Trần Quí Thanh
Anh Thanh quí mến!
Tôi rất tâm đắc bài viết : “Đừng lấy công nghệ như phấn son trang điểm cho mình” của anh dành cho tôi. Rất cảm ơn anh. Nay tôi lại gửi anh một vấn đề khác, đó là văn hoá doanh nghiệp. Người ta nói muốn có doanh nghiệp trăm tuổi cần phải xây dựng cái móng văn hoá doanh nghiệp thật vững chắc. Nhưng xây dựng văn hoá doanh nghiệp thế nào để nó là cái móng vững chắc? Đó mới là vấn đề anh ạ. Mong anh bỏ chút thời giờ trao đổi về vấn đề này, nếu có thể được, xin anh cho một dẫn chứng minh hoạ.
Chúc anh mạnh giỏi thật nhiều!
Lê Đình Lực (Sài Gòn): dinhluc1957_tphcm@gmail.com
—–
Văn hoá doanh nghiệp đã được nói từ lâu và bàn luận rất nhiều, nhưng thiệt lòng mà nói, có vẻ như chỉ là phong trào, thiếu thực chất. Không ít doanh nghiệp chỉ chú trọng cái vỏ bên ngoài hơn là chiều sâu của văn hoá.
Văn hoá doanh nghiệp cũng giống như văn hoá của một con người, không phải là cái hào nhoáng bên ngoài, ăn mặc hàng hiệu, đi xe đắt tiền. Mà là một người có kiến thức và thái độ ứng xử lịch thiệp, tôn trọng người khác, sống có chiều sâu nội tâm, bảo vệ lẽ phải, yêu thiên nhiên và có sức cảm thụ về cái đẹp, biết thưởng lãm và yêu nghệ thuật…
Một doanh nghiệp xây dựng văn hoá không phải là cái bên ngoài, bộ áo quần đồng phục, nhân viên nở nụ cười, vào ra chào hỏi nhau và khách hàng. Những việc đó không đem lại giá trị văn hoá và không phải nền tảng văn hoá của doanh nghiệp.
Văn hoá của doanh nghiệp gắn liền với triết lý doanh nghiêp. Triết lý nào văn hoá đó.
Xây dựng một doanh nghiệp với các hoạt động minh bạch, tất cả mọi thành viên, từ CEO cho đến nhân viên bình thường. Chính vì mục tiêu minh bạch, buộc mọi thứ phải công khai, trung thực, chính xác. Từng cá nhân biết rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trừ bí mật công nghệ và bí mật kinh doanh. Sự minh bạch sẽ cho thấy kết quả làm việc, sự đóng góp của từng người, ai cũng thấy rõ được sự đóng góp của mình, năng lực của mình. Không ai phê bình ai, nói sau lưng ai, khen ngợi ai không đúng, vì tất cả đã minh bạch.
Minh bạch là văn hoá, và minh bạch sẽ dẫn đến một hệ quả khác, đó là cá nhân được quyền nói lên tiếng nói của mình. Phát hiện ra điều chưa tốt cứ lên tiếng, tìm ra giải pháp hay cứ lên tiếng. Văn hoá này khuyến khích sáng tạo, bất cứ cá nhân nào cũng có trách nhiệm đóng góp cho doanh nghiệp và được ghi nhận, khen thưởng tương xứng.
Xây dựng văn hoá “dân chủ” thì đương nhiên phải bỏ đi quan hệ ông chủ – người làm. Quan hệ này quá cũ, lỗi thời và ngáng chân người tài. Đã ông chủ thì chỉ có đúng, phán, sai khiến, cấp dưới chỉ biết cúi đầu lắng nghe và làm theo. Còn văn hoá dân chủ sẽ xác lập vị trí độc lập và hợp tác của từng cá nhân. Ông chủ bỏ tiền nhưng cá nhân khác bỏ công sức, trí tuệ như một sự đóng góp đầu tư. Cách nghĩ và cách làm này xuất phát từ các công ty lớn của nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia, nhưng còn khá xa lạ ở Việt Nam.
Tinh thần hợp tác cũng là triết lý và là văn hoá cần được xây dựng cho doanh nghiệp. Đây là nhược điểm của người Việt, khi làm việc nhóm, người Việt vẫn chưa tạo ra hiệu quả. Một người Việt thắng một người Nhật, nhưng ba người Việt thua ba người Nhật. Dân gian nói rất có cơ sở.
Chưa làm được thì phải cố gắng làm, và theo tui biết không ít doanh nghiệp của chúng ta đã xây xựng được văn hoá hợp tác này.
Cuối cùng và tui cho là quan trọng nhất, đó là tinh thần cống hiến, đây là triết lý cũng là văn hoá. Một doanh nghiệp và từng cá nhân phải luôn suy nghĩ rằng bản thân phải cống hiến hết mình, làm ra sản phẩm tốt nhất để phục vụ xã hội. Kinh doanh để làm giàu, nhưng phải chấp hành luật pháp, từ nghĩa vụ thuế đến bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ của con người. Bất cứ sản phẩm nào ảnh hưởng đến các nguyên tắc cơ bản đó thì không làm.
Cống hiến cho doanh nghiệp, cống hiến cho xã hội và lấy đó làm mục tiêu, làm niềm vui, niềm hạnh phúc.
Chào anh nhé, có gì cứ gửi thư trao đổi với tui.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)