Chỉ chuyền tay nhau cái sổ đỏ để kiếm tiền thì làm sao giàu được

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Báo Mới.

—–

Chào anh Trần Quí Thanh!

Thưa anh, tôi chỉ là một gã doanh nhân nhà nước, vừa về hưu được ít năm. Biết anh từ lâu, đọc anh cũng nhiều, đặc biệt bài vở trong blog này. Những trả lời của anh giản dị mà sâu sắc, rất có trách nhiệm với lớp trẻ mới lập nghiệp.

Nay tôi muốn trao đổi với anh một vấn đề có thể nói nó rất căn bản nhưng ít ai bàn tới thật thấu đáo. 

Đó là làm thế nào ứng phó với sốt đất mà đa phần là giả tạo đã làm cho bao nhiêu người điêu đứng?

 Anh biết rồi đấy, các cơn sổt đất có vẻ như không liên quan đến nền kinh tế nhưng kỳ thực nó ảnh hưởng sâu sắc tới nồi cơm của các doanh nghiệp có tham gia thị trường. 

Rất mong anh góp tiếng nói 

Kính anh,

Nguyễn Xuân Hoè (Hà Nội) hoehanoi1962@gmail.com

—–

Anh Nguyễn Xuân Hòe mến!

Rất vui khi được biết anh theo dõi blog của tui, bài có người đọc, tương tác là niềm vui của người viết đó anh. Còn với các bạn trẻ, tui xem việc chia sẻ kinh nghiệp lập nghiệp, làm ăn là trách nhiệm của người đi trước, giản dị thế thôi anh ạ.

Về sốt đất, đã có nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo, nhưng cơn sốt vẫn kéo dài, chưa có thuốc đặc trị. Tui có nghiên cứu sơ sơ về các giai đoạn phát triển của một số nước, họ cũng từng trải qua một giai đoạn sốt đất như vầy.

Một nền kinh tế “tư bản hoang dã” sẽ sinh ra các loại mánh mung làm ăn hoang dã.

Người ta thổi giá đất, lướt sóng, cũng chỉ mảnh đất đó thôi, người này kiếm một ít, người khác có thể làm giàu, và người ôm cuối cùng không kịp lướt sóng sẽ “ôm đầu máu”, chuyện xảy ra thường ngày. Những ai vay tiền gom đất hiện nay ở Phú Quốc chắc khó có thể thoát được kiếp nạn nợ nần.

Và thử hỏi, một đất nước không sản xuất ra của cải vật chất, không có sản phẩm để cạnh tranh với các nước, chỉ chuyền tay nhau cái sổ đỏ để kiếm tiền thì làm sao giàu được.

Cho dù có nhà đầu tư làm ăn tử tế, thì xây dựng được vài khu đô thị khang trang, tươm tất, sạch đẹp, cùng với nó là tăng giá trị đất đai và bất động sản khu vực đó, nhưng cách này cũng không làm cho đất nước cường thịnh.

Nhật Bản sau những cơn sốt bất động sản, họ nhận ra cách duy nhất để trở thành cường quốc kinh tế là sản xuất ra của cải vật chất. Và họ đã làm thành công hơn cả sự mong đợi.

Việt Nam thì sao, vẫn đang chạy theo cơn sốt dài đất đai, bong bóng càng thổi phình to thì khi nổ sẽ tan xác pháo rất ghê gớm. Nhưng trước mắt, cơn sốt làm điêu đứng những người có nhu cầu nhà ở thực sự, nhưng giá quá cao, không thể tiếp cận được.

Giá đất tăng cao, những nhà đầu tư các lĩnh vực sản xuất khác cũng điêu đứng, vì họ tốn kém chi phí cho thuê đất, mua đất để xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất. Tất cả tính trong giá thành, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa.

Nhiều khu đất đầu cơ kéo dài, nhà đầu cơ bị thiệt hại, nhưng xã hội cũng bị thiệt hại, vì một phần tài nguyên đất bị đóng băng.

Còn nhiều thiệt hại khác như gây rối loạn thị trường, buôn bán lừa đảo, cán bộ tham lam đất đai gây họa cho xã hội và cho chính bản thân mình.

Cách điều trị cơn sốt này cũng có nhiều, tui xin chia sẻ với anh vài điều:

Tăng thuế, phí cao trong giao dịch bất động sản. Tăng thuế bất động sản đầu cơ, những căn nhà, thửa đất thứ hai, thứ ba trên cùng chủ sở hữu.

Công khai, minh bạch quy hoạch của các địa phương, từ thành phố đến huyện, xã, tránh tình trạng mập mờ tung tin để thổi giá đất, đầu cơ đất đai.

“Đóng băng” một số khu vực được lựa chọn để hạn chế tối đa “vùng dịch sốt” bị lây lan, không cho chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, giữ lại mảng xanh, môi trường sống. Ngăn chặn bê tông hóa, đô thị hóa tràn lan.

Hẹn gặp lại anh nhé.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *