Trần Quí Thanh
—–
Có một thời gian dài không ai quan tâm đến hàng hóa “Made in Vietnam”, bởi vì người tiêu dùng trong nước chỉ khoái hàng ngoại nhập.
Người Việt Nam sính ngoại một phần do tính cách, nhưng phải nói đúng là tính cách đó sinh ra từ thực tế chất lượng các loại sản phẩm của người Việt. Khi hàng Việt tốt thì sự chọn lựa sẽ khác.
Ngày nay đã có thay đổi, “Made in Vietnam” bắt đầu được quan tâm, được đưa ra tranh luận, được các cơ quan quản lý tìm một “định nghĩa” cho nó và thậm chí minh định mang tính pháp lý cho khái niệm “Made in Vietnam”.
Vì sao có sự thay đổi này?
Là bởi vì khi hội nhập vào các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam phải tuân thủ các quy tắc, quy định đã được quốc tế hóa, trong đó có quy định về xuất xứ hàng hóa, sản phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa phải nắm vững các quy định để thực hiện đúng, nếu không thì coi như phạm luật.
Sự thay đổi đó còn vì chất lượng của một số hàng hóa, sản phẩm Việt Nam đã nâng lên, được thị trường một số nước chấp nhận, từ đó có ảnh hưởng đến thương hiệu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.
Cho nên phải khẳng định rằng, hai chữ “chất lượng” là căn bản nhất của sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường quốc tế đối với hàng hóa sản xuất nhãn hiệu “Made in Vietnam”.
Các doanh nghiệp Việt đã bắt đầu làm phai nhạt tập quán sính ngoại đối với người tiêu dùng trong nước, chuyển dần sang sử dụng hàng Việt Nam. Và để sự dịch chuyển đó ngày càng nhanh, mạnh và bền vững, thì cũng chỉ có duy nhất hai chữ “chất lượng”.
Tui xin liên hệ sản phẩm của Tân Hiệp Phát một chút, không phải để nói về mình, mà là đưa ra ví dụ minh họa sinh động. Ban đầu, không ai dám nghĩ đến nước uống của Tân Hiệp Phát có thể cạnh tranh với sản phẩm của hai gã khổng lồ Pepsi và Coca. Hai cái tên Pepi và Coca thấm trong máu của dân mình, dễ gì thay đổi. Nhưng tụi tui đã làm được, thị trường chứng minh rõ ràng, và chúng tôi đúc kết chỉ có “chất lượng” mới thuyết phục được thị trường.
Vậy thì các sản phẩm khác cũng có thể làm được, cũng có thể thay thế hàng ngoại nhập. Tại sao chúng ta không tự tin nói với nhau rằng, đã đến lúc dân mình đi tìm sản phẩm “Made in Vietnam” để mua.
Chúng ta thuyết phục thị trường trong nước trước, làm cho dân mình tin tưởng vào hàng hóa “Made in Vietnam” trước. Xin thưa, thị trường gần 100 triệu dân là miếng bánh rất ngon được tất cả các nhà sản xuất để mắt đến.
Nhưng không phải nói suông mà hành động, chúng ta không ảo tưởng làm được những thứ cao siêu như dây chuyền thiết bị công nghệ, máy móc tân tiến hiện đại, mà làm được những hàng tiêu dùng phục vụ cho sinh hoạt. Cứ thay thế dần hàng Nhật Bản, Hàn Quốc bằng hàng Việt, như vậy cũng đã hỗ trợ cho thăng bằng cán cân thương mại quốc gia.
Còn nữa, “Made in Vietnam” còn nhắm đến sản phẩm công nghệ. Đây là thế mạnh của người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ tiếp cận với công nghệ thông tin, nano vật lý, trí tuệ nhân tạo. Chúng ta có quyền hy vọng chiến lược đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của các tập đoàn Việt Nam.
Khi các sản phẩm “Made in Vietnam” đạt chất lượng cao, có uy tín trên thị trường trong nước và thế giới, thì lúc đó mới nói đến hai chữ giàu mạnh.
Sài Gòn ngày 04/09/2019
TQT
Bài đọc thêm, Link: Uy tín của nhãn hiệu “Made in Vietnam” mới quan trọng
(https://www.thesaigontimes.vn/293327/uy-tin-cua-nhan-hieu-made-in-vietnam-moi-quan-trong-.html)