Trần Quí Thanh
- —–
Chào anh Trần Quí Thanh
Thật không ngờ anh đã trả lời rất nhanh về câu chuyện sốt đất mà tôi trao đổi với anh. Sự nhiệt tình của anh làm tôi cảm động và kính trọng anh hơn. Cũng vì phấn khởi trước nhiệt tình của anh nên tôi xin gửi tới anh một vấn đề nữa.
Tôi biết anh rất quan tâm tới lớp trẻ khởi nghiệp nên muốn trao đổi với anh về mục đích kinh doanh. Kinh doanh tất nhiên là để kiếm tiền, nhưng nếu đặt vấn để kiếm tiền lên trên hết rất dễ gánh lấy hậu quả xấu do chính đồng tiền tạo ra.
Rất mong anh có lời nhắn với lớp trẻ khởi nghiệp về vấn đề này.
Kính anh,
Nguyễn Xuân Hoè (Hà Nội): hoehanoi1962@gmail.com
—–
Anh đã đặt ra một vấn đề rất lớn cho thời đại hiện nay, bởi vì xu hướng chạy theo vật chấp bất chấp thủ đoạn, đạp trên tất cả đạo lý đang là mối nguy hiểm cho xã hội. Xu hướng này tấn công vào trong đời sống thương trường, không ít doanh nhân chỉ biết kiếm tiền mà không nghĩ tới hậu quả.
Có một doanh nhân nổi tiếng, khi ra toà, đặt câu hỏi “tiền nhiều để làm gì?”. Rất nhiều người chế giễu cho rằng đây là câu hỏi thừa, đánh bóng cá nhân, nhưng tui đánh giá rất cao “công án” này. Một khi không giải đáp được về mục đích của đồng tiền, thì không làm chủ được nó, chỉ biết chạy theo nó như một nô lệ. Đã là nô lệ thì cho dù nô lệ bất cứ thứ gì cũng là bất hạnh.
Nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, thấy rằng sau thế chiến thứ hai, người Nhật làm việc cật lực. Nhân viên của toà nhà này nhìn sang, thấy toà nhà khác còn sáng đèn là chưa chịu về, vì sợ về trước là làm việc thua công ty khác. Họ làm như vậy không phải để làm thêm tiền cho mình, mà làm giàu cho nước Nhật, quyết tâm đưa nước Nhật vượt lên thành một cường quốc kinh tế, trả mối thù bị khuất phục bởi hai trái bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. Và họ đã làm được, họ không dội bom xuống nước Mỹ mà dội những cơn mưa xe hơi và hàng hoá xuống nước Mỹ. Thế kỷ hai mươi chứng kiến bước đi thần kỳ của nước Nhật.
Hàn Quốc nhìn Nhật Bản như vậy, họ cũng đã nỗ lực xây dựng những thương hiệu tên tuổi như Samsung, Hyundai, LG. Người Hàn không xài hàng hoá nhập khẩu nhiều mà chỉ sử dụng hàng hoá sản xuất trong nước không phải để làm giàu cho cá nhân, cho doanh nghiệp mà cho quốc gia, họ không chịu đứng sau Nhật Bản.
Steve Jobs xây dựng thương hiệu quả táo bị cắn dở không phải vì mục tiêu làm nhiều tiền, mà là muốn thay đổi thế giới.
Những cái đầu lớn, nghĩ lớn, nghĩ khác sẽ làm ra điều khác biệt, chỉ nghĩ tới tiền thì giá trị giới hạn trong đồng tiền.
Chưa kể, khi doanh nghiệp làm ăn chỉ với mục đích kiếm tiền thì sẵn sàng huỷ hoại các giá trị khác như đạo đức xã hội, môi trường tự nhiên. Buôn bán các chất ma tuý, mại dâm cũng là làm tiền, sản xuất nhưng xả chất thải ra sông ra biển cũng là vì đồng tiền. Thực tế đó đang là mối hoạ cho thế giới, và còn nhiều kiểu kinh doanh phi đạo đức khác nữa.
Nếu chỉ vì đồng tiền, thì khi xây dựng được thương hiệu, người ta có thể bán ngay để kiếm một đống tiền to. Tân Hiệp Phát từng được mua với giá 2,5 tỷ Mỹ kim, nếu như vì tham tiền, tui đã bán nó rồi anh ạ. Nhưng tui nghĩ rằng, phải xây dựng một thương hiệu Việt thật lớn, xuất khẩu hàng Việt Nam sang các nước.
Cho dù làm ra đồng tiền chân chính, nhưng chỉ nghĩ đến tiền thì sẽ không đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng. Trên thế giới, có nhiều doanh nhân kinh doanh giỏi và họ nghĩ đến tạo ra giá trị khác ngoài tiền bạc, hướng tới văn minh, thịnh vượng cho quốc gia.
Các bạn trẻ Việt Nam nên học hỏi những tấm gương đó, khởi nghiệp tất nhiên là kinh doanh làm giàu, nhưng phải đặt ra mục tiêu xa hơn, sang hơn, đó là làm ra giá trị cho đất nước, cho nhân loại. Tại sao chúng ta không nghĩ tới điều đó nhỉ?
Cám ơn anh đã tương tác.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)