Hãy cứ nghĩ lớn, nghĩ khác và mơ ước lớn

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Theo Bizlive.vn

—–

Chú Thanh kính mến!

Đã lâu lắm rồi vợ chồng cháu không viết thư cho chú. Tuy vậy vẫn theo dõi blog của chú đều. Chúng cháu vừa đọc bài chú viết: “Đừng lấy công nghệ như phấn son trang điểm cho mình”. Vợ chồng cháu rất tâm đắc bài viêt này. Cho nên mới thư gởi chú đây ạ. Chú ơi, đọc báo thấy nói Việt Nam đang bùng nổ khởi nghiệp công nghệ. Theo chú đây là điều đáng mừng hay đáng lo, vì cái gì cũng có mặt trái của nó, phải không chú? Rất mong chú giải đáp ạ.

Kính chúc chú vạn an.

Thu Cúc – Tiến Dũng (Nha Trang): cucdung11@gmail.com

—–

Thu Cúc – Tiến Dũng mến!

Thực  tế là Việt Nam đang có một phong trào khởi nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp về công nghệ, đó là một tín hiệu vui, còn bùng nổ thì càng tốt.

Bài viết “Đừng lấy công nghệ làm phân son trang điểm cho mình” của bác có nội dung khác, đó là khuyên các doanh nghiệp, kể cả các tổ chức, cơ quan chính quyền, không nên quá lạm dụng vào các sản phẩm AI, số hóa, trong khi bản thân đơn vị đó không có nền tảng về nguồn nhân lực và công nghệ thông tin, dữ liệu, thì việc số hóa sẽ không hiệu quả.

Còn đề tài các cháu đặt ra là khởi nghiệp bằng các sản phẩm công nghệ, một chìa khóa cho Việt Nam phát triển, đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Và đây chính là một trào lưu, một xu hướng của các bạn trẻ giỏi công nghệ của Việt Nam.

Gần đây, các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đều nói đến phát triển công nghệ, lấy các sản phẩm công nghệ làm mũi nhọn và đưa ra các đánh giá tích cực về nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam.  “Make in Việt Nam” chính là slogan của triết lý phát triển sản phẩm công nghệ của Việt Nam.

Các bạn còn nhớ Nguyễn Hà Đông với sản phẩm Flappy Bird đã gây sốt trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Và chúng ta có nhiều chàng trai Việt “quái kiệt” như thế, nên có quyền hy vọng vào một sản phẩm đột phá làm thay đổi đất nước.

Chúng ta không chỉ có Nguyễn Hà Đông mà còn nhiều nhân vật công nghệ dữ dằn khác như Lê Viết Quốc, tầm thế giới, không phải là tầm quốc gia.

Tuy nhiên, muốn đầu tư vào công nghệ cần có nguồn vốn, muốn các nhà đầu tư tham gia hỗ trợ thì phải có những sản phẩm có triển vọng, xuất sắc, còn khởi nghiệp công nghệ nhưng chỉ là hư danh, thì chỉ kiếm cơm đủ ăn cũng đã khó.

Có điều, quy luật của thị trường và chọn lọc của xã hội luôn tồn tại, có hàng ngàn start up công nghệ, nhưng sống sót cũng chỉ chục phần trăm. Trong số đó, nếu có được những doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có giá trị tầm toàn cầu, thì cũng đủ để xoay chuyển một phần gương mặt công nghệ của Việt Nam và đóng góp có hiệu quả cho nền kinh tế đất nước.

Nước Mỹ to lớn đến vậy, nhưng chỉ cần những gương mặt như Bill Gates, Steve Jobs, cũng đủ tạo ra những làn sóng công ngệ vũ bão cho hành tinh này.

Hãy cứ nghĩ lớn, nghĩ khác và mơ ước lớn. Cho nên phải ủng hộ khởi nghiệp công nghệ, có làm để có thể tạo ra được sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, còn hơn suốt đời tụt hậu và phụ thuộc vào công nghệ.

Chúc hai cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

5/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *