Năm 2017, các cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành 5.639 văn bản trái pháp luật, chừng này đã đủ khổ dân rồi.
Hôm 14.11, tại Hội thảo đánh giá về chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh, các đại biểu chỉ ra rằng, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh trước ngày 31.10.2018, nhưng đã không đạt mục tiêu như Nghị quyết 19-2018/NQ-CP.
Có những chủ trương đã được pháp lý hóa bằng Nghị quyết, nhưng khi đi vào cuộc sống, vẫn phải chờ, vì các cơ quan của nhà nước không tích cực triển khai hành động.
Chính phủ đã thấy rõ điều đó, và bằng một động thái mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 139 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nghị quyết này có mục tiêu cụ thể, lộ trình cụ thể phải hoàn thành từng “hạng mục cắt bỏ”.
Riêng trong lĩnh vực xây dựng, có không ít những quy định bất hợp lý cần phải dẹp càng sớm càng tốt.
Rất may, một trong những mục tiêu được ghi rõ trong Nghị quyết 139 là: Đến năm 2020, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thế và bảo hiểm xã hội để đạt số điểm trung bình ASEAN 4 theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới.
Trần Quí Thanh
Nhiều quy định không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường và nền kinh tế nhưng đề xuất, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền thì lý do này lý do kia đều phải… chờ.
Đơn cử quy định khống chế tỷ lệ lãi vay đối với các doanh nghiệp (DN) có phát sinh giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá từ các tập đoàn đa quốc gia, DN có vốn đầu tư nước ngoài… của Nghị định 20 có hiệu lực từ ngày 1.5.2017 đang khiến các công ty trong nước gặp nhiều khó khăn.
Sự bất cập của quy định này đã được mổ xẻ, phân tích rất kỹ lưỡng dựa trên các cơ sở thực tế, khoa học, so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với việc bổ sung nội dung này vào luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quản lý thuế trình Quốc hội tại kỳ họp lần này cho thấy Bộ Tài chính đã lắng nghe và có thái độ cầu thị trước những phản ánh của DN.
Dù vậy, bộ này vẫn “bắt” các DN đang khốn khổ vì quy định này phải chờ trình Quốc hội trong khi hoàn toàn có thể sửa bằng một nghị định mới, thay thế nghị định chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Tương tự, quy định “100% đất ở mới được chỉ định là chủ đầu tư” đang khiến TP.HCM “nghẽn” 122 dự án, tương đương tỷ lệ 74% trong tổng số hồ sơ đề nghị công nhận chủ đầu tư. Sự vô lý và mâu thuẫn của quy định này trong chính luật Nhà ở, những ảnh hưởng tiêu cực đến các DN bất động sản, đến thị trường và đến giấc mơ sở hữu một căn nhà của người dân là rất rõ ràng.
Thế nhưng trong công văn trả lời kiến nghị của TP.HCM “nếu trong quy hoạch đã là đất ở và có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng là để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở thì đất đó được xem như là đất ở”, Bộ Xây dựng lại yêu cầu “TP phải có văn bản báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng”.
Ô hay, quy định thiếu phù hợp trong thẩm quyền của Bộ Xây dựng thì Bộ phải sửa. Nếu quy trình phải xin ý kiến Thủ tướng thì Bộ phải trực tiếp và nhanh chóng xin chứ sao lại làm chính sách kiểu “Tôi đồng ý nhưng anh phải đi xin cấp trên” như vậy? Vai trò, trách nhiệm của Bộ là tham mưu, tư vấn, giúp việc cho Chính phủ, sao lại đẩy việc lên cho Thủ tướng?
Nên nhớ, tại nghị trường Quốc hội đang diễn ra, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và các Phó thủ tướng đã không ít lần khẳng định, chính sách nào không phù hợp là sửa ngay cho người dân, DN được nhờ. Đó chính là tinh thần cải cách, tinh thần của Chính phủ hành động.
Trong khi 2 quy định trên, nếu được chỉnh sửa ngay lúc này thì cũng kéo dài từ 1 – 2 năm, gây biết bao phiền toái, khó khăn, tốn kém tiền bạc, tâm sức, thời gian của DN, của xã hội.
Vậy còn bắt DN chờ đến bao giờ?