Trần Quí Thanh
Những xung đột pháp lý của các văn bản luật vẫn đang tồn tại trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đó là một trong những vấn đề từng được các chuyên gia pháp luật nêu ra.
Và còn nữa, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật trái luật. Năm 2017, có tới 5.639 văn bản trái luật được các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành. Con số này có thể thấp hơn ở các năm sau, nhưng nó vẫn còn nhiều, ảnh hưởng đến toàn xã hội. Trong số đó, có những quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhưng nếu gặp những văn bản quy phạm pháp luật trái luật thì xử ngay, còn có những văn bản không trái luật nhưng không phù hợp, loại này khó xử hơn.
Ví dụ mới đây, tại phiên họp ngày 31.10 của Quốc hội, đại biểu Võ Như Hoa chỉ ra những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của pháp luật. Cụ thể là Nghị định 43/2014 quy định các trường hợp được xem là bất khả kháng, ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư gồm: do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường, hảo hoạn, dịch bệnh, chiến tranh.
Nhưng trên thực tế nhiều dự án đầu tư bị chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng xuất phát từ các quyết định của cơ quan nhà nước như điều chỉnh quy hoạch, thanh tra, kiểm tra… nhưng các nguyên nhân này lại không được xem là bất khả kháng; và dù không phải lỗi của nhà đầu tư, họ vẫn bị xử lý do chậm đưa đất vào sử dụng, thậm chí bị thu hồi đất.
Như vậy, rõ ràng thực tế cho thấy không chỉ thiên tai hay thảm họa thiên nhiên, mà các loại thanh kiểm tra và ứng xử của cơ quan chính quyền cũng có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, vậy thì cũng phải tính đó như một loại “bất khả kháng” tương tự như thảm họa. Nếu không thì xử oan cho doanh nghiệp.
Một khía cạnh khác là quy định không chặt chẽ, tạo cơ hội cho lợi ích nhóm. Bà Võ Như Hoa cũng chỉ ra một số văn bản dưới luật đang cho phép nhà đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không có ràng buộc kèm theo. Đó là lý do có nhiều nhà đầu tư lập dự án để có được quyền sử dụng đất, sau đó chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác để kiếm lời.
Không chỉ ví dụ trên, còn có những quy định tương tự, trong đó có bóng dáng của lợi ích nhóm. Giao dự án cho “thân hữu”, sau đó chuyển nhượng để kiếm lợi chia chác cho nhau.
Một xã hội nghị định, thông tư là xã hội mà chúng ta đang sống. Có nghĩa là sau khi có đạo luật thì vẫn chưa áp dụng được vào đời sống, mà cần phải có nghị định, thông tư hướng dẫn. Có những bộ luật phải gánh thêm vài chục nghị định và thông tư kèm theo.
Như vậy, quyền hành pháp của Chính phủ và của các cơ quan của Chính phủ lại được chen thêm quyền lập pháp. Và không thể tránh được việc xây dựng các quy phạm pháp luật có lợi cho chính cơ quan hành pháp, thậm chí cục bộ cho một bộ, ngành.
Không chỉ thế, mà có nhiều dự án luật do các cơ quan của Chính phủ dự thảo, sau đó trình Quốc hội thông qua. Đây là điểm rất không ổn của việc xây dựng luật. Cơ quan hành pháp biên soạn luật thì liệu có khách quan hay không và tại sao Quốc hội không chủ động để làm trọn vẹn trách nhiệm lập pháp của mình?
Bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật có nguyên nhân từ bất cập nêu trên. Hy vọng Quốc hội sẽ có biện pháp giải quyết, chủ động xây dựng luật mà không cậy vào cơ quan hành pháp.
Và có lẽ đầu tiên là Quốc hội phải có một đội ngũ đại biểu chuyên nghiệp, có trình độ nghiên cứu, tinh thông pháp luật, cùng với các chuyên gia pháp luật hàng đầu hỗ trợ. Đại biểu Quốc hội mà phần lớn là bộ trưởng và lãnh đạo chính quyền các địa phương thì khó lòng thực hiện tốt vai trò lập pháp.
Sài Gòn ngày 11/11/2019
TQT