Trần Quí Thanh
Chào anh Dr Thanh!
Cảm ơn anh đã trả lời rất nhanh thư của tôi. Những lời khuyên thật chí lí. Tôi đã gửi link bài viết của anh cho bốn đứa con của tôi. Chưa thấy chúng trả lời, chắc hãy còn suy ngẫm.
Thưa anh ngoài những nhầm tưởng như anh đã nói, còn những nhầm tưởng nào mà người trẻ khởi nghiệp thường hay mắc phải nữa không. Xin anh chỉ bảo ạ.
Cảm ơn anh lắm lắm.
Lê Thị Minh Lý (Sài Gòn): nguoigiasaigon1952@gmail.com
—–
Lê Thị Minh Lý mến!
Bài viết trước tui đã trao đổi với chị, khởi nghiệp phải có hai điều căn bản, một là phải có sản phẩm vượt trội, hai là phải có chí dấn thân trên thương trường. Nếu như các cháu hiểu sâu và thực hiện quyết liệt thì đã có sự khác biệt.
Bài viết này, tui chia sẻ thêm mấy ý sau:
Một start up có sản phẩm riêng biệt, nhưng đừng nghĩ cái của mình có là số 1, mình là siêu sao, mà phải quan sát, tìm hiểu thật kỹ tất cả các sản phẩm hiện có trên thị trường. Nếu như cứ cho mình là nhất, để rồi không tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn và kinh nghiệm thương trường, thì chắc chắn sẽ thất bại.
Nói thẳng thế này, đừng tưởng cứ ba hoa là các nhà đầu tư vác vốn đến cho mình, mà chính sản phẩm đó có sức thuyết phục nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư không nghe những lời hoa mỹ, mà nghiên cứu kỹ sản phẩm, khả năng cạnh tranh thị trường, năng lực của cá nhân người khởi nghiệp và cộng sự. Khi các tiêu chí đó được chấm điểm cao, họ mới bỏ vốn.
Thứ hai, kinh doanh là có cạnh tranh. Vậy thì sản phẩm của mình sẽ cạnh tranh với sản phẩm nào hiện có trên thị trường. Tui xin lấy chính Tân Hiệp Phát để làm ví dụ, khi sản xuất ra các sản phẩm nước uống, đối thủ cạnh tranh khổng lồ là Coca, Pepsi. Và Tui phải biết sản phẩm của mình phải có những ưu điểm nào để có thể cạnh tranh với hai gã không lồ này. Hiện nay, Tân Hiệp Phát đã có thị phần vượt qua Coca ở Việt Nam, đó là câu trả lời cho việc xác đinh đối thủ cạnh tranh và chiến lược của doanh nghiệp.
Nói thì dễ nhưng để làm được điều đó là kết quả cả một quá trình lăn lóc thương trường, dày dạn kinh nghiệm, có nguồn nhân lực chất lượng cao và có nguồn vốn dồi dào để thực hiện. Các start up trẻ mới bước chân vào thương trường cần phải học hỏi nhiều mới có thành tựu này.
Bài học xác định đối thủ và đề ra chiến lược cạnh tranh đúng luôn là bài học lớn. Nó phải có trong đầu của một nhà khởi nghiệp và phải tập trung hết sức lực, trí tuệ cho hai việc này.
Cám ơn chị đã theo dõi trang của tui, có gì cứ mạnh dạn gửi thư chị nhé.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)