Trần Quí Thanh
—–
Anh Thanh quí mến!
Cảm ơn anh đã trả lời rất nhanh thư của tôi (bài đăng ở blog Trần Quí Thanh ngày 6/9). Tôi rất phấn khởi liền gửi tiếp anh một thư nữa, mong anh chia sẻ giùm tôi cùng các mới bước đầu khởi nghiệp.
Thưa anh, hiện nay chuyển đổi số như một yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Nhưng ý nghĩa chuyển đổi số là gì, vì sao bắt buộc phải chuyển đổi số thì thấy ít được nói rõ.
Xin anh chỉ dẫn giùm cho tụi trẻ, nhất là những vấn đềcốt lõi để chuyển đổi số thành công.
Chúc anh mạnh giỏi thật nhiều.
Lê Đình Lực (Sài Gòn): dinhluc1957_tphcm@gmail.com
—–
Anh Lê Đình Lực mến!
Chuyển đổi số – Digital Transformation là một xu thế tất yếu của xã hội hiện đại, không chỉ đối với cộng dồng doanh nghiệp và với cộng đồng xã hội, các tổ chức và cả hệ thống chính quyền. Chúng ta thường nghe nhắc đến Chính phủ điện tử hay Chính quyền điện tử chính là hình thức số hoá hoạt động của bộ máy công quyền.
Tuy nhiên, không phải cứ áp dụng công nghệ để thực hiện chuyển đổi số một cách máy móc là mang lại thành công, mà tuỳ thuộc vào thực tế của từng đơn vị, từng tổ chức, từng doanh nghiệp để áp dụng phù hợp. Điều nguy hiểm của số hoá hay áp dụng công nghệ mới chính là ở chỗ chạy theo phong trào, làm mà không biết mình làm gì, mục đích của áp dụng công nghệ là gì, không đánh giá đúng thực lực cả bản thân doanh nghiệp hay tổ chức để triển khai công nghệ mới.
Về chuyển đổi số, trước hết hãy xem xét chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp để tính toán thời điểm áp dụng công nghệ. Tuỳ theo yêu cầu của chiến lược kinh doanh để cải thiện hệ thống. Từng sự thay đổi đều cần tính thích nghi, không đảo lộn hoạt động, thay đổi để tiến bộ, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, không phải là lực cản.
Thay đổi công nghệ hay số hoá phải tính đến nguồn lực của doanh nghiệp. Thường thì doanh nghiệp outsouce, chuyên gia bên ngoài thiết kế mô hình và lắp ráp cho mình như một loại dịch vụ. Vì vậy, thường có những điểm, những điều không thực tế, không phù hợp với doanh nghiệp. Cho nên, khi chuyển đổi số, chính những chuyên gia của đơn vị là nguồn lực quan trọng, tham gia vào quá trình thiết kế, tư vấn, thì mới cho ra một hệ thống phù hợp, mang lại hiệu quả. Vậy thì chúng ta đã có trong tay những chuyên gia làm cán nộ khung cho quá trình chuyển đổi hay chưa?
Chuyển đổi số không theo kiểu áp đặt, duy ý chí, mà chuẩn bị một lực lượng cán bộ, nhân viên tương thích với hệ thống, tương tác được với hệ thống. Nếu như công nghệ cao mà trình độ con người thấp thì vô ích. Tui xin mở rộng thông tin, hiện nay một số địa phương xây dựng chính quyền điện tử, nhưng nhiều cán bộ trong hệ thống mù công nghệ thông tin, vậy thì cái mô hình thiết kế ra đó không phát huy được hiệu quả.
Có không ít nơi, việc số hoá không thành công là vì chính lực lượng tại chỗ không ủng hộ. Họ chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng về kỹ năng, trình độ để hội nhập vào hệ thống công nghệ mới nên họ lo lắng bị loại trừ. Vậy thì phải đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp cho doanh nghiệp trước khi số hoá.
Một điểm nữa là sự tương tác. Khách hàng, đối tác của doanh nghiệp là đối tượng tương tác, vậy thì khi số hoá phải tính tới các đối tượng liên quan. Tương tự như chính quyền điện tử, số hoá các hoạt động nhưng người dân cũng phải tương tác được. Ví dụ như công dân tại TPHCM phải vào mạng được để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp hay làm hộ chiếu. Nếu như số hoá mà người dân không tham gia được vào hệ thống thì chính quyền cũng phải vận hành thủ công.
Doanh nghiệp và các tổ chức khác cũng vậy thôi.
Chúc anh thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)