Trung Hiếu/ Báo ANTĐ
Ngày 7-9, Tạp chí điện tử Nhà đầu tư đã tổ chức buổi tọa đàm “Làm gì để có thương hiệu mạnh?”, nhằm tạo ra diễn đàn cho các chuyên gia và đại diện những thương hiệu nổi bật của Việt Nam chia sẻ ý kiến, chiến lược quý báu.
Sáng 7-9, buổi tọa đàm “Làm gì để có thương hiệu mạnh?” đã diễn ra, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, học giả, doanh nhân và nhà văn hóa uy tín. Trong đó, có GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DNĐTNN, ông Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, ông Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lực thương hiệu và cạnh tranh, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cùng nhiều vị đại diện của các thương hiệu lớn khác tại Việt Nam (Vingroup, TH True Milk, TPBank…).
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư – khẳng định, buổi tọa đàm là dịp để mọi người chia sẻ mọi thông tin xoay quanh các thương hiệu mạnh của Việt Nam, cũng như giải quyết vấn đề của những thương hiệu Việt từng mạnh trong một giai đoạn, rồi sau đó bị các công ty đa quốc gia thâu tóm.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation – đã mang tới khái niệm mới thu hút sự quan tâm của mọi người: Thương hiệu mạnh là thương hiệu mang tính nhân bản, tạo ra kết nối chặt chẽ với khách hàng.
Cụ thể hơn, theo ông Vinh, để tạo ra thương hiệu mạnh, doanh nghiệp cần thổi hồn cho thương hiệu, để thương hiệu đó trở thành một “con người” thực thể, có tính cách, nhân cách, có khả năng giao tiếp, tạo mối quan hệ với khách hàng.
Trong khi đó, chia sẻ trên góc độ người tiêu dùng, nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng, doanh nghiệp sẽ có thương hiệu mạnh khi đặt khách hàng ở vị trí trung tâm, và “nói thật” để khách hàng tin vào sản phẩm/dịch vụ của họ.
“Không gì khôn ngoan hơn sự thật thà luôn đúng trong câu chuyện phát triển của doanh nghiệp và thương hiệu”, nhà văn Tạ Duy Anh bày tỏ.
Đồng tình với 2 quan điểm trên, bà Trần Uyên Phương đã thu hút sự chú ý của hội trường khi tiết lộ rằng, Tân Hiệp Phát đã chuẩn bị chiến lược công nghệ và phát triển doanh nghiệp theo xu hướng đó từ 10 năm trước, để gặt hái được thành công như ngày hôm nay.
Theo bà Trần Uyên Phương, với tầm nhìn của mình, Tân Hiệp Phát đã định vị phân khúc khai thác là các dòng sản phẩm nước giải khát có lợi cho sức khỏe, như trà xanh, trà thảo mộc, nước tăng lực… thay vì đầu tư vào phân khúc nước có gas mà các công ty đa quốc gia đang chiếm ưu thế.
Với chiến lược đặt khách hàng vào trọng tâm và hướng tới mục tiêu tạo ra những sản phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, Tân Hiệp Phát đã xây dựng được một thương hiệu mạnh, có tính nhân bản và kết nối chặt chẽ với khách hàng.
“Những điều mà các chuyên gia truyền thông và thương hiệu chia sẻ đều nằm trong chiến lược của Tân Hiệp Phát từ trước. Những gì chúng tôi đã thực hiện nhất quán trong suốt 25 năm qua, và chúng tôi tin tưởng việc xây dựng nên một thương hiệu mạnh, bền vững của quốc gia, cũng như ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế, trong hành trình tới 100 năm”, bà Trần Uyên Phương khẳng định.
Tọa đàm “Làm gì để có thương hiệu mạnh?” đã kéo dài hơn so với kế hoạch ban đầu, do nhiều chuyên gia, học giả và đại diện doanh nghiệp hào hứng chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng thương hiệu, nhằm hướng tới mục tiêu chung là góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.
NGUỒN: Theo Báo An Ninh Thủ Đô
Lịnk bài: Nhiều chia sẻ thú vị…
(https://anninhthudo.vn/kinh-