Sắp tới cuốn sách “Competing with Giants” sẽ có phiên bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Quốc gia ấn hành, sẽ đến được gần hơn với đông đảo độc giả Việt Nam. Cảm xúc của chị thế nào?
Phương thấy vui, bởi với bản tiếng Việt, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về những điều mà Phương chia sẻ. Phương là một người viết nghiệp dư, Phương viết những gì đã xảy ra, đã chứng kiến và trải nghiệm, đơn thuần với tâm thế chia sẻ chứ không phải bằng bất cứ thủ pháp văn học nào. Vậy nên, đón nhận tình cảm cũng như phản biện của độc giả Việt Nam sẽ là một điều rất thú vị.
Nếu ai đã quan tâm đến “Competing with Giants” thì đều biết cuốn sách được thai nghén khá lâu rồi, khi tôi tham gia một khóa học ở Trường Havard dành cho lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp có hơn 10 năm kinh nghiệm và doanh thu trên 10 triệu USD. Trong khóa học, có buổi các học viên chia sẻ câu chuyện của gia đình mình. Tôi đã chia sẻ cho các học viên nghe và họ vô cùng thích thú trước câu chuyện tôi kể về gia đình tôi. Sau buổi chia sẻ đó, Trường Havard đề nghị tôi viết cho họ về case study của Tân Hiệp Phát. Tôi đã nghĩ, thay vì chỉ giới hạn cho học viên Trường Havard tại sao mình không viết một cuốn sách để câu chuyện được lan tỏa hơn?
Nói vậy để thấy, nếu giữ bí mật thì tôi đã không viết cuốn sách này.
Thực tế, khi bắt tay vào viết, tôi cũng đắn đo với việc phải cung cấp nhiều thông tin của Tân Hiệp Phát ra bên ngoài. Đó là rào cản khiến tôi không thể không suy nghĩ, nếu tôi viết ra nhiều, đối thủ sẽ tìm thấy những thông tin mà lẽ ra họ không dễ dàng có được. Nhưng sau đó, tôi lại nghĩ rằng, một khi đối thủ muốn tìm hiểu thông tin thì họ sẽ có cách của họ, thậm chí họ còn có những thông tin tốt hơn. Trong khi đó, thời đại chúng ta đang sống là thời của chia sẻ và học hỏi – điều mà tôi cũng đã nhận được khi xuất bản “Chuyện nhà Dr Thanh”.
Tôi nhớ thời điểm cuốn sách ra sạp, tôi đã nhận được thông điệp của sự kết nối, không chỉ bên ngoài, mà kể cả với nhân viên của Tân Hiệp Phát. Từ “Chuyện nhà Dr Thanh” họ hiểu về công ty hơn, hiểu thêm về những khái niệm, triết lý, kế hoạch mà mình đã làm và sẽ làm. Vậy nên, tôi nhận ra một điều, chia sẻ là một hình thức học hỏi, thu nhận chứ không phải mất đi.
Với “Competing with Giants”, độc giả sẽ tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để doanh nghiệp địa phương cạnh tranh và vượt lên các tập đoàn đa quốc gia?Dĩ nhiên, “Competing with Giants” không thể thỏa mãn được tất cả mọi độc giả. Bởi thành công không thể có công thức chung để các công ty áp dụng như nhau. Nguyên việc học trên sách vở lý thuyết về quản trị kinh doanh ở trường đại học cũng phải mất tới 4 năm. Thế nhưng, để một doanh nghiệp chia sẻ bài học thành công hay thất bại của chính bản thân họ, thì họ đã mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng mới có được những bài học đó.
Lúc nào Phương cũng nghĩ, cứ đi rồi sẽ tới. Thời điểm ba của Phương quyết định thành lập thêm 3 công ty mới cũng là khoảng thời gian “tăm tối” khi những tin xấu dồn dập đến với gia đình chúng tôi.
Năm 2012-2013, hàng loạt quỹ đầu tư đến kỳ xem xét lại danh mục đầu tư và ra quyết định ở lại thị trường Việt Nam hay thoái vốn. Cả nước mỗi năm ước tính có khoảng hơn 50.000 doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Giữa thời điểm nền kinh tế còn chưa thể gượng dậy sau khủng hoảng, nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận đơn thuần, doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất vì sức mua giảm sút. Nhưng Tân Hiệp Phát quyết định “lội ngược dòng”. Phương ủng hộ ba, bởi trước nay chúng tôi sống theo một cơ chế là mọi việc đồng thuận từ gia đình, nó đồng nghĩa với việc cam kết và chịu trách nhiệm, nên dù có rủi ro thì sứ mệnh của doanh nghiệp không cho phép chúng tôi lùi bước.
Tinh thần ấy chị em Phương học được từ ba. Bởi như nhiều người biết, thời điểm xây dựng thêm nhà máy cũng là thời điểm liên tiếp những tin xấu ập tới. Từ việc xảy ra với Ngân hàng Xây dựng đến việc má Phương đột ngột ngã bệnh, rồi đến khủng hoảng vụ “con ruồi”… Trong giai đoạn ấy, khi những tin đồn xấu dồn dập tới, những chuyện thị phi dựng lên không thể tưởng tượng nổi, nhưng Phương vẫn thấy ở ba thái độ bình tĩnh và che chở. Tuy bận công việc nhưng ngày nào ông cũng đúng giờ đến chăm má tôi ở bệnh viện. Ba từng nói: “Người đánh không chết, trời đánh mới chết”. Bởi ba của Phương quan niệm, trong cạnh tranh nếu đã thua thì buộc phải chấp nhận kết quả thua, chứ không được oán trách người chiến thắng.
Sau những ngày rơi xuống tận đáy của khủng hoảng tâm lý do má bệnh đột ngột, ba đã đứng lên gánh trên vai sứ mệnh của mình, cam kết từ đầu chấp nhận sống vì mấy nghìn gia đình trong “đại gia đình Tân Hiệp Phát” và vì bất cứ người nào mà ba yêu thương, dù bất cứ nguyên nhân nào cũng không có quyền gục ngã.
Tân Hiệp Phát từng từ chối khoản đầu tư hơn 2,5 tỉ USD của Coca-Cola. Quyết định từ chối thương vụ lớn như vậy có khó khăn với gia đình Uyên Phương khi đó?
Như Phương đã đề cập trong cuốn sách “Competing with Giants”, việc được sự tiếp cận của các công ty đa quốc gia là mơ ước của nhiều doanh nghiệp và Tân Hiệp Phát cũng từng mong muốn và hào hứng. Nhưng đến khi có sự mời chào chính thức của đối tác thì Tân Hiệp Phát thấy có một khoảng cách rất xa, đặc biệt là tài chính và tham vọng.
Tân Hiệp Phát muốn đưa thương hiệu Việt ra thế giới, nhưng Coca-Cola lại đưa ra điều kiện không được ra sản phẩm mới, chỉ quản lý ở các khu vực là Việt Nam, Lào và Campchia, ba của Phương thấy không thể thực hiện được. Chính sự khác nhau về ý tưởng nên quyết định từ chối của ba ở thời điểm đó đã không còn quá khó nữa.
Vì thế nên chị có thấy áp lực khi làm con gái của Dr Thanh?
Phương không cảm thấy đó là thách thức hay áp lực, đó là hạnh phúc khi được làm con của một người ba như thế. Chúng tôi có một điểm chung là luôn muốn khởi nghiệp, luôn muốn làm khác đi để có kết quả tốt hơn.
Vậy điều mà Uyên Phương học ở ba của mình là gì?
Phương học ở ba sự ham học hỏi và tính kỷ luật. Ông là một người ham học hỏi mà Phương hiếm thấy, ông thật sự học ở những người mà Phương cho rằng ông là thầy của họ. Và tính kỷ luật mà ông dành cho bản thân thì Phương vẫn từng ngày nhìn ông để bản thân mình phải cố gắng.
Một cô gái nhỏ bé đang gánh trên vai trách nhiệm vô cùng lớn lao, là người kế nghiệp Tân Hiệp Phát, có khi nào Phương cảm thấy đó là một nhiệm vụ nặng nề?
Phương không gọi đó là gánh nặng mà coi đó là trách nhiệm mà Phương được trao, từ đó Phương cũng có mục tiêu của riêng mình. Má Phương thường nói: “Sống phải cống hiến, vẫn còn thở vẫn còn cống hiến”. Chính vì thế mục tiêu của Phương cũng rõ ràng hơn. Nếu như mình làm cái gì đó luôn có hai mục tiêu thì mình sẽ không thể làm được. Một người mỗi ngày có 24 tiếng đồng hồ, không dồn hết 24 tiếng đó cho một mục tiêu sẽ khó có thể thành công. Nên Phương nghĩ rằng, nên có một mục tiêu rõ ràng và làm tốt nhất để tạo một kết quả tốt nhất.
Chị muốn nói đến sứ mệnh của Tân Hiệp Phát?
Ba và Phương đều có chung quan điểm, đó là xây dựng Tân Hiệp Phát thành một doanh nghiệp với sứ mệnh, tầm nhìn rõ ràng, nhất quán và được thực thi nghiêm túc. Không có chuyện sứ mệnh của riêng “sếp” Thanh hay của ai, mà là người nào thích ứng và triển khai tốt thì người đó sẽ được chọn. Với Tân Hiệp Phát, cái mang lại giá trị nhiều hơn là khi con người cùng nhau làm ra điều gì đó để được người dân mình và thế giới biết đến nhiều hơn.
Công bằng mà nói, Uyên Phương may mắn khi đã có nền tảng để phát triển, nền tảng mà ít người trẻ nào có được khi muốn khởi nghiệp. Chị có nghĩ vậy không?
Phương nghĩ mỗi người mỗi hoàn cảnh, quan trọng là chúng ta tạo ra kết quả gì? Phương rất trân trọng những bạn khát khao mở doanh nghiệp, nhưng Phương cũng rất nể phục những người đã làm việc lâu năm phục vụ cho một doanh nghiệp. Ví dụ, có những người làm duy nhất một chỗ từ khi ra trường đến nay đã hơn 40 năm và họ đã tạo ra những kết quả đột phá cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp 10 năm liên tục đứng đầu thế giới về chuỗi cung ứng chính là Keith Harrison (Former Supply Chain VP của P&G global). Tân Hiệp Phát phát triển có sự đóng góp của những cá nhân như thế.
Điều Phương muốn nói là dù bạn có doanh nghiệp riêng hay bạn đang đóng góp cho sự phát triển của một doanh nghiệp nào đó không khác nhau là mấy. Và, việc đứng trên vai người khổng lồ và đi tới, đó chính là khát khao của chúng tôi.
Vậy chị có nhận xét gì về các hình thức khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam hiện nay? Họ đã có môi trường lý tưởng để phát triển chưa?
Xét trên góc độ doanh nghiệp, Phương thấy doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam thiệt thòi hơn so với nhiều thị trường khác, vì cơ sở hạ tầng hiện nay của chúng ta chưa đủ để đào tạo chuyên môn kỹ thuật cao. Thêm nữa, thế hệ trẻ tư duy làm giàu chưa đến nơi đến chốn, rất dễ bỏ cuộc.
Phương không hiểu sao nhiều bạn trẻ ra trường mới đi làm nhưng lại mang tâm lý chọn việc, nhảy việc liên tục, nhanh chóng muốn ra làm riêng. Phương không biết các bạn nghĩ thế nào, nhưng riêng Phương dù đã làm ở Tân Hiệp Phát đến 15 năm nhưng vẫn cảm thấy mình chưa hiểu đủ.
Nếu mình làm ở doanh nghiệp thời gian quá ngắn thì làm sao đủ để hiểu doanh nghiệp, làm sao có thể đề xuất cải tiến và tạo dấu ấn cho bản thân?
Điều Phương muốn nói là, nếu muốn khởi nghiệp, lập doanh nghiệp cho riêng mình, các bạn trẻ hãy chuẩn bị nền tảng thật tốt. Phương mượn câu nói của người sáng lập, Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát: “Đừng cố sống cố chết phải mở doanh nghiệp”. Nghĩa là, chúng ta không thể thành lập một doanh nghiệp bằng mọi giá, khi chưa có đủ nền tảng.
Dĩ nhiên, mỗi người đều có thể khởi nghiệp theo cách riêng của mình nên tư duy khởi nghiệp là điều tôi khuyến khích các bạn trẻ. Mạnh dạn thử cái mới, tạo ra những hiệu quả cho những việc mình đang làm. Ở đâu cũng có người thành công và người thất bại. Theo một thống kê, 95% startup thất bại trong 5 năm đầu tiên. Vậy tại sao chúng ta lại phải sợ?
Một hạn chế thường thấy của các bạn trẻ hiện nay là cứ thấy người khác đã làm là nghĩ mình sẽ không làm nữa. Đó chính là rào cản đầu tiên dẫn tới thất bại. Vậy nên, Phương muốn những người trẻ hãy nỗ lực học hỏi. Chúng ta có ước mơ, hiện thực hóa ước mơ, không bỏ cuộc thì thành công sẽ đến.
Còn về phần mình, Uyên Phương ấp ủ những dự định gì?
Phương vẫn luôn luôn khởi nghiệp ở những ý tưởng mới, dự án mới. Phương thích các ý tưởng, thích đưa ra những điều để tạo ra kết quả khác. Đương nhiên, muốn tạo ra kết quả khác thì chúng ta phải làm khác đi. Trong thời buổi hiện nay, thói quen cũng như hành vi của người tiêu dùng thay đổi rất nhiều, vì vậy Tân Hiệp Phát không ngừng cải tiến với những dự án mới, có định hướng phát triển về công nghệ cũng như không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Phục vụ và làm hài lòng khách hàng là sứ mệnh của Tân Hiệp Phát.