Minh Tâm/ Báo TBKTSG
—–
Tân Hiệp Phát là nạn nhân của các loại bôi xấu trên mạng xã hội, và cá nhân tui cũng bị bôi xấu. Họ bịa đặt đủ thứ tội ác, tội lỗi về tui và Tân Hiệp Phát.
Có những người chưa hề gặp tui một lần, chưa biết gì về cá nhân cũng như gia đình tui, vậy mà họ nói cứ như tận mắt thấy, tận tay bắt những việc tui làm.
Có những người vu cáo tội lỗi cho Tân Hiệp Phát vì có mục đích cạnh tranh không lành mạnh, nhưng cũng có nhiều người hùa theo, tin vào những thông tin xấu đó không hề kiểm chứng.
Rất may là tui có một gia đình hạnh phúc, một người vợ tuyệt vời và những đứa con ngoan. Nếu như gặp một gia đình mong manh, vợ chồng không có niềm tin vào nhau, thì những thứ bôi xấu đó cũng có thể gây hậu quả, mất mát.
Và rất may là sản phẩm của Tân Hiệp Phát thực sự có chất lượng, tạo được uy tín trên thị thị trường. Ngoài ra, Tân Hiệp Phát có thực lực để chịu đựng những cú tàn phá bằng các cơn bão thông tin bôi xấu, nếu không thì chúng tôi sập tiệm.
Còn rất nhiều doanh nghiệp khác là nạn nhân và sẽ có rất nhiều “nạn nhân dự khuyết” của nạn bôi xấu trên mạng xã hội. Họ có được bảo vệ không?
Câu trả lời dành cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là khi Luật An ninh mạng có hiệu lực.
Trần Quí Thanh
—–
Mới đây, một doanh nghiệp tại TPHCM đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc bị một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook đưa thông tin sai lệch về thương hiệu, gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh và yêu cầu xác minh điều tra về người phát tán thông tin để buộc người này đính chính công khai. Tuy nhiên, những gì diễn ra dường như phức tạp hơn rất nhiều so với suy nghĩ của doanh nghiệp.
Kỳ vọng được bảo vệ, nhưng…
Bà Trương Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty Sakura Beauty Việt Nam, người tố cáo tài khoản Facebook cá nhân mang tên Diệp Xuân Hạ có hơn 50.000 người theo dõi (follower) cho biết, trước đây, trong quá trình hoạt động kinh doanh, thương hiệu sản phẩm cũng từng bị một facebooker có tiếng nói xấu trong nhóm kín, nhưng công ty không giải quyết vì vụ việc không lớn. Tuy nhiên, lúc này, công ty quyết định lên tiếng vì đây là thời điểm phát triển quan trọng và với Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 nên bà có niềm tin sẽ được luật pháp bảo vệ.
Để theo đuổi vụ việc, Sakura Beauty Việt Nam đã thực hiện lập vi bằng về những thông tin bôi xấu để làm bằng chứng rồi gửi đơn tố cáo đến Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – C50, Sở Thông tin Truyền thông TPHCM, Phòng Cảnh sát điều tra và phòng chống tội phạm kinh tế Công an TPHCM… Công ty này yêu cầu cơ quan chức năng xác minh điều tra tài khoản; buộc cá nhân này đính chính công khai thông tin.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 7-2019, tức là sau gần bốn tháng gửi đơn, theo đại diện doanh nghiệp, các cơ quan chưa có động thái và cách xử lý cụ thể, thậm chí đều “loay hoay” vì lý do Luật An ninh mạng đã có hiệu lực nhưng chưa có hướng dẫn thi hành…
“Dù sự việc bắt đầu từ tháng 2 nhưng đến nay chúng tôi mới tổ chức họp báo vì cũng muốn chờ củng cố bằng chứng và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng”, đại diện doanh nghiệp nói và cho biết quá trình kéo dài khiến công ty tốn khá nhiều tâm sức, bị phân tâm, không tập trung vào kinh doanh như bình thường.
Chuyên gia truyền thông và thương hiệu Khuất Quang Hưng chia sẻ, tình trạng bội nhọ, nói xấu cá nhân, doanh nghiệp trên các mạng xã hội diễn ra nhiều và có chiều hướng gia tăng.
Trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực đã có một số luật, nghị định hay văn bản pháp luật đưa ra các quy định pháp lý để xử lý các hành vi bôi xấu, xúc phạm, như Bộ Luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Nghị định số 174/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện…
Theo đó, doanh nghiệp và các cá nhân khi bị đăng thông tin sai sự thật hay bôi xấu có quyền yêu cầu đơn vị chủ quản các mạng xã hội loại bỏ thông tin sai phạm. Tổ chức, cá nhân cũng có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người đăng thông tin sai sự thật chấm dứt hành vi đăng tin sai sự thật, bồi thường thiệt hại, cải chính thông tin.
Nhưng trên thực tế, không có nhiều trường hợp người vi phạm bị xử lý, vì doanh nghiệp ít lên tiếng phản đối bởi tâm lý không muốn mất thời gian, ngại dư luận đánh giá “cậy lớn bắt nạt bé”, nhất là sợ hiệu ứng đám đông sẽ làm tổn hại nhiều hơn đến uy tín thương hiệu của mình.
Tiến sĩ luật Đinh Thị Thanh Nga cũng nhận xét, nhiều doanh nghiệp gặp phải vấn nạn tin giả trên báo chí nhưng ngại kiện tụng do ngại đụng chạm và chưa tự tin đòi hỏi quyền lợi của mình, dù rằng pháp luật có đầy đủ công cụ. Theo bà Nga, khi bị đưa thông tin sai lệch trên các nhóm, trang mạng xã hội thì doanh nghiệp nên chủ động thông tin đến cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là sở thông tin truyền thông ở các tỉnh thành, để từ đây cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp cần thiết với phía đăng tải thông tin sai sự thật.
Vẫn là cuộc chiến không cân sức
Ông Hưng chia sẻ, nếu lập quy trình thì sẽ có ba bước để dừng các thông tin bôi xấu trên mạng xã hội. Đầu tiên là thu nhập đầy đủ và lập tức các bằng chứng gồm những dòng trạng thái (status), hình ảnh, video clip có nội dung gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhằm tránh việc bị gỡ bỏ, xóa dấu vết và cần thông qua văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng, ghi nhận sự kiện, hành vi vi phạm.
Tiếp đó, gửi công văn tố cáo đến Bộ Thông tin và Truyền thông, lấy ý kiến trả lời làm cơ sở gửi thư cho văn phòng Facebook tại Singapore (phụ trách thị trường Việt Nam) để mạng xã hội này hành động. “Lúc này, Facebook sẽ áp dụng cái gọi là geo – block, tức là khóa các truy cập thông tin từ địa chỉ IP Việt Nam. Nhưng cũng tùy trường hợp, họ giải quyết toàn bộ, một phần yêu cầu hoặc không”, ông Hưng nói.
Về lý thuyết, nếu muốn xử lý người bôi xấu, doanh nghiệp có thể tìm được địa chỉ liên lạc để gửi văn bản yêu cầu gỡ bỏ, đính chính thông tin hay xin lỗi. Nếu các cá nhân, tổ chức đó không thực hiện thì có thể gửi đơn tố cáo và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc người đăng thông tin chấm dứt hành vi, bồi thường thiệt hại…
Nhưng rất nhiều tài khoản lại sử dụng danh tính giả, nên doanh nghiệp cũng có thể đề nghị cơ quan chức năng sử dụng biện pháp nghiệp vụ để xác định tên tuổi. Trước khi quyết định sử dụng công vụ pháp lý, doanh nghiệp nên cân nhắc đầy đủ các yếu tố được và mất, gồm thời gian và đặc biệt là hiệu ứng tâm lý đám đông có thể xảy ra để tránh tình trạng “được vạ mà má đã sưng”.
Giám đốc truyền thông một tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam cho biết, khi xử lý các vụ việc tương tự ở doanh nghiệp của mình, ông đã mất rất nhiều thời gian, công sức giải trình từ vùng đến tập đoàn mới có thể xóa bỏ thông tin bôi nhọ. Bởi lẽ, ngay trong nội bộ cũng có quan điểm rất khác nhau về việc chặn hay không chặn thông tin.
Ông này cho rằng, với thực trạng mạng xã hội bùng nổ và đang sản sinh ra những người lấy việc gây sốc bằng mọi cách, trong đó có bôi nhọ, nói xấu người khác để thu hút follower cho tài khoản của mình… thì doanh nghiệp nên chấp nhận “sống chung với lũ”. Khi có vấn đề xảy ra chỉ nên dừng ở việc quan trọng nhất là đập tan thông tin giả, không nên xử lý pháp lý vì làm như vậy rất mất thời gian, công sức, tiền bạc. Đó là chưa kể, hết người này lại có người khác xuất hiện vì hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của nhiều cá nhân còn rất kém.
Đặc biệt, việc thực thi pháp luật hiện rất hạn chế dù luật gì cũng có. “Doanh nghiệp không thể quanh năm loanh quanh với những việc này mãi. Phải liệu cơm gắp mắm ở Việt Nam. Hãy để thời gian và công sức cho việc xây dựng thương hiệu, củng cố chất lượng sản phẩm và chăm sóc người tiêu dùng tốt nhất”, vị giám đốc truyền thông nêu ý kiến.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Doanh nghiệp bị bôi xấu…
(https://www.thesaigontimes.vn/292445/Doanh-nghiep-bi-boi-xau-tren-mang-xa-hoi-roi-sao?.html)