Trần Quí Thanh
—–
Kính thưa bác Dr Thanh!
Năm mới nhóm CEO trẻ chúng cháu gửi tới bác lời chúc sức khoẻ, may mắn, vạn sự như ý và an khang thịnh vượng.
Được biết bác mở blog để giao lưu với khách hàng và mọi người, đặc biệt là các startup trẻ, chúng cháu mạnh dạn gửi bác vấn đề này ạ:
Xin bác chỉ bảo cho chúng cháu việc sa thải nhân viên thế nào để vừa có lý có tình vừa có lợi cho hai bên. Hay nói khác đi, bí quyết của bác về sa thải nhân viên?
Kính mong bác trả lời ạ.
Kính
Nhóm CEO trẻ Sài Gòn: saigonceo_1985@gmail.com
—–
Nhóm CEO trẻ Sài Gòn mến!
Trong cuộc đời làm ông chủ doanh nghiệp của bác, đã nhiều lần sa thải nhân viên, nhưng không lần nào không trăn trở. Người Việt duy tình, cho nên cuộc chia tay nào cũng có nước mắt. Khác với các công ty nước ngoài.
Bác cũng từng có dịp trao đổi thông tin với các bạn làm việc ở nước ngoài, nên biết rõ rằng, người ta sa thải nhân viên rất lạnh lùng, đôi lúc không có cả cái bắt tay với sếp. Ở Mỹ, khi đi làm việc, nếu không chuẩn bị cho mình tâm thế “sẵn sàng bị sa thải và có thể bị sa thải bất cứ lúc nào”, thì sẽ bị sốc khi sự việc xảy đến.
Các cháu là doanh nhân Việt Nam, làm việc môi trường trong nước, nhân viên chủ yếu là người Việt Nam, thì phải điều hành, ứng xử theo tập quán văn hóa của người Việt, nhưng cũng nên học tập các quy tắc điều hành khoa học, lý tính đã được thế giới đúc kết.
Theo kinh nghiệm của bác, trước tiên là việc sa thải phải công bằng, để không sinh ra oán hờn.
Muốn công bằng thì phải đặt ra luật chơi từ trước, ai vi phạm thì bị loại ra khỏi cuộc chơi. Công ty có kỷ luật của công ty, công việc có định mức hiệu quả của công việc, khi ai đó vi phạm kỷ luật hoặc không hoàn thành định mức thì phải bị sa thải.
Cũng có trường hợp không phải do nhân viên vi phạm kỷ luật hay làm việc không đạt hiệu quả theo phân công và cam kết, nhưng do tái cấu trúc doanh nghiệp bắt buộc phải giảm người, thì ưu tiên cho người giỏi hơn, đó cũng là sự công bằng.
Hai là sự công khai: Khi sa thải nhân viên, phải tự tin công khai việc sa thải, lý do sa thải để mọi người được biết. Khi thông tin minh bạch thì không có những bàn tán trong nội bộ, và những người khác sẽ nhìn vào sự việc để rút kinh nghiệm cho mình, hoặc chủ động trong việc lựa chọn công việc, có thể chuyển việc làm phù hợp với mình, trong điều kiện thay đổi của công ty.
Sự chia sẻ: Đừng sa thải bằng cách ra thông báo rồi tránh mặt nhân viên. Hãy sẵn sàng thực hiện một cuộc chia tay đầy tình cảm. Đối với người có khó khăn, cần đưa ra chính sách hỗ trợ trong thời gian họ đi tìm việc. Ngoài khoản hỗ trợ của công ty, đôi khi chủ doanh nghiệp cũng thể hiện sự giúp đỡ của cá nhân mình. Phải xem sa thải là vì công việc, còn tình nghĩa anh em, bạn bè vẫn còn giữ với nhau.
Cuối cùng là đúng luật: Bộ luật Lao động và các nghị định, thông tư liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động phải được tuân thủ nghiêm chỉnh. Các quy định nội bộ được ghi trong Thỏa ước lao động tập thể cũng phải thực hiện đúng. Ngoài ra, còn thực hiện các chế độ chuyển bảo hiểm xã hội để dảm bảo quyền lợi lâu dài cho nhân viên.
Chúc các cháu thành công, có gì cứ meo cho bác nhé.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)