Danh Đức/ Báo TBKTSG
—–
Sau những ồn ào về sự cố xảy ra cho một học sinh của một trường cho tới khi đó vẫn tự gọi và được gọi là trường quốc tế, mới lộ ra một thực tế là, theo một quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), “Luật Việt Nam không có khái niệm trường quốc tế” (VTC News, 12-8-2019), kèm theo những đe dọa kiểu “các trường gắn mác quốc tế có thể bị xử lý hình sự” từ một vài luật sư…
Tất cả những ồn ào đó cứ như những hòn sỏi ném xuống ao, lăn tăn một chút rồi mặt nước lại phẳng lặng.
Năm học mới có thể sẽ vẫn vậy, ai cần tìm chỗ học tại một “trường quốc tế” cho con mình vẫn cứ thế mà nộp đơn đóng tiền. Các trẻ em vẫn được khoác lên người bộ đồng phục có mang phù hiệu “sang cả” của nhà trường! Các phụ huynh vẫn yên chí rằng con cái chúng ta đang được theo học một chương trình khác với chương trình hiện hành của các trường công lập, được cho là tốt hơn, và rằng từ đó sẽ mở ra các cánh cửa đại học nước ngoài, từ Mỹ, Úc, Anh, Singapore…
Đã có thể đếm được mấy làn sóng du học ở đất nước này: từ lứa tiên phong đi Singapore trong thập niên 1990, rồi đến lứa đi Úc đầu những năm 2000, cho tới lứa đi Mỹ, Canada sau này. Càng sôi nổi kèm theo đó là làn sóng “đầu tư định cư EU, Mỹ”. Tất cả, từ chuyện mở “trường quốc tế” tới chuyện mở công ty “đầu tư định cư” cứ thế mà phát triển.
Cứ thế, chuyện các “trường quốc tế” mọc lên như nấm là chuyện dễ hiểu. Càng “bình thường” hơn khi mà chỉ thị của Bộ GD&ĐT về việc “hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo” năm học vừa rồi đã chỉ gồm mấy chữ vắn tắt mà nội dung rất thoáng: “… 7. b) Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua việc hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài” (1).
Thế là “mỗi trường, mỗi phách”, mà nếu “may mắn” không bị lừa thì mức đến chung là “Chương trình A Level của Cambridge – một khóa học hai năm (lớp 11 và lớp 12). Chứng chỉ Tú tài quốc tế Cambridge A Level do Hội đồng Khảo thí quốc tế (CIE) cấp được công nhận rộng rãi trên thế giới và được xem là tấm vé thông hành cho học sinh xin vào học tại các trường đại học hàng đầu trên thế giới tại các quốc gia như Anh, Mỹ, Úc, Canada, Singapore, Hà Lan, New Zealand…”
Sỡ dĩ đặt vấn đề “nếu may mắn” là do đang có một thực tế mà chính quan chức của Bộ GD&ĐT, trong phỏng vấn được trích nguồn nói trên, đã phải khuyến cáo: “Phụ huynh khi lựa chọn trường cho con em, cần xem xét đầy đủ các thông tin như chương trình giáo dục, ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị…”.
Đọc tiếp nội dung quảng cáo của một trường nọ, sẽ thấy hứa hẹn “Chương trình được phát triển cho học sinh sau 16 tuổi và được coi là bước chuẩn bị hiệu quả cho học sinh ở bậc học đại học và các bậc học cao hơn. Chương trình mang tính học thuật sâu và tập trung phát triển những kỹ năng của thế kỷ 21 cho các em, bao gồm kiến thức chuyên sâu về các môn học cụ thể, kỹ năng tư duy độc lập, kỹ năng áp dụng kiến thức học thuật đã học vào cuộc sống thực tế…”.
Vậy là, theo những “kỳ vọng” như trên, thực tình mà nói, nhà trường hiện tại, từ mầm non cho tới đại học, khó bề đáp ứng được nhu cầu của một số không ít phụ huynh với mong muốn mở toang cho con họ các cánh cổng đại học nước ngoài. Thế nhưng, khi các nhà trường phổ thông dạy theo chương trình ấy hay tương tự, thì đó là một câu hỏi đặt ra đối với chủ quyền giáo dục quốc gia.
Không đơn giản, cho đến nay một số nước có nhu cầu mở trường cho con em các kiều dân của mình hay mở viện trao đổi văn hóa này nọ cũng đều qua một đàm phán hiệp định nào đó. Còn nếu thả nổi, liệu rằng có hai hệ thống nhà trường trong cùng một xã hội?
(1) Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ năm học 2018-2019 của ngành giáo dục, ngày 10-8-2018.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn
Link bài: Trường quốc tế…
(https://www.thesaigontimes.vn/