Hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước: nghẽn ở… CEO

Võ Đình Trí/ Báo TBKTSG

—–

Song song với việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì cần có những tổng giám đốc/giám đốc (CEO) thực thụ ở các DNNN. Khi mục tiêu đã được xác lập, việc còn lại là có quyết tâm chính trị làm hay không.

Sau Nghị quyết số 12-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN(1), nhiều văn bản pháp lý, chỉ đạo đã được ban hành bởi Quốc hội, Chính phủ. Tuy vậy, việc cải tổ mạnh mẽ DNNN dường như chỉ được thực hiện trên giấy tờ. Cho đến nay, hiệu quả của nhiều DNNN rất thấp so với nguồn lực được đầu tư, có khi còn là gánh nặng của ngân sách.

Rất nhiều CEO của DNNN hiện nay đội cả ba chiếc mũ: đại diện vốn của Nhà nước (hội đồng quản trị), điều hành doanh nghiệp, và lãnh đạo tổ chức Đảng ở doanh nghiệp. Ảnh Lê Anh.

Vai trò mờ nhạt của CEO… 3 trong 1

Một thực tế hiện nay, mặc dù tính trung bình, các DNNN có quy mô về doanh thu và tài sản lớn hơn so với các khu vực kinh tế khác nhưng một số chỉ số hiệu quả như doanh thu/vốn, lợi nhuận/tài sản (ROA) lại thấp. Nhiều doanh nghiệp có ROA còn thấp hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, thậm chí lạm phát trong năm.

Rất nhiều CEO của DNNN hiện nay đội cả ba chiếc mũ: đại diện vốn của Nhà nước (hội đồng thành viên/hội đồng quản trị), điều hành doanh nghiệp, và lãnh đạo tổ chức Đảng ở doanh nghiệp. Vừa là chủ vừa là người điều hành thì động lực cho việc quan tâm đến vấn đề người đại diện (principal-agent problem) là không có.

Với chiếc mũ thứ ba là lãnh đạo tổ chức Đảng ở doanh nghiệp, vị trí này đòi hỏi nhiều kỹ năng chính trị và phần lớn các CEO DNNN giỏi việc này hơn là lãnh đạo điều hành doanh nghiệp theo mục tiêu hiệu quả và tăng trưởng. Những khéo léo, kết nối về chính trị vẫn giúp được các CEO giữ được vị trí của mình, và giữ cho doanh nghiệp được tồn tại. Điều này khiến cho nhiều CEO chủ quan, tập trung và đầu tư nhiều hơn cho các kỹ năng chính trị thay vì các kỹ năng lãnh đạo, điều hành của một CEO thực thụ để đưa doanh nghiệp đi lên. 

CEO trong chiếc áo chật thể chế

Nhưng các CEO DNNN không hoàn toàn là cá mè một lứa. Vẫn có những CEO ngày đêm trăn trở để đưa doanh nghiệp đi lên, đảm bảo ngày càng tốt hơn đời sống của người lao động, có trách nhiệm cao với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Có điều, những CEO này thường là những người bị cảm thấy bức bối, chật chội trong khung thể chế hiện hành. Đó là những bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật, các hướng dẫn mà cho đến nay, bàn bạc nhiều nhưng vẫn chưa giải quyết rốt ráo. Thêm vào đó, việc áp dụng, thực thi các quy định còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đại diện cơ quan quản lý nhà nước, dễ xảy ra trường hợp “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt”. Sự chật chội của thể chế còn có ở sự lạm quyền can thiệp trong chỉ đạo của cấp quản lý bên trên, cả về mặt Đảng lẫn chính quyền.

Thực tế như vậy khiến cho các CEO muốn làm tốt, đột phá cũng phải ngại ngần vì sợ vướng sai phạm, mà bẫy sai phạm thì nhiều vô kể vì các quy định chồng chéo, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa kịp sửa đổi. Từ đó, tâm lý chủ yếu là cầu toàn, an phận, hoàn thành các chỉ tiêu về chính trị hơn là chỉ tiêu sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Để CEO thực sự là một thuyền trưởng giỏi

DNNN giữ vai trò then chốt trong một số ngành, lĩnh vực là chủ trương đúng đắn cần quán triệt và thực hiện hiệu quả. Việc cải tổ sắp xếp các DNNN không hiệu quả, không còn giữ vai trò trọng yếu cần quyết liệt hơn và có thời hạn cụ thể rõ ràng. Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cấu trúc thì việc tìm kiếm, bổ nhiệm CEO thực thụ cho DNNN là điều cần làm gấp và ưu tiên.

Thực ra từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc hội đồng thành viên/hội đồng quản trị các DNNN được thuê CEO, nhưng cho đến nay vẫn còn bế tắc. Ở một số DNNN, đã có hợp đồng ủy quyền đối với người đại diện phần vốn nhà nước, có chế độ hợp đồng lao động với CEO doanh nghiệp thành viên nhưng việc này vẫn là hình thức.

Vì thế, muốn các DNNN có CEO thực sự như một thuyền trưởng giỏi để điều hành, dẫn dắt doanh nghiệp thì phải làm các việc như sau.

Thứ nhất, phải có hợp đồng quy định quyền và trách nhiệm cụ thể của CEO, so với các doanh nghiệp cùng ngành, từ các khu vực kinh tế khác, trong nước và trong khu vực ASEAN. Cơ chế thưởng phạt rõ ràng, dựa trên hiệu quả kinh doanh và có thể bãi nhiệm khi không đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ hai, cần tách bạch giữa vai trò chủ sở hữu (đại diện vốn nhà nước), người điều hành, và vai trò chính trị trong tổ chức. Chủ tịch hội đồng thành viên/hội đồng quản trị và người đứng đầu tổ chức Đảng ở doanh nghiệp có thể là một, nhưng CEO nên là một người khác, độc lập, được tuyển chọn và bổ nhiệm hay sa thải qua cạnh tranh công khai minh bạch.

Thứ ba, sự can thiệp (nếu có) về mặt chính trị chỉ được liên quan đến hiệu quả của doanh nghiệp, CEO cần được tự chủ nhiều nhất có thể và chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo điều hành của mình. Ở nhiều nước phát triển, vị trí CEO của các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn nhà nước đều là những người có năng lực thật sự, tốt nghiệp từ những trường danh giá, và được lựa chọn bổ nhiệm vì sự phát triển của doanh nghiệp, vì hình ảnh của quốc gia.

Cải tổ mạnh mẽ DNNN là việc cấp bách mà Đảng và Chính phủ cần ưu tiên quyết liệt, càng chậm trễ thì thiệt hại về kinh tế càng lớn. Tăng hiệu quả của các DNNN là tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, góp phần lớn vào tăng trưởng và đảm bảo tốt hơn các chính sách an sinh xã hội. 

(1) Bao gồm công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước; công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn nhà nước lớn hơn 50%; toàn bộ các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thành viên cấp 1, 2, 3, 4

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Hiệu quả của doanh nghiệp…

(https://www.thesaigontimes.vn/294216/hieu-qua-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-nghen-o-ceo-.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

One Comment

Bình luận

Required fields are marked *