Trần Quí Thanh
—–
Anh Trần Quí Thanh kính mến!
Em chỉ là một công chức nhỏ ở Hà Nội, đọc blog của anh rất thích, nhất là những bài viết trong đổi về nghề kinh doanh của anh với lớp trẻ. Em không còn trẻ để khởi nghiệp (46 tuổi rồi) nhưng vẫn quan tâm đến khu vực doanh nghiệp tư nhân. Gần đây có đọc báo em được biết có một quan điểm chỉ đạo đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân, là coi doanh nghiệp là khách hàng được phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý. Em vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ nên viết thư cho anh.
Anh có mừng không, quan điểm của anh về vấn đề này thế nào? Xin anh chỉ giáo ạ.
Kính anh
Phạm Đình Đạo (Hà Nội):dao_phamdinh1965@gmail.com
—–
Anh Phạm Đình Đạo mến!
Tui cũng có nghe đến thông tin này và mừng hết biết luôn đó anh. Xem “doanh nghiệp là khách hàng được phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý” quả thực là niềm mơ ước của cộng đồng doanh nghiệp bao nhiêu năm nay đó anh.
Đây là một khái niệm mới, và ngược lại hoàn toàn với tư duy quản lý từ trước đến nay. Nói thiệt nghe, quan điểm quản lý coi doanh nghiệp như đối tượng được ban phát “hồng phúc” của nhà nước đã ăn trong máu của cán bộ. Thử hỏi, cán bộ công chức coi doanh nghiệp như con vịt “để vặt” con heo “để thịt”, thì làm sao có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh được.
Khi xem doanh nghiệp là khách hàng, thì các cơ quan quản lý phải chăm sóc thật tốt để làm hài lòng khách hàng. Đây là tư duy rất tiến bộ, nó sẽ thay đổi căn bản thái độ ứng xử và phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức.
Và khi doanh nghiệp là khách hàng, thì chủ thể này có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các điều phục vụ tốt nhất, hiệu quả nhất, các sản phẩm quản lý có chất lượng nhất, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Xét cho cùng, cơ quan quản lý xem doanh nghiệp là khách hàng là công bằng. Bởi vì, càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lợi nhuận cao thì nhà nước thu thuế nhiều, dân càng giàu thì nước càng mạnh là vậy.
Nguồn thuế thu được từ doanh nghiệp bổ sung vào ngân sách, để phục vụ cho chi tiêu công, trong đó có trả lương cho đội ngũ cán bộ công chức. Vậy thì, doanh nghiệp chính là khách hàng chứ còn gì nữa phải không anh.
Vui thì cứ vui, nhưng thực tế hoàn toàn khác xa lý thuyết. Sẽ rất khó để thay đổi nhận thực của cán bộ công chức về việc xem doanh nghiệp là khách hàng được phục vụ, tư duy ban phát đã có trong máu cán bộ từ thời bao cấp đến nay rất khó thay đổi. Xoá bỏ được tư duy ban phát trong quản lý nhà nước không phải chuyện dễ dàng.
Muốn làm được, chính đội ngũ lãnh đạo phải thực hiện kiên quyết, đồng thời xây dựng các quy định pháp luật nhằm hiện thực hóa quan điểm tiến bộ này.
Chúc anh vui khỏe, có gì cứ meo cho tui nhé.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)