Đó là lời giới thiệu của Trần Uyên Phương, PTGĐ Tân Hiệp Phát, khi ra mắt cuốn sách “Competing with Giants” tại New York (Mỹ). Đây là cuốn sách về doanh nghiệp đầu tiên của tác giả Việt Nam được Forbes xuất bản tại Mỹ. Chỉ nghe tên thôi đã thấy đầy tự tin, kiêu hãnh.
Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương không “nổ” bởi đây là cuốn sách hay nhất nhưng từng câu chữ đều gây tò mò và ngầm khẳng định vị thế, phong thái tự tại của Tân Hiệp Phát.
Ở Việt Nam, Tân Hiệp Phát được báo chí nhắc đến nhiều, người tiêu dùng thuộc tên vì cả những điều tiêu cực lẫn tích cực. Song ở Mỹ không nhiều người biết Tân Hiệp Phát. Ngay sau buổi lễ ra mắt sách, Uyên Phương được nhiều hãng truyền thông nổi tiếng thế giới như Financial Times, CNBC, Channel News Asia, Asia Times… nhắc đến.
Họ tìm hiểu về cô và công ty nước giải khát Việt Nam qua cuốn sách. Họ gọi Tân Hiệp Phát là hiện tượng kinh tế kỳ lạ ở Việt Nam: Một doanh nghiệp gia đình sở hữu cơ ngơi hàng tỷ USD và nằm trong số những công ty của người Việt có khát vọng vươn ra toàn cầu. Trên các trang báo và mạng xã hội Việt Nam, cái tên Uyên Phương cũng được mang ra bàn luận và những câu nói tự tin cũng truyền cảm hứng cho nhiều doanh nhân trẻ muốn khẳng định mình.
“Cô gái tỷ đô” hay PTGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát là những biệt danh hay chức vụ người ta nói về Trần Uyên Phương. Năm 22 tuổi, Uyên Phương trở về từ Singapore với tấm bằng cử nhân Quản trị kinh doanh. Mặc dù là con gái ông chủ, cô vẫn lựa chọn bắt đầu đi lên từ vị trí bình thường trong công ty như bao người mới ra trường khác.
Chỉ sau 3 năm, Uyên Phương đã khẳng định được mình và được giao nhiều trọng trách trong công ty: Giám đốc Dự án của dòng sản phẩm Number 1; Giám đốc công ty Bao bì xanh Thái Bình Dương… Cùng người cha – ông Trần Quý Thanh, cô đã từng bước đưa Tân Hiệp Phát trở thành một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần từ tay những gã khổng lồ Coca-Cola, Pepsi.
Trần Uyên Phương tự nhận mình là con người của công việc. Mỗi ngày cô dành 10-12 tiếng để làm việc. Với cô, làm việc mình thích cũng giống như đi chơi nên không cần thời gian xả stress vì không bao giờ thấy căng thẳng. Uyên Phương tiết kiệm mọi thời gian để cho công việc. Nhà cô gần công ty để tiện việc đi lại. Cô cũng không mua siêu xe để phải “tốn công chăm sóc”. Ngay cả việc lấy chồng cô cũng nói mình đã “kết hôn với Tân Hiệp Phát”.
Không ai có thể nghĩ rằng con người bận rộn đó lại có thể dành thời gian và tinh lực để viết sách. Tác phẩm đầu tay của cô là tự truyện “Chuyện nhà Dr Thanh”. Văn hóa phương Đông vốn đề cao sự kín đáo. Đặc biệt những câu chuyện trong gia đình người ta vẫn sợ nhất “vạch áo cho người xem lưng”. Nhất là những người làm kinh doanh hiếm khi chia sẻ những chuyện trong nhà ra ngoài. Ấy vậy mà những câu chuyện bí mật của nhà Dr Thanh lại được “cô con gái rượu” bày ra trên những trang sách.
“Cô gái tỷ đô” bắt đầu ấp ủ ý tưởng đó từ 10 năm trước. Cuốn sách gần như không giấu giếm điều gì về gia đình của ông chủ Tân Hiệp Phát. Cô nghĩ rằng sự kiện “con ruồi” trở thành khủng hoảng của Tân Hiệp Phát một phần cũng do gia đình mình chia sẻ quá ít với bên ngoài. Một hình ảnh gia đình Dr Thanh và tập đoàn Tân Hiệp Phát cởi mở hơn sẽ mang đến những cái nhìn thiện chí hơn từ xã hội. Đó là cách nghĩ đầy tích cực và mới mẻ của một nữ doanh nhân trẻ như Uyên Phương.
Để theo đuổi khát vọng, mỗi người sẽ phải đánh đổi nhiều thứ. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao đã đạt được công danh sự nghiệp trong mơ của biết bao cô gái, Trần Uyên Phương vẫn chưa dừng lại? Điều gì đã thôi thúc cô? Người phụ nữ ấy đã phải trải qua những gì, đánh đổi như thế nào?
Tất cả sẽ được chính người trong cuộc chia sẻ tại Đại hội Thương hiệu và Truyền thông do Ban Truyền thông FPT tổ chức từ 8-13h ngày 23/11 tại sảnh 13 tòa nhà FPT Cầu Giấy (17 Duy Tân, Hà Nội). Tại sự kiện này, Trần Uyên Phương là một trong 2 khách mời đặc biệt đến chia sẻ câu chuyện về những điều khác biệt mình đã làm.