—–
Phúc Huy/ Báo Vietnammoi
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng sau nhà máy vừa khánh thành trị giá hàng nghìn tỉ tại Hậu Giang, doanh nghiệp đang xem xét xây dựng nhà máy ở nước ngoài, hướng đến mở rộng ở thị trường quốc tế.
Sau ba nhà máy tại Bình Dương, Hà Nam và Chu Lai, Tập đoàn Tân Hiệp Phát mới đây đã khánh thành và đưa vào vận hành nhà máy sản xuất mới tại khu vực miền Tây Nam Bộ. Địa phương mà doanh nghiệp này lựa chọn đặt nhà máy với vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng là tỉnh Hậu Giang.
Chia sẻ về quyết định này, ông Trần Quí Thanh – Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, tiết lộ đây là một trong những hướng đi mới của doanh nghiệp, đồng thời hướng tới mục tiêu xa hơn tại thị trường quốc tế.
Việc ông Trần Quí Thanh có mặt tại sự kiện khánh thành nhà máy Hậu Giang và chia sẻ nhiều dự định kinh doanh của tập đoàn được xem là chuyện hiếm, bởi ở hầu hết sự kiện, con gái ông là bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc, thường xuất hiện thay cha với vai trò đại diện truyền thông.
“Đánh chiếm” thị trường 18 triệu dân
Nhà máy sản xuất nước giải khát mới khánh thành của Tân Hiệp Phát nằm tại Khu công nghiệp Sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 20 phút chạy xe. Công trình trải rộng trên diện tích 40ha, dự kiến có tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng.
“Khi quyết định đầu tư nhà máy nước giải khát tại tỉnh Hậu Giang, chúng tôi đã định hướng thiết kế có quy mô lớn nhất khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long”, ông Trần Quí Thanh khẳng định.
Theo ông, khu vực miền Tây Nam Bộ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mở rộng thị phần của doanh nghiệp, bởi có thể cung cấp sản phẩm cho một thị trường có qui mô 18 triệu dân. Thực tế, một báo cáo của Nielsen vào năm ngoái cũng cho biết, Tây Nam Bộ là một thị phần chiếm đến 14% tổng khối lượng đồ uống không cồn tại Việt Nam.
Vì vậy, việc lựa chọn khu vực này để đặt một nhà máy mới của Tân Hiệp Phát là dễ hiểu, bởi tập đoàn muốn chiếm thị trường với các sản phẩm cốt lõi do doanh nghiệp sản xuất đều được làm từ trà.
Ngoài ra, ông Trần Quí Thanh cũng chia sẻ thêm, nhà máy mới Hậu Giang có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Cụ thể, Khu công nghiệp Sông Hậu thuận tiện giao thương đường bộ với quốc lộ 1A, đường hàng không qua sân bay quốc tế Cần Thơ.
Vị trí này còn có lợi thế về giao thông đường thủy khi nằm cạnh cảng nước sâu sông Hậu. Người đứng đầu Tân Hiệp Phát cho biết khu vực cảng sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực.
“Tân Hiệp Phát đặt tầm nhìn xuất khẩu các thức uống có lợi cho sức khỏe sang thị trường nước ngoài như Campuchia, Thái Lan và các nước khác theo đường biển qua cảng nước sâu Hậu Giang, ngay tại khu vực nhà máy”, ông nói.
Giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động
Nhà máy nước giải khát của Tân Hiệp Phát tại tỉnh Hậu Giang đã đưa vào vận hành giai đoạn 1. Tại buổi lễ khánh thành, đại diện doanh nghiệp cho biết đã rót 1.800 tỉ đồng để đầu tư ở giai đoạn này, công suất vận hành đạt 300 triệu lit/năm.
Ở giai đoạn 2, 3, Tân Hiệp Phát sẽ tiếp tục rót vốn 2.200 tỉ đồng để đầu tư, nhà máy sẽ chính thức hoàn thiện các hạng mục vào năm 2025. Công suất nhà máy Hậu Giang sẽ đạt tối đa 1 tỉ lit/năm với các thiết kế hiện đại, khép kín từ nhà xưởng sản xuất đến phòng kiểm tra chất lượng, hệ thống kho nguyên liệu…
“Ở giai đoạn 1 này, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 7,5 triệu đồng mỗi tháng cùng nhiều phúc lợi khác. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, nhà máy này sẽ sử dụng hàng nghìn lao động tại Hậu Giang và trong khu vực”, ông Trần Quí Thanh chia sẻ.
Ông cũng cho biết thêm nhà máy Hậu Giang sẽ tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú của miền Tây. Điều này vừa giúp bao tiêu nguyên liệu nông nghiệp cho bà con nông dân trong vùng, thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.
“Dự kiến nhà máy Number One Hậu Giang sẽ đóng góp bình quân 400 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước, đồng thời cùng địa phương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn”, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát nói.
Nhà máy của công nghệ mới
Chia sẻ với báo chí, ông chủ Tân Hiệp Phát không chỉ nói về nhà máy mới tại Hậu Giang mà còn dành nhiều thời gian vạch ra hướng đi và tham vọng lớn của tập đoàn do ông chính tay gầy dựng.
“Chúng tôi tiếp tục khẳng định cam kết về chất lượng sản phẩm và dịch vụ chuẩn quốc tế bằng việc nhà máy được đầu tư hoàn toàn mới, trong đó có hệ thống dây chuyền sản xuất bằng công nghệ chiết lạnh vô trùng và khép kín Aseptic, được cập nhật phiên bản mới nhất từ Tập đoàn GEA Procomac của Đức”, ông Trần Quí Thanh nói.
Công nghệ này được biết đến bởi tính vô trùng tuyệt đối trong sản xuất các sản phẩm. Theo ông Thanh, trước khi vận hành chính thức, hệ thống dây chuyền đã hoàn thành quy trình nghiệm thu vi sinh, đảm bảo đủ khả năng sản xuất trong điều kiện vô trùng. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã cấp giấy chứng nhận nhà máy đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Thanh, việc áp dụng công nghệ mới này giúp nhà máy vận hành hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Cụ thể, mỗi dây chuyền sản xuất có công suất lên đến 48.000 chai sản phẩm trong mỗi giờ, tương đương mỗi phút sản xuất 800 chai.
Tham vọng đấu với người khổng lồ
“Muốn cạnh tranh và vượt lên được những người khổng lồ quốc tế, chúng tôi nghĩ rằng, công nghệ và chất lượng sản phẩm phải cao hơn so với họ”, ông chủ Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát nói và cho biết các sản phẩm của hãng đã chinh phục được Cục quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì, chứng nhận Halal dành cho các quốc gia Hồi giáo.
“Không chỉ dừng lại ở nhà máy này, Tân Hiệp Phát đang xem xét khả năng đầu tư nhà máy tại thị trường nước ngoài để phục vụ người tiêu dùng các sản phẩm thức uống có lợi cho sức khỏe”, ông Thanh nói.
Thực tế, tham vọng chinh phục thị trường quốc tế với việc mở rộng quy mô, đặt thêm nhà máy tại các nước đã trở thành mục tiêu chung của doanh nghiệp này.
Trước đó, bà Trần Uyên Phương cũng từng chia sẻ trong tương lai, muốn Tân Hiệp Phát tại Việt Nam là công ty mẹ và những công ty cùng mang thương hiệu tại các quốc gia khác là chi nhánh của doanh nghiệp gia đình này.
Ngoài phục vụ người tiêu dùng trong nước, hiện các sản phẩm của hãng đã vào được các thị trường khó tính như Canada, Hà Lan, Australia, Hàn Quốc, Singapore…
“Trong chiến lược phát triển, chúng tôi đặt mục tiêu đưa Tân Hiệp Phát trở thành thương hiệu Việt mang tầm vóc châu Á doanh thu khoảng 1 tỉ USD vào năm 2023 và đạt khoảng 3 tỉ USD vào năm 2027”, ông Trần Quí Thanh nhấn mạnh.
Tờ BBC từng gọi ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát là: “Ông vua trà với khát vọng thống trị toàn cầu”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: Luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Theo ông Lê Tiến Châu – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, hiện trên địa bàn có hơn 4.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, sản xuất kinh doanh. Việc các doanh nghiệp đến đầu tư đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế tỉnh.Với dự án nhà máy nước giải khát Hậu Giang, ông Châu cho hay trước mắt sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động, với mức lương trung bình 7,5 triệu đồng. Thời gian tới, khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn người trong tỉnh và ngoài khu vực.Ông cũng cho biết thêm ban lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Vì vậy, Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đề nghị nếu có những vấn đề khó khăn phát sinh liên quan trách nhiệm của địa phương, doanh nghiệp có thể mạnh dạn chủ động kiến nghị để giải quyết. |
NGUỒN: Theo Báo Vietnammoi
Link bài: Ông Trần Quí Thanh: “Chúng tôi…”
(https://vietnammoi.vn/ong-