Không có vốn lưu động, khó cầm cự được để chờ đến ngày thành công

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính chào anh Dr Thanh!

Rất cảm ơn đã chỉ bảo kịp thời cho bốn đứa con của tôi. Nay tôi xin anh chỉ bảo cho các cháu cách thức dùng vốn thế nào cho hợp lý. Chúng nó bị cụt vốn liên tục anh ạ, đứa nào cũng thế. Tôi rất buồn lo. Mong an chỉ bảo cho. Vô cùng cảm ơn anh.

Chúc anh vạn an.

Lê Thị Minh Lý (Sài Gòn): nguoigiasaigon1952@gmail.com

—–

Chị Lê Thị Minh Lý mến!

Rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp gặp phải trường hợp cụt vốn, các cháu nhà chị không phải là cá biệt. Hồi trẻ tui khởi nghiệp, cũng từng bị cụt vốn nhiều lần đó chị. Có điều, hồi đó tui mày mò rồi tự bươn chải, tự trưởng thành, không ai chỉ cho một chữ.

Để không bị cụt vốn, phải biết quản trị vốn. Nhưng quản trị như thế nào mới đòi năng lực của từng cá nhân.

Cho dù có huy động được nhiều vốn ban đầu, thì start up phải chi tiêu tiết kiệm, sử dụng từng đồng vốn hợp lý. Có nhiều người lấy cái hư danh làm trọng hơn thực chất, mua chiếc xe thật xịn, thuê thêm một cô thư ký, lại thuê văn phòng thiệt to, bảng hiệu hoành tráng. Đừng thể hiện mình bằng những thứ ảo đó, mà lấy hiệu quả của kinh doanh làm giá trị.

Thuê một căn hộ, thậm chí lấy chính nhà mình làm văn phòng. Không cần sắm xe mà cứ grab cho nó tiết kiệm. Cơ hội để mua xe không thiếu, chỉ sợ ta thiếu tiền mà thôi.

Nếu có thuê nhà thì chỉ cần diện tích vừa đủ, thời buổi này làm bằng cái đầu, không ai cần phòng ốc cho to. Tìm người thương lượng được việc trả tiền hằng tháng thay vì trả cả năm, để giữ vốn cho kinh doanh. Nghèo thì phải tính, đừng chỗ nào cũng vung tiền, cụt vốn là cái chắc.

Không cần phải thuê nhiều người, mà một người phải làm được nhiều việc. Chính giám đốc phải làm được những việc của thư ký, của nhân viên khác. Khi tuyển cộng sự, thì những người này cũng làm việc thay cho nhiều người. Trong thời gian đầu phải “nếm mật nằm gai” thì mới có ngày thành công.

Nhưng tiết kiệm không chưa đủ, mà phải dựa vào số vốn sở hữu để tính toán phát triển kinh doanh. Thấy người ta mở một chuỗi cửa hàng thì mình cũng nhảy ra thuê nhà làm một chuỗi cửa hàng, trong lúc vốn của mình chỉ đủ xoay xở cho một điểm, thế thì sẽ cụt vốn. Lúc đó, không có đủ tiền để trả tiền thuê nhà, tiền mua nguyên liệu, tiền trả nhân viên, coi như sập tiệm. Cho nên, không lấy mục tiêu phát triển nhanh mà là phát triển bền vững.

Ưu tiên một khoản tiền làm vốn lưu động, đây là khoản cần nhất, vì để bán một sản phẩm ra thị trường phải chi tiêu nhiều, chưa kể bán hàng trước, họ xài trước rồi mới trả tiền vì mình cần giới thiệu sản phẩm. Nếu không có vốn lưu động, sẽ khó cầm cự được để chờ đến ngày thành công.

Một điều rất quan trọng là phải tìm cách huy động vốn, hãy vui vẻ thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn vào từng giai đoạn hợp lý để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc này phải có tầm nhìn xa, tầm nhìn chiến lược, hoạch định được từng giai đoạn cụ thể. Đừng ngại chia sẻ lợi nhuận, mà hãy tin rằng, không ai thành công một mình.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phát triển tốt, có lãi, thì ưu tiên vốn vay hơn vốn góp.

Rất mong các cháu nhà chị thành công, có gì cần cứ gửi thư cho tui nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

5 (100%) 1 vote

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *