Bãi bỏ điều kiện kinh doanh – Cần cả số lượng và chất lượng

Trần Quí Thanh

Minh hoạ của Ngọc Diệp – Theo Báo Dân Trí

—–

Chào anh Trần Quí Thanh

Thưa anh, tôi là một CEO đã nghỉ hưu, tuy vậy vẫn còn cố sức giúp con cháu khởi nghiệp. Đọc blog anh thấy anh rất quan tâm đến các vấn đề khởi nghiệp, tôi rất khâm phục và trân trọng anh.

Tôi cũng biết blog anh nhắc rất nhiều đến các Điều kiện kinh doanh đã làm khổ doanh nghiệp. Chính Phủ đã yêu cầu cắt bỏ các điều kiện kinh doanh nhưng xem ra chưa thật sự có kết quả. Nhìn bên ngoài về số lượng thì có giảm đi nhiều thật nhưng bản chất vẫn không thay đổi.  Nói như Ts Nguyễn Đình Cung trên báo SGGP: “Điều kiện kinh doanh vẫn ẩn mình làm khó doanh nghiệp”. Đây là điều đáng sợ phải không anh?

Rất mong anh cho ý kiến.

Kính thư

Nguyễn Trần Chiến (Vinh): tranchien_nguyen1957@gmail.com

—–

Anh Nguyễn Trần Chiến mến!

Tui đã viết khá nhiều bài về bãi bỏ điều kiện kinh doanh vì đây là vấn đề cốt lõi của cải cách hay nói như Thủ tướng là “Chính phủ kiến tạo” trong giai đoạn hiện nay.

Theo quan sát của tui, đó là có một số bộ, ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ này, điển hình nhất là Bộ Công thương, đây chính là tác động tích cực ban đầu, để tạo ra xu hướng thay đổi trong bộ máy quản lý, đột phá vào một hệ thống quản lý lạc hậu, dẫn đến cản trở doanh nghiệp phát triển.

Một vài bộ khác có làm, nhưng chưa quyết liệt, cho nên kết quả là chưa đạt được chỉ tiêu theo Nghị quyết 19 đề ra là bãi bỏ 50% trong tổng số điều kiện kinh doanh hiện hành.

Về số lượng điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ thì đếm được, nhưng chất lượng của từng điều kiện lại là chuyện khác, do chúng ta không có trong tay nội dung của các điều kiện đó nên không thể đánh giá bao quát, nhưng qua ý kiến của các chuyên gia, thì còn có nhiều vấn đề cần phải bàn.

Đó là, có những điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, nhưng phần lớn chỉ là những điều kiện không “quan trọng”, quyền lực của phía quản lý không nhiều. Đối với những điều kiện ràng buộc, bắt doanh nghiệp phải phụ thuộc nhiều vào xin – cho thì giữ lại. Đây là làm để lấy số lượng báo cáo, làm để đối phó chứ không phải quyết tâm cải cách, cho nên thực chất doanh nghiệp vẫn bị nhiều điều kiện kinh doanh hành hạ.

Chính vì tính không đồng bộ trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành, và ngay cả trong cùng một ngành, cho nên có những điều kiện được tháo nơi này, nhưng lại bị vướng ở nơi khác.

Tại Hội thảo “Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp” do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 20.11,  báo cáo của VCCI đánh giá hầu hết các Bộ đều thực hiện nhiệm vụ này và đều có con số về tỷ lệ cắt giảm nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ.

Trước đó, tại Hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả và kiến nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận định: “Nhiều điều kiện kinh doanh vẫn ở đó, chỉ đơn giản là được ẩn đi bằng cách được nhóm lại với nhau và lồng ghép trong quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia. Nhiều quy định vẫn chung chung, thiếu rõ ràng, khó tiên liệu”. Về các điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng có những bãi bỏ là thực chất, nhưng cũng có những bãi bỏ chỉ là hình thức”.

Qua những đánh giá của chuyên gia và các cơ quan đại diện cho doanh nghiệp, có thể thấy công tác bãi bỏ điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 19 chưa đạt, một là không đúng tổng số 50%, hai là còn có những điều kiện kinh doanh được bãi bỏ nhưng thiếu thực chất, chỉ là hình thức.

Chính phủ đã quyết tâm tiếp tục làm quyết liệt việc này trong năm 2019. Nhưng theo tui, muốn làm được thì phải có chế tài, ví dụ như bộ ngành nào không hoàn thành đúng chỉ tiêu và chất lượng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Cắt bỏ điều kiện kinh doanh là cắt giấy phép con, là cắt cơ chế xin – cho, là cắt quyền sinh quyền sát của cán bộ công chức với doanh nghiệp, dễ gì họ cắt nhanh, cắt ngay nếu không có “cây gậy” đặt trên lưng.

Vậy đó anh, chúc anh vui vẻ.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *