Trần Quí Thanh
—–
Đại biểu Ngô Sách Thực (tỉnh Bắc Giang) cho rằng, việc xử lý vi phạm về môi trường còn “xuề xòa”, chưa đủ mạnh để răn đe, ý kiến được đưa ra tại diễn đàn Quốc hội ngày 5.11.
Tui xin được góp tiếng nói ủng hộ quan điểm của đại biểu Ngô Sách Thực.
Gần đây, những diễn biến rất xấu về ô nhiễm môi trường là sự cảnh báo khẩn thiết đối với chúng ta. Hà Nội có mức độ ô nhiễm rất cao, Tp.HCM cũng không hơn gì, đó là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người.
Khói bụi do xe cộ xả thải, con người xả rác, thêm vào đó là rừng bị tàn phá, tất cả tạo ra khủng hoảng môi trường nghiêm trọng. Ai cũng có thể nhận thức được điều dó, nhưng hành động để bảo vệ môi trường thì chưa nhiều.
Cũng có những hoạt động cộng đồng kêu gọi bảo vệ môi trường nhưng phải tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn để lan tỏa trong xã hội. Mới đây, con gái của tui – Trần Uyên Phương cùng 6.000 người tham gia giải chạy Long Biên Marathon 2019 mang thông điệp “Không để nhựa thành rác – chạy cho ngày mai xanh” và tham gia đóng góp ý tưởng bảo vệ môi trường. Tui thấy các hoạt động này quá hay, có tác động tích cực vào nhận thức của cộng đồng. Từ đó, hạn chế được các hành vi tiêu cực đối với môi trường.
Lụt lội, nước ngập hầu như ở tất cả các địa phương, không riêng gì Tp.HCM, Hà Nội, mà các tỉnh miền núi, hải đảo như Phú Quốc, Đắk Lắk, Lâm Đồng vừa qua đã chịu các trận ngập lụt kinh hoàng. Đó là giá phải trả cho những tác động tiêu cực của con người đối với thiên nhiên.
Thêm vào đó, không ít cơ sở sản xuất lén lút đổ chất thải chưa qua xử lý ra sông suối, có doanh nghiệp còn đi “phi tang” các loại rác thải bằng cách chôn lấp sơ sài. Những thứ đó ngấm vào đất, vào nguồn nước, sẽ trở lại với mâm cơm, thức ăn, nước uống. Đó là câu trả lời vì sao bệnh nhân nằm chất lớp ở các bệnh viện ung bướu.
Phá hoại môi trường gây hậu quả rất lớn, nhưng xử phạt lại không tương xứng, cho nên nhiều cá nhân, tổ chức xem thường. Thậm chí, không ít trường hợp chấp nhận chịu phạt vì “giá” rẻ hơn đầu tư cho việc xử lý nước thải và các loại chất thải khác.
Thực tế này cho thấy quy định chế tài chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.
Đừng chỉ cậy vào tuyên truyền, giáo dục về nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, mà phải đưa ra quy định xử phạt ở mức cao. Dân ở đâu cũng vậy thôi, chỉ có luật pháp mới đưa con người vào khuôn thước, còn lơi lỏng thì sẽ bị xem thường.
Đã đến lúc cơ quan lập pháp sửa đổi, bổ sung các quy định chế tài trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường để đủ súc răn đe, ngăn chặn các loại tội phạm phá hoại môi trường.
Phát triển kinh tế nhưng phải bền vững, con người được ăn sạch, uống sạch, thở sạch.
Sài Gòn Ngày 07/11/2019
TQT
Bài đọc thêm Link: Cần mạnh tay hơn với tội phạm phá hoại môi trường
(https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/can-manh-tay-hon-voi-toi-pham-pha-hoai-moi-truong-168619/)