Nét cũ dấu xưa – cuộc trình diễn cổ vật độc lạ của giới sưu tập Sài Gòn

Lam Điền/ Báo Tuổi trẻ

Triển lãm chuyên đề Nét cũ dấu xưa do Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phối hợp với Hội Cổ vật TP.HCM vừa khai mạc sáng 28-11, giới thiệu các cổ vật độc đáo nhất từ các bộ sưu tập danh tiếng ở Sài Gòn.

Khách tham quan bị thu hút ở góc trưng bày quần thể cổ vật gốm Cây Mai – Ảnh: L.Điền

Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Cổ vật TP.HCM, đồng thời đánh dấu quãng thời gian gần hai mươi năm mô hình bảo tàng Nhà nước “bắt tay” với giới sưu tập tư nhân tại Sài Gòn tổ chức nhiều chuyên đề triển lãm, tạo không gian thưởng ngoạn và nghiên cứu trao đổi kiến thức về cổ vật rất có giá trị.

27 nhà sưu tập tư nhân và bảo tàng đã giới thiệu hơn 130 hiện vật trong Nét cũ dấu xưa bao gồm nhiều chất liệu: gốm sứ, đồng, gỗ, pháp lam… có xuất xứ chủ yếu là cổ vật Việt Nam, bên cạnh còn có nguồn gốc Trung Quốc và Nhật Bản.

Triển lãm bố cục thành các tuyến sưu tập theo chủ đề như: Sưu tập vũ khí, sưu tập ấn chương (con dấu), sưu tập pháp lam (đồng tráng men), sưu tập gốm Cây Mai, sưu tập gốm Lái Thiêu…

Bên cạnh đó, còn trưng bày một số hiện vật như: các loại ấm, chén, đĩa, bình, kendi, nậm, bình vôi… dùng trong thú thưởng ngoạn uống rượu, uống trà, ăn trầu và sinh hoạt thường nhật của người Việt xưa. Đó là những nét đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước, tạo ra sự đặc sắc của văn hóa phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Đây cũng là dịp để công chúng yêu thích cổ vật đến tận mắt chiêm ngưỡng các cổ vật độc đáo, vốn nằm ẩn khuất trong các bộ sưu tập tư nhân mà nếu không có những đợt “phối hợp với nhà nước” như thế này, người ngoài giới không dễ gì tiếp cận được.

Đó là pho tượng Di Đà tam tôn gồm ba tượng Phật A Di đà, Quan Thế âm, Đại Thế chí bằng gỗ cùng đứng chung một bệ theo phong cách Nhật Bản rất lạ mắt, tượng có niên đại thế kỷ 19.

 

Pho tượng Di Đà tam tôn xuất xứ Nhật Bản – Ảnh: L.Điền

Hay chiếc lư đồng cách điệu hình quả lựu có niên đại đầu thế kỷ 20 cũng được người trong giới đánh giá là độc và lạ.

Lư đồng hình quả lựu – Ảnh: L.Điền

Hoặc như bộ sưu tập đồ pháp lam của nhà sưu tập Như Anh có chiếc tách và dĩa đề tài song long chầu nhật với kỹ thuật đắp nổi hình rồng. Đối với đồ pháp lam, kỹ thuật đắp nổi như vậy được xem là tinh xảo.

Bộ tách và dĩa pháp lam đề tài song long chầu nhật – Ảnh: L.Điền

Gốm Nam bộ chiếm vị trí trung tâm với bộ độc bình bằng gốm Lái Thiêu màu của nhà sưu tập Trương Vĩnh Thắng.

Song đáng kể hơn cả là quần thể hiện vật gốm Cây Mai bao gồm phù điêu tiểu tượng tạo hình các nhân vật trong tích truyện xưa của Trung Quốc – sản phẩm thường trang trí trên nóc các hội quán, chùa miếu của người Hoa. Bên cạnh đó là tượng ông Nhật, bà Nguyệt và cặp đôn ba cạnh đứng rất độc đáo.

Quần thể gốm Cây Mai gồm phù điêu tiểu tượng và tượng ông Nhật bà Nguyệt – Ảnh: L.Điền

Hoặc như dòng cổ vật thờ cúng có bộ tượng ba bức gồm Hộ pháp và Tiêu Diện đại sĩ bằng gốm men màu của Việt Nam niên đại thế kỷ 19 rất ấn tượng.

Khách tham quan góc trưng bày tượng Hộ pháp bằng gốm men màu thế kỷ 19 – Ảnh: L.Điền

Đồ gốm gia dụng có bộ đồ trà bằng sứ men xanh trắng xuất xứ Trung Quốc, chậu gốm hoa nâu đời Trần có niên đại thế kỷ 13-14, đặc biệt dòng gốm men xanh trắng của Việt Nam niên đại thế kỷ 15 có hai chiếc bình và ấm Tỳ bà, và chiếc ấm hình voi là những món cổ vật rất lạ.

Cặp bình và ấm Tỳ bà – Ảnh: L.Điền
Chiếc ấm hình voi niên đại thế kỷ 15 – Ảnh: L.Điền

Bên cạnh đó là chiếc chậu cao chân men xanh lục của nhà sưu tập Nguyễn Chí Hiếu được xác định niên đại khoảng thế kỷ 11-12 (nguồn gốc có thể của Việt Nam) là loại hiện vật hiếm gặp.

Chiếc chậu cao chân men xanh lục niên đại thế kỷ 11-12 đang được đoán định là sản phẩm của người Việt – Ảnh: L.Điền

Ngoài ra, nhóm cổ vật kim khí còn có bộ sưu tập mũi giáo, qua đồng có niên đại từ 2000 năm đến 2500 năm cách ngày nay được xác định thuộc văn hóa Đồng Nai là những hiện vật quý hiếm chứa đựng thông tin khảo cổ có giá trị.

Triển lãm mở cửa mỗi ngày tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, kéo dài đến 31-3-2019.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi trẻ online
Link bài: Nét cũ dấu xưa….
(https://tuoitre.vn/net-cu-dau-xua-cuoc-trinh-dien-co-vat-doc-la-cua-gioi-suu-tap-sai-gon-20181128162621201.htm)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *