Người thông minh về mặt cảm xúc dễ tha thứ lỗi lầm của người khác vì không muốn sa lầy vào rắc rối của họ.
Theo TS. Travis Bradberry – Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (tạm dịch Trí tuệ xúc cảm 2.0), điểm chung của những người xấu tính là luôn hành động một cách vô lý. Một số người xấu tính cảm thấy hạnh phúc từ những tác động tiêu cực mà họ gây ra cho người xung quanh, số khác tìm kiếm cảm giác hài lòng từ việc gây rối để có thể dễ dàng điều khiển người khác. Dù bằng cách nào, họ cũng tạo ra sự phức tạp, xung đột, căng thẳng tồi tệ không cần thiết.
Từ lâu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự căng thẳng (stress) có tác động tiêu cực lâu dài đến não bộ. Ngay cả việc chịu stress trong vài ngày cũng đủ làm giảm hiệu quả hoạt động của các tế bào thần kinh quanh vùng hippocampus – một vùng não quan trọng đảm nhiệm vai trò suy luận và ghi nhớ. Nhiều tuần sống trong căng thẳng sẽ làm đảo lộn, gây hại các nhánh dây thần kinh – vốn là những “cánh tay” nhỏ giúp các tế bào não giao tiếp với nhau. Và việc bị stress trong nhiều tháng liền sẽ phá hủy hoàn toàn các tế bào thần kinh.
Stress là một mối đe dọa với thành công của bạn, vì khi rơi vào tình trạng mất kiểm soát, não bộ và hiệu suất làm việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Một nghiên cứu mới đây từ Khoa Sinh học và Tâm lý học lâm sàng thuộc Đại học Friedrich Schiller (Đức) phát hiện ra, việc tiếp xúc với những tác nhân kích thích sẽ gây ra những cảm giác tiêu cực mạnh mẽ – cùng loại tiếp xúc mà bạn có khi đối phó với người xấu tính – khiến bộ não đưa ra những phản ứng căng thẳng nghiêm trọng. Cho dù đó có là những câu nói tiêu cực, độc địa, điên khùng,… thì mục đích của những kẻ xấu tính vẫn là khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức – thứ mà bạn phải tránh bằng mọi giá.
TS. Travis Bradberry chỉ ra, khả năng quản lý cảm xúc và giữ bình tĩnh trước áp lực có mối liên kết trực tiếp đến hiệu suất làm việc của một người. Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi TalenSmart, 90% những người có hiệu suất làm việc hàng đầu tham gia khảo sát có kỹ năng quản lý cảm xúc trong những thời điểm căng thẳng, có thể giữ được bình tĩnh và sự kiểm soát. Một trong những món quà tuyệt nhất của họ là khả năng “miễn dịch” với người xấu tính. Họ được rèn luyện để đối phó và vạch ra chiến lược giao tiếp phù hợp để tránh chịu những tác động xấu từ những người này.
Theo Bradberry, để làm việc hiệu quả với kiểu người xấu tính, bạn cần có cách tiếp cận riêng để kiểm soát những điều có thể làm và không thể làm. Điều quan trọng cần nhớ là bạn có thể kiểm soát được nhiều thứ hơn những gì bạn nghĩ.
Dưới đây là 10 bí quyết tốt nhất mà người thông minh dùng để giải quyết rắc rối khi làm việc với những người xấu tính, được Bradberry rút ra trong quá trình làm việc, huấn luyện.
1. Tự đặt ra giới hạn
Những người tiêu cực, hay phàn nàn thường mang đến tin xấu vì họ luôn đắm chìm trong rắc rối của chính mình và thất bại trong việc tập trung vào giải pháp. Họ muốn mọi người cùng tham gia “bữa tiệc” tiếc nuối để bản thân cảm thấy dễ chịu hơn.
Và vì không muốn tỏ ra thô lỗ hay tàn nhẫn với những người thích phàn nàn, chúng ta ngồi im lắng nghe họ dù biết làm vậy sẽ khiến bản thân căng thẳng. Nhưng theo Bradberry, có một ranh giới giữa việc cho mượn một đôi tai đồng cảm với việc bị cuốn vào dòng xoáy cảm xúc tiêu cực của người khác.
Bạn có thể tránh được tình trạng này bằng cách tự đặt ra giới hạn và tạo khoảng cách với họ khi cần thiết. Hãy nghĩ theo hướng thế này: Nếu một người phàn nàn muốn bạn cùng ngồi đó cả buổi chiều trong khi họ đang hút thuốc thì chẳng phải bạn vừa phải chịu căng thẳng, vừa phải hít làn khói độc hại đó sao? Hãy tự tạo khoảng cách với những điều xấu và cả với người thích phàn nàn kia.
Một cách tuyệt vời để thiết lập giới hạn là trực tiếp hỏi thẳng người kia về cách mà họ định giải quyết vấn đề. Thông thường, những người này sẽ yên lặng nhìn xuống hoặc tảng lờ, chuyển cuộc trò chuyện theo hướng tích cực hơn.
2. Không để cảm xúc chen vào
Những người xấu tính khiến bạn phát điên lên vì lối cư xử vô lý. Bạn nhận ra điều đó nhưng tại sao lại cho phép bản thân đáp lại họ một cách tình cảm (cả tích cực lẫn tiêu cực) và sau đó bị mắc kẹt trong mớ bòng bong không phải của mình?
Hãy từ bỏ mong muốn đánh bại họ trong trò chơi mà họ đang làm chủ. Tránh xa những người đó về mặt tình cảm, chỉ nên tiếp xúc với họ một cách thận trọng như thể họ là một dự án khoa học (hoặc bạn là bác sĩ tâm thần của họ nếu bạn thích có sự tương đồng giữa đôi bên). Nhớ rằng bạn không nên giải quyết rắc rối bằng cảm xúc mà phải tập trung vào sự việc.
3. Tăng cường khả năng nhận thức
Việc duy trì khoảng cách cảm xúc đòi hỏi bạn phải tự trang bị khả năng nhận thức. Bạn không thể ngăn ai đó ngừng thao túng bạn nếu chính bạn không nhận ra mình đang bị thao túng.
Đôi lúc bạn thấy bản thân rơi vào trường hợp cần xem xét lại mọi thứ và tìm ra lối đi tốt nhất để tiến lên trước. Đó là trạng thái điển hình cho việc bạn tỉnh táo, nhận thức sự việc và do đó, không nên e ngại hay hoang mang trước khả năng trên.
Hãy nghĩ về điều này bằng tình huống giả dụ sau: Nếu một người thần kinh không ổn định chặn đường bạn trên phố và nói rằng anh ta là cựu tổng thống Mỹ John F. Kenedy, chắc chắn bạn không thể “chỉnh” lời anh ta ngay lúc đó được. Hoặc khi bạn và đồng nghiệp có quan điểm trái ngược nhau trong công việc, đôi khi cách tốt nhất chỉ là mỉm cười và gật đầu chào nhau thay vì lao vào đấu khẩu.
Còn nếu bạn quyết phân định đúng – sai với những người như trên, hãy dành thời gian lên một kế hoạch khả thi trước khi thực hiện.
4. Đặt ra ranh giới
Ranh giới là thứ mà hầu hết mọi người thường đánh giá thấp. Họ cảm thấy giống như vì phải làm việc hay sống cùng với ai đó nên không tài nào kiểm soát được rắc rối xảy đến. Điều này không đúng. Một khi bạn biết cách không để cảm xúc chen vào mối quan hệ, bạn sẽ nhận ra cách cư xử của một người trở nên dễ đoán và dễ hiểu hơn.
Việc tự đặt ranh giới trang bị cho bạn cách nghĩ hợp lý về những thứ nên và không nên khi ở cùng những người khác, đặc biệt với những người bạn cần dè chừng. Ví dụ, ngay cả khi bạn buộc phải hợp tác chặt chẽ với một thành viên trong dự án thì điều đó không có nghĩa cả hai phải trở nên thân thiết với nhau về mọi mặt.
Bạn cần chủ động và có ý thức trong việc tự đặt ranh giới. Nếu bạn để mặc mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, bạn sẽ buộc phải cuốn vào rắc rối từ trên trời rơi xuống. Nhưng nếu bạn tự đặt ra giới hạn, quyết định thời gian, địa điểm diễn ra sự việc, bạn có thể kiểm soát sự lộn xộn mà đối phương gây ra.
Bí quyết duy nhất là tuân thủ những điều đã đặt ra và bảo vệ ranh giới ở đúng nơi chúng đang đứng khi có ai đó cố gắng xâm phạm.
5. Không chết trong cuộc chiến
Người thông minh hiểu tầm quan trọng của việc sống sót trong một cuộc chiến với người xấu tính. Xung đột là thứ diễn ra không chỉ ở quá khứ, hiện tại mà cả trong tương lai. Việc không kiểm soát được cảm xúc đẩy bạn lún sâu vào một cuộc chiến mà ở đó bạn là người bị thương nặng nhất.
Khi hiểu và biết cách chế ngự cảm xúc bản thân, bạn sẽ khôn ngoan hơn trong việc chọn trận chiến để tham gia và đứng vững trên chiến tuyến.
6. Tập trung vào giải pháp thay vì vấn đề
Nơi bạn tập trung sự chú ý sẽ xác định trạng thái cảm xúc của bạn. Cứ quẩn quanh với rắc rối chỉ tổ khiến bạn càng thêm căng thẳng và nảy sinh tâm lý tiêu cực. Ngược lại, khi tập trung vào những hành động giúp bản thân và hoàn cảnh trở nên tốt hơn, bạn sẽ có tâm lý tích cực và bớt căng thẳng.
Việc những người xấu tính gây khó dễ hoặc cư xử vô lý với bạn là cách giúp họ cảm nhận quyền lực và sử dụng chúng lên bạn. Đừng nghĩ cách trả đũa những người như vậy. Thay vào đó, tập trung vào việc bạn sẽ đối phó với họ/rắc rối đó như thế nào. Điều này giúp bạn kiểm soát lại mọi việc đồng thời giảm sự căng thẳng mà bạn từng gặp phải trong những lần giáp mặt với họ trước kia.
7. Không quên
Những người thông minh về mặt cảm xúc dễ tha thứ lỗi lầm của người khác nhưng điều đó không có nghĩa là họ mau quên. Tha thứ đòi hỏi bạn buông bỏ những việc đã qua để bản thân tiếp tục tiến về trước. Nó khác với việc cho người mắc lỗi có một cơ hội khác.
Người thông minh không muốn sa lầy một cách không cần thiết vào sai lầm của người khác. Vì vậy, họ nhanh chóng bỏ qua mọi thứ và quyết đoán hơn trong việc bảo vệ bản thân khỏi những mối nguy tiềm ẩn.
8. Tránh độc thoại tiêu cực
Thỉnh thoảng, bạn bị cuốn vào cảm giác tiêu cực của người khác. Việc nghĩ xấu về người đối xử tệ bạc với bạn chẳng có gì sai nhưng việc độc thoại (tự nói với chính mình) về cảm xúc bản thân có thể hoặc làm tăng tâm lý tiêu cực.
Theo TS. Travis Bradberry, độc thoại tiêu cực là thứ không cần thiết, phi thực tế và là một cách tự đánh bại mình. Nó đẩy bạn vào vòng xoáy cảm xúc theo chiều hướng đi xuống – thứ vốn không dễ thoát ra. Bạn nên tránh những cuộc độc thoại tiêu cực bằng mọi giá.
9. Ngủ đủ giấc
Nhiều người không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giấc ngủ trong việc tăng trí thông minh về mặt cảm xúc cùng khả năng quản lý stress. Thời gian ngủ là lúc não được “sạc pin” để khi thức dậy, bạn có đủ tỉnh táo và sáng suốt duy trì các hoạt động trong ngày. Khả năng tự kiểm soát, chú ý và ghi nhớ – tất cả đều sụt giảm nếu bạn không ngủ đủ hoặc ngủ không đúng cách. Thiếu ngủ làm tăng hormone gây stress, đường huyết, huyết áp,…
Một giấc ngủ ngon giúp bạn trở nên tích cực hơn, sáng tạo hơn và chủ động hơn khi tiếp xúc với những người xấu tính, từ đó có chiến lược giao tiếp phù hợp.
10. Nhờ người khác giúp đỡ
Cố gắng tự mình giải quyết mọi thứ là cách làm nghe có hấp dẫn nhưng lại hoàn toàn không hiệu quả. Để đối phó với những người xấu tính,, bạn cần nhận ra những điểm yếu trong cách tiếp cận của bạn với họ. Để làm được điều này, bạn cần sự hỗ trợ của những người xung quanh có năng lực quan sát và phân tích tình huống.
Xung quanh bạn đều có người luôn cổ vũ, sẵn sàng giúp đỡ bạn lúc khó khăn. Đó có thể là đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, người thân,… Hãy tìm đến những người này và lắng nghe những nhận định, nhận sự giúp đỡ khi bạn cần chúng.
Đó đơn giản chỉ là giải thích tình huống để tìm ra một giải pháp mới. Thông thường người ngoài cuộc sẽ sáng suốt hơn người trong cuộc và nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.
NGUỒN: Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn
Link bài: Làm thế nào để xử lý...
(https://doanhnhansaigon.vn/ky-