Trần Thanh Nguyên/ Báo TBKTSG
Quan điểm có cần người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, pháp nhân hay không được các chuyên gia đặt ra, tuy còn nhiều tranh luận về bản chất pháp lý, nhưng cũng là điều cần bàn, sự tiến bộ nào cũng bắt đầu từ những phản biện.
Là một người hoạt động doanh nghiệp mấy chục năm, tui có suy nghĩ về chế định này như vầy:
Cho dù phân tích dưới góc độ nào, định danh nó là gì, thì cũng phải có người chịu trách nhiệm pháp lý của một pháp nhân, một doanh nghiệp, một công ty.
Tui đứng ra lập doanh nghiệp, đương nhiên tui phải đại diện cho doanh nghiệp của tui để thực hiện quyền và nghĩa vụ và chịu trách nhiệm về các hoạt động của doanh nghiệp. Khi có tranh chấp xảy ra, tui là tư cách nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án như quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tui thành lập doanh nghiệp, làm ông chủ thì tui quyết định mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vậy thì không thể tách rời một ông chủ doanh nghiệp khỏi pháp nhân đó, cho nên chế định người đại điện theo pháp luật được đặt ra để ràng buộc pháp lý về một cái lý đương nhiên.
Muốn bãi bỏ một chế định không đơn giản bởi vì liên quan đến các quy định của các đạo luật khác, mà nguyên tắc căn bản trong xây dựng pháp luật là không để mâu thuẫn, xung đột giữa các luật với nhau.
Trần Quí Thanh
—–
Cứ mỗi lần sửa Luật Doanh nghiệp (LDN) hay Bộ luật Dân sự (BLDS) thì lại có ý kiến sửa chỗ này vá chỗ kia về chế định “người đại diện theo pháp luật” của pháp nhân/công ty/doanh nghiệp. Bài này sẽ xuất phát từ bản chất của pháp nhân/công ty để chỉ ra rằng chế định ấy thật sự không cần thiết, xa lạ với thế giới và đáng phải bỏ đi toàn bộ.
Bản chất pháp lý của pháp nhân/công ty
Công ty là một loại pháp nhân quan trọng nhất của nền kinh tế. LDN quy định công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên bản chất của pháp nhân là gì là một chuyện rắc rối trong luật Việt Nam.
Pháp nhân ra đời từ thời Đế chế La Mã, về sau ảnh hưởng đến luật giáo hội rồi được tiếp nhận ở châu Âu. Đến nửa sau thế kỷ 19, ba ý tưởng quan trọng nhất về công ty đã được xác lập: (i) tư cách pháp nhân; (ii) có quyền phát hành cổ phiếu; (iii) tính trách nhiệm hữu hạn. Án lệ Salomon v Salomon & Co Ltd [1897] AC 22 đã định hình cách hiểu về bản chất công ty như ta biết ngày nay. Có thể nói sự phát triển của chủ nghĩa tư bản phương Tây gắn liền với lịch sử hình thành (luật) công ty.
Trong quá khứ, pháp nhân/công ty không hề có trong luật pháp Á Đông. Người Hoa dùng chữ gongsi (công ty) để gọi Công ty Đông Ấn (British East India Company) từ thập niên 1830. Đến năm 1904 nhà Thanh ban hành luật công ty đầu tiên theo mô hình phương Tây với tên gongsi fa.
Ở Việt Nam, pháp nhân/công ty được người Pháp mang vào từ cuối thế kỷ 19 nhưng chưa kịp bám rễ vào sinh hoạt kinh tế của người Việt thì bị gián đoạn do miền Bắc khởi động quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa từ cuối thập niên 1950. Gần như mọi thành tựu pháp lý thời thuộc địa đều bị hủy bỏ theo Chỉ thị số 772/TATC ngày 10-7-1959 “về vấn đề đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của phong kiến đế quốc”. Kể từ đó bản chất của pháp nhân/công ty gần như bị lãng quên vì nền kinh tế kế hoạch với mô hình xí nghiệp kiểu Liên Xô không cần dùng đến lý thuyết pháp nhân/công ty của tư bản chủ nghĩa.
Ở phương Tây, pháp nhân được ví như con người tự nhiên. Vậy nên luật của họ thường theo mô thức: Pháp nhân/công ty có năng lực chủ thể như một cá nhân. Đúng 20 năm trước, các chuyên gia tư vấn quốc tế một lần nữa mang ý tưởng này vào Việt Nam khi giúp soạn LDN 1999 nhưng đã bị phía ta từ chối tiếp nhận. BLDS 2015 tuy vẫn tránh né mô thức trên nhưng đã mở rộng năng lực chủ thể của pháp nhân bằng quy định rằng năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế (bởi mục đích hoạt động), trừ trường hợp có quy định khác (điều 86.1).
Việc không thừa nhận một cách rõ ràng pháp nhân có năng lực chủ thể như cá nhân đã và đang gây ra những hậu quả vô cùng tai hại trong tư duy pháp lý nước nhà, mà cụ thể nêu ở đây là chế định “người đại diện theo pháp luật” đã sai từ trong trứng nước.
Pháp nhân/công ty không cần người đại diện theo pháp luật
Theo pháp luật phương Tây, giống một cá nhân, công ty cũng có thể tự mình ký hợp đồng hoặc ủy quyền cho người khác ký thay. Tuy nhiên, công ty là thực thể nhân tạo, do đó nó cần phải hành động thông qua con người bằng xương bằng thịt. Vậy, ai có quyền nhân danh công ty ký hợp đồng có hiệu lực ràng buộc công ty?
Câu trả lời theo luật Việt Nam là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân/công ty. Anh ta có quyền nhân danh pháp nhân “xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Thậm chí BLDS 2005 còn quy định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, chứ không phải chính pháp nhân, có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (điều 143.1). Tuy nhiên cái sai này đã được sửa lại tại điều 138.1 BLDS 2015.
Ngược lại, thông luật (common law) giải quyết vấn đề hoàn toàn khác. Về cơ bản thông luật quy định hành động của (các) cơ quan điều hành (organs) của công ty được coi là của chính công ty đó. Quyền lực của công ty thường được phân cho hai cơ quan theo luật và điều lệ là đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) và hội đồng quản trị (HĐQT). Hai cơ quan này có quyền đương nhiên ký hợp đồng nhân danh công ty(1). Nếu công ty ủy quyền cho người khác, nhân viên bán hàng chẳng hạn, thì công ty là người ủy quyền (principal), còn nhân viên bán hàng sẽ là người được ủy quyền (agent).
Để quy hành động của cơ quan điều hành thành hành động của công ty, thông luật có một lý thuyết gọi là “organic theory” (tạm dịch: lý thuyết tổ chức). Lý thuyết này coi công ty cũng có đầu óc và tay chân như con người. Xác định ai được coi là bộ não và ai là tay chân tương đối phức tạp, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, nhưng chắc chắn ĐHĐCĐ và HĐQT là bộ não còn anh nhân viên bán hành kia nhiều khả năng chỉ là tay chân, hành động theo sự chỉ đạo của bộ não.
Nếu theo logic như trên thì người đại diện theo pháp luật của pháp nhân/công ty trở nên thừa thãi. Hai cơ quan tập thể ĐHĐCĐ và HĐQT, chứ không phải một cá nhân người đại diện theo pháp luật, đóng vai trò là bộ não của công ty. Điều đó lý giải tại sao luật phương Tây không có khái niệm này. LDN của ta cũng học theo ý tưởng giao quyền lực cho các cơ quan của công ty và quy định khá rõ trong từng mô hình quản trị công ty. Những mô hình như vậy tất nhiên không có chỗ cho người đại diện theo pháp luật. (Hãy nhớ lại Luật công ty năm 1990 không có người đại diện theo pháp luật).
Ngược lại, BLDS 2015 tuy có quy định “pháp nhân phải có cơ quan điều hành” (điều 83) nhưng lại không nói rõ hành động của cơ quan điều hành được coi là hành động của pháp nhân. Nhiều luật gia cũng coi cơ quan này là “bộ não” của pháp nhân. Nhưng thật đáng tiếc, do không thực sự hiểu rõ phép so sánh pháp nhân/cá nhân nên BLDS mới thiết kế ra một cơ chế sai như người đại diện theo pháp luật, để rồi được áp dụng sang LDN, gây ra chồng chéo hết sức vô lý.
Doanh nghiệp tư nhân càng không nên có người đại diện theo pháp luật
LDN 2014 định nghĩa doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là “doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Như vậy về mặt pháp lý, DNTN và cá nhân chủ doanh nghiệp ấy là một. Điều này đã trở nên hiển nhiên đến mức ai cũng hiểu. Ấy thế nhưng rắc rối lại xuất phát từ khái niệm “doanh nghiệp”.
“Doanh nghiệp” là một thuật ngữ kinh tế chứ không phải thuật ngữ pháp lý. Nhưng nó lại được đưa vào LDN và định nghĩa “doanh nghiệp là tổ chức…”. Theo đó thì DNTN cũng là “tổ chức”. Phản bác điều này không khó: Nếu cá nhân tôi đăng ký thành lập DNTN rồi cũng một mình, không thuê ai, mua bán nông sản thì cái tính “tổ chức” thể hiện chỗ nào?
Thậm chí, để bảo vệ cho điều này, một cuốn giáo trình luật đã viết: Dù chỉ có một chủ, DNTN là đơn vị kinh doanh dưới hình thức một tổ chức, trong đó có người quản lý điều hành, có người lao động làm công… Chính vì vậy, DNTN vẫn thỏa mãn dấu hiệu cơ bản đầu tiên của doanh nghiệp nói chung: là một tổ chức.
Thay vì thừa nhận DNTN mang bản chất cá nhân ngay từ đầu, người ta lại xem nó là tổ chức, để rồi tách DNTN ra khỏi chủ của nó như hai thực thể độc lập. Thế nên mới có quy định chủ DNTN có quyền bán, cho thuê DNTN trong khi không thấy có quy định tương tự với công ty.
Một khi đã xếp DNTN vào loại tổ chức thì người ta lại phải hỏi: Tổ chức ấy có tư cách pháp nhân hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Đến đây người ta kết luận chắc nịch rằng DNTN không phải là chủ thể của giao dịch dân sự!? Vì vậy mới có chuyện nực cười, điển hình như tình huống xảy ra trong hoạt động ngân hàng.
Dựa vào BLDS 2015, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Do đó, tổ chức không có tư cách pháp nhân như DNTN sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn. Thay vào đó lại có quy định rằng cá nhân ông chủ DNTN được vay phục vụ cho nhu cầu sử dụng vốn của DNTN do chính ông ta làm chủ!?
Tóm lại, về bản chất pháp lý, DNTN là cá nhân; cá nhân này có năng lực hành vi đầy đủ. Do đó anh ta không có cái gọi là người đại diện theo pháp luật (vì BLDS không xây dựng khái niệm này cho cá nhân có năng lực hành vi đầy đủ).
Lời kết
Thật ra cơ chế người đại diện theo pháp luật có một lịch sử khá thú vị chứ không phải tự nhiên sinh ra. Theo hiểu biết của tác giả, hiện chỉ Việt Nam và Trung Quốc có chế định này mà thôi. Điều này không phải ngẫu nhiên. Đó là thứ cả hai nước học từ mô hình quản lý xí nghiệp dựa trên nguyên tắc “một người quản lý” theo kiểu cơ quan hành chính có từ thập niên 1950 ở Liên Xô. Lẽ ra sau khi chuyển sang cơ chế thị trường, nguyên tắc ấy phải bị xóa bỏ cùng với quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Nhưng tiếc thay, nó lại được giữ lại, mang vào BLDS (rồi sau sang LDN) của cả hai nước và sống cho đến ngày nay.
Như vậy cần phải loại bỏ chế định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân/công ty/doanh nghiệp ra khỏi hệ thống pháp luật Việt Nam. Muốn thế phải bắt đầu thiết kế lại chế định “đại diện” trong luật gốc, tức BLDS 2015, rồi đến tất cả các luật khác có dính tới khái niệm này.
NGUỒN: Theo Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Người đại diện theo pháp luật…
(https://www.thesaigontimes.vn/