Phỏng vấn bằng ba câu hỏi

Thư Kỳ/ Báo TBKTSG

Một phẩm chất mong muốn ở nhân viên phải luôn luôn hiện diện dù nhân viên đó làm việc với sếp hay với đồng nghiệp. Ảnh minh họa Thành Hoa.

—–

Mary Barra, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) hãng xe hơi nổi tiếng General Motors, thường chỉ hỏi ứng viên xin vào làm việc ba câu mà thôi. Bà này là một nhân vật độc đáo vì suốt sự nghiệp chỉ làm cho General Motors, bắt đầu từ vai trò người thực tập năm 18 tuổi khi đang còn học để lấy bằng kỹ sư điện.

Sau đó bà lần lượt trải qua 14 chức vụ để cuối cùng làm CEO doanh nghiệp này. Một trong 14 chức vụ này là đứng đầu bộ phận nhân sự toàn cầu của General Motors; đó là lúc bà thường sử dụng ba câu để phỏng vấn nhân sự tương lai.

Ba câu này gồm:

1/ Đồng nghiệp của bạn thường dùng ba từ nào để miêu tả bạn?;

2/ Cấp trên của bạn thường dùng ba từ nào để miêu tả bạn?; và

3/ Người từng làm việc cho bạn thường dùng ba từ nào để miêu tả bạn?

Theo tờ Quartz, bà Mary Barra giải thích hỏi ba câu gần giống nhau như vậy vì bà kỳ vọng câu trả lời của ứng viên trong ba trường hợp là giống nhau. Một phẩm chất mong muốn ở nhân viên phải luôn luôn hiện diện dù nhân viên đó làm việc với sếp hay với đồng nghiệp. Một người được đồng nghiệp đánh giá là thân thiện thì cấp trên và cấp dưới cũng phải đánh giá tương tự lúc đó phẩm chất thân thiện mới có ý nghĩa bền vững.

Riêng các phẩm chất mà bà kỳ vọng cho các ứng viên muốn vào làm cho General Motors bao gồm tính chính trực cao, khả năng làm việc theo nhóm, khả năng đạt được mục đích không phải chỉ bằng quyền lực theo thứ bậc trong công ty mà còn bằng tầm ảnh hưởng, uy tín và cuối cùng mới là năng lực chuyên môn, niềm đam mê riêng cho ngành ô tô.

Theo bà tính chính trực là phẩm chất then chốt, nó giúp người ta làm việc đúng ngay cả khi đó là một chọn lựa khó khăn. Khả năng hợp tác thành nhóm được đo lường bằng việc ứng viên khi nói về General Motors họ chọn nhân xưng “chúng ta” hay “các ông”. Đặc biệt khi chọn các ứng viên vào các vị trí quản lý cao cấp, cần chọn người sẵn sàng nhảy vào và bắt tay giải quyết công việc chứ không phải đứng ngoài quan sát như một chuyên viên tư vấn. Sau khi tìm hiểu nội tình một bộ phận, chuyên viên tư vấn sẽ nói, đây là những gì các ông (hay họ) cần làm; một người có tính đồng đội sẽ bảo, đây là những gì chúng ta cần làm.

Cách các CEO phỏng vấn ứng viên không những cho thấy họ kỳ vọng điều gì ở nhân viên tương lai, nó còn hé lộ nhiều điều về bản thân người CEO ấy. Ví dụ Brian Chesky, CEO của hãng Airbnb, thường yêu cầu người được phỏng vấn tóm tắt cuộc đời của họ trong vòng ba phút.

Điều người hỏi mong được nghe ứng viên kể là các quyết định và trải nghiệm quan trọng tác động lên con người thật của ứng viên chứ không phải là một bảng lý lịch tóm tắt. Thay vì lượt qua những công việc hay vị trí đã trải qua, ứng viên nào nhấn mạnh các cột mốc trong cuộc đời kèm theo lý do vì sao họ xem đó là cột mốc sẽ dễ tạo ấn tượng tốt hơn. Như thế, phẩm chất CEO Airbnb tìm kiếm không phải là sự tận tụy theo kiểu bàn giấy mà là sự đột phá dựa vào tính quyết đoán của từng cá nhân.

Chủ tịch quỹ Posse, Deborah Bial thì thích bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng các câu chuyện tán gẫu, kiểu như hôm nay báo nói gì. Nhìn qua thì cách phỏng vấn này nhằm đánh giá xem ứng viên có phải là một con người thú vị, có thể tình cờ gặp ở sân bay và kết bạn được chứ không phải để tìm một nhân viên tốt. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của người hỏi, họ sẽ đo lường xem ứng viên có phải là người sẵn sàng có ý kiến chứ không phải là người tiếp nhận thông tin một cách thụ động.

CEO một công ty thường ít khi trực tiếp phỏng vấn các nhân viên tương lai, trừ phi đang tuyển nhân sự cao cấp. Chính vì thế phong cách phỏng vấn của các CEO rất đa dạng. Có người nghiêm túc đặt ra một vấn đề chính họ đang đương đầu để hỏi ứng viên suy nghĩ cách giải quyết. Đó là một CEO đang tìm kiếm một cộng sự giúp họ san sẻ gánh nặng. Có người hỏi đùa xem lần ăn mặc theo kiểu dị hợm gần đây nhất là khi nào. CEO này muốn đo lường thái độ của người được phỏng vấn, xem thử họ có óc khôi hài hay không…

Với các ứng viên tìm việc, các CEO này cho biết họ không đặt nặng vào nội dung câu trả lời mà chú tâm hơn vào cách trả lời. Thậm chí với nhiều CEO, lời giải đã có ngay khi ứng viên xuất hiện chưa trả lời câu nào vì trước đó họ đã quan sát cách ứng viên giao tiếp với nhân viên tiếp tân, người mời nước, có nhặt đống giấy tờ cố ý đặt nằm trên lối đi vào bàn phỏng vấn hay không. Những điều này nói lên nhiều điều hơn cả câu trả lời trau chuốt trong buổi phỏng vấn chính thức.

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Phỏng vấn bằng ba câu hỏi

(https://www.thesaigontimes.vn/292781/phong-van-bang-ba-cau-hoi.html)

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *