Nguyễn Đăng Anh Thi/ Báo Người Đô Thị
—–
Ngay khi điện thoại hiển thị thông báo bản tin “Anh phát hiện 39 thi thể trong xe container”, một câu hỏi phát ra trong đầu tôi như theo phản xạ: có người Việt nào không?
“Trước hết là xin visa để bay qua Mexico, rồi đi đường bộ đến biên giới Mỹ. Sau đó, tìm cách đến gần nơi có lính biên phòng Mỹ canh gác rồi nhảy ra, hai tay đầu hàng và hô lớn: “Tôi xin tỵ nạn!” Thế là Mỹ sẽ cho nhập cư!” Tôi cười suýt té ghế vì không thể tin nổi vợ chồng đứa em bà con đã ở Mỹ trên 25 năm lại hồn nhiên nói về kế hoạch định cư giá 50.000 USD cho một người quen ở quê. Điều đó làm tôi cảm nhận rằng không chỉ ở trong nước, ngay cả những người Việt ở nước ngoài lâu năm vẫn ảo tưởng về sự dễ dàng trong việc định cư tại các nước phát triển.
Với hệ thống giáo dục và y tế tiên tiến, cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường sống trong lành, chính sách an sinh xã hội nhân văn…, các nước phát triển luôn là thỏi nam châm thu hút những người nhập cư khắp thế giới. Đó là quy luật tự nhiên, như câu nói “Đất lành chim đậu”.
Tôi được may mắn ở trong số hàng trăm ngàn người khắp thế giới đến Canada mỗi năm theo các chương trình định cư của chính phủ nước này. Tôi đi làm, đóng thuế đầy đủ và đổi lại, được thụ hưởng những điều ấy như những công dân Canada, chẳng hạn như con cái đi học phổ thông ở trường công hoàn toàn miễn phí.
Qua lời đường mật của những kẻ buôn người, hay những cái bánh vẽ to tướng của các dịch vụ tư vấn định cư, các quốc gia phát triển này được mệnh danh là “miền đất hứa”. |
Tuy vậy, với những người nhập cư bất hợp pháp, cơ hội để họ thật sự thụ hưởng những mặt ưu việt vừa kể tại những quốc gia phát triển như khối EU, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Nhật, Hàn… là rất hiếm hoi. Ở trong nước, vẻ hào nhoáng vật chất của những gia đình có thân nhân gởi tiền về từ nước ngoài dường như đã tạo ra một suy nghĩ mặc định trong xã hội: “ở nước ngoài, sướng quá”! Ít ai thấy, và cũng ít ai nói tới, rằng cuộc sống của những người mang phận nhập cư bất hợp pháp nơi xứ người nó khó khăn, thiệt thòi, cay đắng và nhiều rủi ro đến mức nào.
Qua lời đường mật của những kẻ buôn người, hay những cái bánh vẽ to tướng của các dịch vụ tư vấn định cư, các quốc gia phát triển này được mệnh danh là “miền đất hứa”. Thực tế, hòn đất vô tri không bao giờ biết hứa. Chỉ có những con người kiếm tiền trên xương máu của đồng loại, trên nỗi đau của đồng bào mới chính là những người “hứa thật nhiều, mà thất hứa cũng thật nhiều”.
Tại một ngôi làng ở trong lòng châu Âu, tôi từng chứng kiến một nhóm cả chục thanh niên người Việt buôn bán và sinh hoạt không khác gì như đang ở làng quê ở miền Bắc Việt Nam. “Các anh làm sao qua được đây đông thế?”, tôi hỏi. “Ôi thiếu gì cách anh ơi, có gan và có tiền là đi được hết!”. “Có gan là sao?”, tôi lại hỏi. “Anh có nhớ ngày xưa Tôn Sĩ Nghị chui ống đồng không? Bọn tôi cũng toàn chui ống đồng cả đấy!”, một thanh niên trả lời.
Cả nhóm cười ồ, xoay tua uống cạn những chén rượu trắng tự nấu. Nhưng trong tiếng cười của họ, tôi vẫn cảm nhận sự đắng cay. “Chui ống đồng” là tiếng lóng về con đường nhập cư lậu bằng container, thùng xe tải hoặc cốp xe ô tô, một lựa chọn có thể đánh đổi bằng mạng sống. Hỏi chuyện tương lai, câu trả lời chung là “Từ từ tính tiếp, miễn sang được đây và làm có tiền gởi về quê là may mắn lắm rồi”.
Dường như “làm có tiền gởi về quê” là mục tiêu tối hậu và cũng là lời bào chữa bất khả tranh nghị của những người nhập cư bất hợp pháp. Không giấy phép làm việc, họ không thể có được những công việc chính thức. Nghĩa là, họ phải chấp nhận rất nhiều thiệt thòi như đồng lương thấp, không được mua bảo hiểm, công việc không ổn định, hay bị phân biệt đối xử mà không được một tổ chức, nghiệp đoàn nào bảo vệ. Khi đau ốm, họ cũng không dám đi bệnh viện chữa trị vì không có bảo hiểm y tế và sợ lộ tung tích. Đó là chưa kể cảm giác nơm nớp bị cảnh sát bắt và trục xuất bất cứ lúc nào. Sống trong những điều kiện thách thức thần kinh như thế, cơ hội nào để tận hưởng miền đất hứa?
Nhưng thực tế ấy không ngăn được những cơn sóng ngầm của dòng người ra đi bất hợp pháp. Trên các diễn đàn của người Việt xa xứ, không thiếu những câu hỏi từ trong nước nhờ kiểm tra và xác thực những lời quảng cáo có cánh của những kẻ vô lương tâm. Những người ra đi là ai? Người nghèo là đa số. Riêng những người “đi nhờ chuyên cơ” thì tôi không rõ họ giàu hay nghèo.
Như một canh bạc cuộc đời, những người nghèo sẵn sàng vay mượn vài chục ngàn USD để hiện thực hóa giấc mơ đặt chân đến miền đất hứa rồi… “tính tiếp”. “Chui ống đồng” cũng có, sử dụng visa du lịch rồi trốn ở lại cũng có. Sẽ là võ đoán để bất cứ ai trong chúng ta phán xét họ. Cũng cần nhắc lại, họ sẵn sàng đánh đổi sự an nguy của bản thân, kể cả mạng sống để đến những nơi hoàn toàn xa lạ. Ở nơi đó, họ lặng thầm sống bên lề xã hội. Lạc lõng và bơ vơ vì ngôn ngữ, văn hóa và lối sống khác hoàn toàn, họ chấp nhận hết, chỉ mong “có tiền gởi về quê”.
Tất cả mọi việc đều có những nguyên nhân của nó. Liệu có ai sẽ tìm hiểu thấu đáo những nguyên nhân này, và tìm cách giải quyết tận gốc rễ những nguyên nhân ấy?
Tôi cũng mong người dân trong nước luôn tỉnh táo trước những viễn cảnh tốt đẹp vốn nằm ngoài tầm với và chỉ là ảo mộng cho những ai chọn con đường mưu sinh bên lề xã hội phát triển. Chẳng có hạnh phúc nào mà không phải trả giá. Ở vế ngược lại, ngay cả khi phải trả một giá quá đắt, thì hạnh phúc không chắc sẽ có nếu chọn sai con đường.
Nguyễn Đăng Anh Thi
(Thạc sỹ ngành Quản lý công nghệ năng lượng sạch, Đại học British Columbia, Canada; Thạc sỹ Công nghệ môi trường, Viện tài nguyên và môi trường TP.HCM)
NGUỒN: Theo Báo Người Đô Thị online
Link bài: Ảo tưởng miền đất hứa
(https://nguoidothi.net.vn/ao-