tổng bí thư, và hiện nay còn là Chủ tịch nước, nhấn mạnh vai trò nêu gương trước hết ở các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nhưng có lẽ cần thấy rằng văn hóa từ chức nên hình thành trong mọi cấp, trong mọi cơ quan đơn vị mà ở đó các chức trách lớn-nhỏ do Đảng và Nhà nước bổ nhiệm.
Nói cho công bằng, không phải tất cả những người mang trọng trách đều “chây ì”, phớt lờ dư luận, hoặc thiếu dũng khí để lên tiếng xin từ chức. Mà sự “dùng dằng” ở đây có phần nào là do thiếu một cơ chế, một quy trình minh định để họ thanh thản “cởi áo từ quan” hay mạnh dạn “nhường ghế” khi cảm thấy mình không còn đủ năng lực, uy tín đảm nhiệm trọng trách.
Chưa bàn đến các vị trí cấp cao ở trung ương, nơi mà mọi quyết định “xin từ chức” và “chấp thuận việc từ chức” cần được cân nhắc nhiều mặt bởi không chỉ liên quan đến sinh mệnh chính trị cá nhân mà còn tác động xáo trộn có thể có trong hoạt động điều hành Chính phủ, Nhà nước. Chỉ nói đến các cấp địa phương, thậm chí tại các doanh nghiệp nhà nước hay các đơn vị sự nghiệp, thực tế lâu nay vẫn có một sự lúng túng cho cả người bổ nhiệm lẫn người được bổ nhiệm khi cần thiết phải “xin từ chức”.
Lúng túng, bởi lâu nay hầu như chỉ có một quy trình xuôi, đó là một quy trình bổ nhiệm vốn rất chặt chẽ, phải qua nhiều bước, phụ thuộc nhiều cấp. Một cá nhân trước khi được bổ nhiệm vào một vị trí lãnh đạo hầu như phải trải qua một quá trình quy hoạch lâu dài, được đào tạo và phải kinh qua một số thử thách. Đến khi được đề bạt, người đó phải được cơ quan đảng và chính quyền cấp trên phê chuẩn. Một quy trình quy hoạch-bổ nhiệm như vậy phần nào có ý nghĩa tuân thủ, người được bổ nhiệm hiểu rằng họ được giao trọng trách và bổn phận của họ là phải hoàn thành. Cũng vì vậy mà khi một người muốn từ chức, về mặt tâm lý có vẻ có khó khăn cho cả hai phía: người bổ nhiệm không muốn mang một cảm giác rằng mình chọn người không phù hợp; còn người được bổ nhiệm lại cứ tâm niệm rằng đó là một nhiệm vụ chính trị được cấp trên tin tưởng giao phó, và khi mình xin từ chức thì đồng nghĩa với việc né tránh, thoái thác nhiệm vụ.
Song, một sự “dùng dằng” như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động lãnh đạo và điều hành công việc. Vì tâm lý như nói trên mà cả hai phía đều không muốn thay đổi, trong khi thực tế công việc đã đến lúc đòi hỏi một con người mới với cách làm mới. Mặt khác, tâm lý đó cũng có thể là chỗ dựa “chính đáng” cho một số người không còn đủ năng lực nhưng không muốn rời ghế, với lý lẽ rằng “phải tuyệt đối chấp hành nhiệm vụ mà cấp trên tin tưởng giao phó”.
Tất nhiên, cùng với một quy trình bổ nhiệm chặt chẽ thì một cơ chế để từ chức có lẽ không đơn giản. Trước một nguyện vọng xin từ chức, có khi các cấp ủy đảng sẽ phải họp nhiều cuộc để xem xét và có ý kiến. Với các chức vụ do bầu cử mà có thì còn phải căn cứ kết quả biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm. Mặc dù vậy, một cơ chế cho vấn đề này đã đến lúc cần được hình thành, và nên càng đơn giản càng tốt để thuận lợi cho người muốn từ chức, và thể theo nguyện vọng của số đông, đặc biệt khi người đứng đầu Đảng và Nhà nước đã phát đi tín hiệu.
NGUỒN: Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn