Với sự xuất hiện ngày càng nhiều, các chung cư, nhà cao tầng đã và đang giải quyết nhu cầu rất lớn về chỗ ở của người lao động, nhất là những đôi vợ chồng trẻ mong muốn được sống tự lập sau khi xây dựng gia đình. Thế nhưng trong thời gian qua, không ít những vụ tai nạn thương tâm do trẻ em ra lan can căn hộ chung cư bị ngã rơi xuống đất đã cảnh báo về sự mất an toàn cho trẻ đang sinh sống tại các căn hộ chung cư.
Đơn cử như vào ngày gần cuối năm 2018, bé gái Q.A, 5 tuổi tử vong tại chỗ khi rơi từ tầng 9 thuộc chung cư Thủ Thiêm Sky tại quận 2, TP.HCM. Được biết, cha mẹ của bé do bận việc nên đưa con đến gửi ông bà nội đang sống tại chung cư. Nhưng do ông bà cũng đang bận việc, chưa về nhà ngay được nên người mẹ mở cửa căn hộ, để con lại rồi khóa cửa đi. Theo nhận định của CQĐT, nhiều khả năng bé gái hiếu động đã leo lên bệ đỡ ở gần ban công căn hộ và trượt chân rơi xuống đất.
Vụ việc đau lòng tương tự cũng xảy ra vào chiều 27.5.2017, một bé trai 5 tuổi bất ngờ rơi từ tầng 17 của một chung cư ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội và tử vong tại chỗ. Thời điểm xảy ra tai nạn, bé trai ở nhà cùng mẹ trong một căn hộ trên tầng 17. Bé đã leo lên ghế rồi trèo qua cửa sổ lan can, rơi xuống đất.
Tương tự, ngày 12.12.2018, sau khi đưa tiễn người ông vừa qua đời, bé H (5 tuổi) được mẹ để ở nhà một mình rồi đi chợ. Bé đã chạy ra ban công khu tập thể 137 Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM để chơi và bị rơi xuống vỉa hè tử vong. Nhiều người chứng kiến sự việc cho biết, nhìn thấy bé H đứng một mình trên tầng 5 của căn nhà và rất gần lan can nên định thông báo cho người dân sống tại đây, nhưng chưa kịp chạy lên thì cháu đã trườn ra ngoài rồi trượt chân rơi xuống.
Ngày 1.1.2019, một bé trai 4 tuổi người nước ngoài đã tử vong sau khi rơi từ tầng cao xuống ban công tầng 8 chung cư River Gate, quận 4, TP.HCM…
Mới đây nhất là vụ bé trai 4 tuổi rơi từ tầng 3 tòa nhà chung cư Rice City Linh Đàm xuống đất tử vong.
Nhìn lại các vụ tai nạn kể trên cho thấy, phần nhiều do trẻ con chơi đùa ở khu vực lan can hay đi tìm người thân khi gia đình chủ quan, bỏ con trẻ ngủ hoặc ở nhà một mình.
Sự việc cũng khiến nhiều người e ngại về mức độ chuẩn an toàn xây dựng của các chung cư, tòa nhà cao tầng, cũng như nhận thức của người lớn trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ nhỏ. Vì thế, đã đến lúc cần xem lại vấn đề an toàn tại ban công hay cửa sổ ở chung cư, nhà cao tầng cũng như kỹ năng giám sát, chăm sóc trẻ của các gia đình.
Các vụ tai nạn này đã gây hoang mang đối với các gia đình có trẻ em sống tại chung cư, là hồi chuông báo động khẩn cấp của việc việc đảm bảo an toàn cho trẻ em sống tại các căn hộ chung cư cao tầng, nhất là việc đề phòng trẻ bị ngã từ trên cao. Chúng ta thấy đây có nguyên nhân về mặt vật lý cũng như tâm lý: Vật lý là các công trình còn nhiều vị trí có nguy cơ nguy hiểm chưa được loại trừ; Tâm lý là do dân cư chưa chuẩn bị các kỹ năng sống trong chung cư. Nguy cơ cho trẻ ngã tại khắp nơi không chỉ cao tầng mà cao 1-2 m trẻ ngã đã có thể nguy hiểm, do vậy tất cả các vị trí từ trong nhà ra ngoài đều phải có chấn song an toàn: cửa sổ, ban công, lô gia, kể cả các khe nhỏ đặt điều hòa hay máy giặt, phơi… Cần có lưới chắn an toàn bằng vật liệu phù hợp .
Cư dân sống trong chung cư phần lớn vốn sống trên mặt đất nên không có thói quyen phòng ngừa. Tôi nghĩ rằng tất cả các chủ đầu tư hay đại diện bán nhà, giao nhà tại tòa nhà chung cư cần khuyến cáo tới cư dân mới đến ở về các nguy cơ, rủi ro: bao gồm an toàn cho trẻ nhỏ, nguy cơ cháy nổ, điện, ngạt khí, lan truyền dịch bệnh, khủng hoảng thang máy… Có tình huống phát sinh như trẻ ở nhà cũ với cha mẹ không sao, sang nhà mới có nguy cơ mới tác động ngay. Hoặc người nhà đến chơi trông trẻ, mất cảnh giác làm trẻ gặp tai nạn ngay. Cha mẹ là người trực tiếp thiệt hại nên phải có ý thức loại trừ, phòng ngừa trực tiếp nhất. Các nguyên nhân khác sẽ tính sau.
Nguy cơ vô cùng nhiều cho tất cả mọi người, đặc biệt với trẻ nhỏ: ngã từ trên cao, kẹt thang máy, hỏng cửa bị nhốt ở trong, an toàn điện… Không chỉ ngã từ trên cao xuống mà thậm chí có cả nguy cơ dị vật từ trên cao rơi xuống sân chung. Những thứ có thể xảy ra ở nhà thấp tầng thì ở nhà cao tầng nhiều hơn/nguy hiểm hơn, đặc biệt là môi trường chung cư khá riêng biệt, dần hình thành mối quan hệ khu biệt, mất dần thứ bình thường như “quan tâm láng giềng”. Do vậy nhiều nguy cơ nhỏ ở những không gian ở truyền thống lại trở nên nguy cơ lớn tại các căn hộ chung cư cao tầng mà các cư dân mới này chưa được chuẩn bị tâm lý.
Hiện nay đã có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCXDVN 05:2008/BXD về nhà ở và công trình công cộng: Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4m (các vị trí khác tối thiểu 1,1 m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can…).
Chúng tôi cho rằng như vậy chưa đủ, mà cần có lưới an toàn 100% không gian tiếp xúc ra bên ngoài. Hiện nay trên thị trường rất sẵn bằng vật liệu tổng hợp. Các cơ quan quản lý chất lượng xây dựng cần thẩm định và đưa vào quy định: cho lắp dựng tại tất cả các vị trí, tuy vậy khi có cháy nổ, thảm họa thì dễ dàng cắt bỏ tháo dỡ để thoát người. Và những chủ nhân các căn hộ căn hộ hãy là người đầu tiên rà soát lại căn hộ của mình để phát hiện ra rủi ro và loại trừ. Tôi nghĩ là Chủ đầu tư nên hợp tác với khách hàng mua nhà của mình. Nếu các DN hay cơ quản quản lý (đã thẩm định cấp phép xây dựng cho các chung cư này) thì Hội Kiến trúc sư Hà Nội sẽ cử KTS tình nguyện tư vấn miễn phí cho họ.
Những gia đình có con nhỏ nên có các bước chuẩn bị, dự phòng khi lựa chọn hay chuyển vào một căn hộ chung cư: làm thêm khung/lưới bảo vệ cửa sổ để trẻ không thể leo ra ngoài. Các cửa chính, cửa sổ cần phải có chốt khóa an toàn để trẻ không mở được; tuyệt đối không được kê giường, tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ; không được để đồ ngoài ban công khiến trẻ con trèo lên cửa sổ, gây tai nạn…
NGUỒN: Theo Báo Người Đô Thị online
Link bài: An toàn cho trẻ em…
(https://nguoidothi.net.vn/an-