Trần Quí Thanh
—–
Thưa bác Trần Quí Thanh
Chúng cháu là nhóm CEO trẻ ở Hà Nội thuộc các doanh nghiệp bé tí hon. Chúng cháu vẫn gặp nhau đề thảo luận chung quanh đề tài phát triển doanh nghiệp. Đề tài hôm nay là: Nhà lãnh đạo dễ gặp thất bại nhất khi nào? Câu hỏi rất thú vị nhưng rất khó, chúng cháu cãi nhau ỏm tỏi cả lên bác ạ.
Chúng cháu mạo muội gửi câu hỏi này tới bác, mong bác có câu trả lời, được không ạ?
Cảm ơn bác rất nhiều
Kính chúc bác sức khỏe
Nhóm CEO trẻ Hà Nội (Hà Nội): lamhanoi_ceo1997@gmail.com
—–
Nhóm CEO trẻ Hà Nội mến!
Câu hỏi mà các cháu đặt ra là vấn đề lớn của giới quản lý doanh nghiệp, bởi vì ai cũng có thể gặp phải, ở đâu cũng có thể xảy ra.
Về câu trả lời, theo bác thì tùy từng trường hợp, loại hình doanh nghiệp, môi trường kinh doanh và quy mô doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm làm chủ doanh nghiệp cả đời người, điều hành quy mô doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát, bác chia sẻ với các cháu thế này.
Nguyên nhân thất bại đầu tiên là độc tài. Có người khi lên chức vụ lãnh đạo cao của doanh nghiệp, tưởng mình là người tài giỏi, sinh ra tự đắc. Tưởng cái gì mình cũng hơn người khác, cho nên quyết công việc theo kiểu của một nhà độc tài. Nhà lãnh đạo rất cần tính quyết đoán, nhưng quyết đoán trên cơ sở phải lắng nghe ý kiến của người khác, chủ quan, duy ý chí thì trước sau cũng thất bại.
Nguyên nhân thứ hai là không chịu học hỏi để tiến bộ. Rất nhiều người khi lên vị trí cao là thỏa mãn, khi ở đỉnh cao sự nghiệp thì cho rằng mình đã đủ năng lực điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng cuộc sống không dừng lại, nó luôn đi tới, quản trị doanh nghiệp cũng phải thay đổi, tư duy lãnh đạo phải theo kịp với những vận động không ngừng của xã hội. Ví dụ, lãnh đạo của doanh nghiệp hôm nay không thể không tiếp cận với công nghệ, tính đến những giải pháp để số hóa, tối ưu hóa, công nghệ hóa trong quản trị và sản xuất.
Nguyên nhân thứ ba là nhận vị trí lãnh đạo quá sức của mình. Cũng có trường hợp được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo trong một doanh nghiệp, nhưng cá nhân người được bổ nhiệm chưa được chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, kinh nghiệm. Hay nói đúng hơn là kiến thức, kinh nghiệm chưa tương xứng với công việc phải làm. Đôi khi, do yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà phải thúc ép có ngay nhân sự điều hành, cho nên vẫn xảy ra tình trạng “chín ép” này.
Gặp trường hợp được đề bạt lên vị trí quá cao so với năng lực, rất ít ai đủ bản lĩnh để từ chối, cứ cho rằng mình đủ tài đủ sức, nhưng khi nhận việc rồi thì mới thấy mình không thể quản lý, điều hành tốt.
Nêu ra ba nguyên nhân thất bại trên cũng có nghĩa là đưa ra giải pháp. Cứ làm ngược lại những điều trên thì lãnh đạo sẽ thành công.
Chúc các cháu thành công nhé.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)