—–
Warren Buffet từng nói với Forbes: Có một khoản đầu tư xứng đáng thay thế tất cả những đầu tư khác, đó là đầu tư vào chính bạn. Rõ ràng, đây là lời khuyên tuyệt vời cho tất cả doanh nhân được chia sẻ bởi nhà đầu tư nổi tiếng thế giới.
Xu hướng của tiếp thị thế giới cũng sẽ tập trung hơn vào việc thúc đẩy tư duy tự đầu tư của chính mỗi cá nhân, cũng như doanh nghiệp trong kỷ nguyên thế giới số. Lời khuyên của các chuyên gia hàng đầu là đi theo xu hướng nhưng cũng cần tập trung đúng mục tiêu và biết được giá trị đích thực của từng giải pháp.
Tập trung vào giải pháp cá nhân hóa
Với xu hướng áp dụng các nguyên tắc của truyền thông đại chúng, đồng thời kỹ thuật số trở thành một kênh dẫn không thể thiếu trong đời sống thông tin hiện đại, giờ đây, các nhà tiếp thị dễ dàng xây dựng các chiến dịch marketing mang tính cá nhân hóa hơn và tiếp cận gần hơn với khách hàng.
Nếu bạn có hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn khách hàng, đặc biệt là khách hàng tiềm năng, tại sao lại nói chuyện với tất cả họ như thể họ là cùng một người? Chúng ta không làm tiếp thị kỹ thuật số, mà chúng ta làm tiếp thị trong một thế giới kỹ thuật số. Đó là nguyên tắc mà các nhà tiếp thị cần phải nắm rõ để xây dựng các chiến dịch marketing không bị phụ thuộc vào các công cụ, công nghệ… Theo Mike Grehan – Giám đốc điều hành của Acronym, ngay cả một spot quảng cáo 30 giây trên TV, giờ đây cũng được thực hiện bằng máy ảnh kỹ thuật số, được chỉnh sửa trên chương trình phần mềm kỹ thuật số, tải lên máy chủ đám mây và phân phối số đến các đài truyền hình. Từ đài truyền hình, bản ghi kỹ thuật số được chuyển đến TV thông minh của từng khách hàng theo quy trình kỹ thuật số hoàn toàn.
Vấn đề là, nội dung nào sẽ hướng đến người đang xem TV khi họ là người già, là trẻ con, là nhân viên văn phòng? Chúng ta làm tiếp thị là để truyền cảm xúc đến cho con người chứ không phải là truyền đến cho các thiết bị. Vì thế, đưa thông điệp đến gần hơn với từng cá nhân là việc mà các nhà tiếp thị phải xác định như một chiến lược quan trọng.
Tiếp thị bằng chứng thực của khách hàng
Một buổi chụp hình với khách hàng lớn với sự chuẩn bị cầu kỳ về sân khấu, máy quay trong 2-3 ngày, giờ đây không còn mang lại ấn tượng nhiều cho khách hàng nữa. Những câu chuyện được chứng thực từ chính những khách hàng bình thường, được đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc các website đánh giá, mới là con đường dẫn khách hàng mục tiêu đến với doanh nghiệp của bạn.
Xu hướng này đến như một lẽ tất nhiên khi người mua ngày càng nghi ngờ vào truyền thông. Họ không tin vào các trường hợp điển hình, những lời khen có cánh của người nổi tiếng hoặc các hot blogger. Bất cứ lời khen nào đến từ nhóm có tên tuổi sẽ bị nghi ngay là “quảng cáo”. Đó là lý do các công ty cần đầu tư sử dụng những chứng cứ thực sự từ người mua và có tương tác trực tuyến với nhãn hàng. Khi hài lòng, khách hàng sẽ chia sẻ trực tuyến các cảm nhận của họ khi mua hàng, cũng như sử dụng sản phẩm. Công việc của người làm tiếp thị là sử dụng lại tất cả dữ liệu đó cho hoạt động truyền thông, chia sẻ của chuyên gia Dave Gerhardt – VP of Marketing, Drift.
Công cụ tìm kiếm bằng giọng nói cần có sự đầu tư kỹ lưỡng
Tìm kiếm bằng giọng nói là một trong những xu hướng được quảng cáo rầm rộ nhất trong vài năm qua. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các nhà tiếp thị không nên theo đuổi xu hướng này mà cần chuẩn bị cho sự thay đổi trong 2-3 năm tới.
Năm 2020 là thời điểm các thương hiệu có thể bắt đầu chuẩn bị nội dung và trang web của họ để tìm kiếm bằng giọng nói. Nhưng theo quan điểm của JD Prater – Quora Evangelist, chuyên gia này nghi ngờ tỷ suất hoàn vốn (ROI – Return On Investment) của những nỗ lực áp dụng công nghệ tìm kiếm bằng giọng nói. Bởi về cơ bản, tại thời điểm này hành vi của người tiêu dùng chưa thay đổi. Họ vẫn cần thêm thời gian để hình thành thói quen tìm kiếm mới. Bởi thế, chiến lược đầu tư cho giọng nói cần được xác định là dài hạn, còn cho đến khi người tiêu dùng sẵn sàng, doanh nghiệp nên tập trung vào các kênh và chiến dịch có thể tác động tới hiệu quả doanh thu thực tế theo chu kỳ mỗi 6 tháng.
Tạo kết nối và trải nghiệm đáng giá
Sự tham gia là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra các kết nối có ý nghĩa với khách hàng của bạn. Hành trình tham gia của khách hàng bắt đầu bằng trải nghiệm người dùng tại chỗ và trên cả các nền tảng xã hội. Các doanh nghiệp ngày càng đầu tư vào việc khai thác số liệu về sự tham gia của khách hàng trên các nền tảng số. Ví dụ, thời gian dành cho trang web có thể là chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI – Key Performance Indicator) rõ ràng cho hiệu quả của quy mô và phạm vi tiếp cận bao gồm: Trải nghiệm người dùng (UX – User Experience) và tương tác nội dung. Trong khi đó, chia sẻ và nhận xét của người dùng có thể là KPI cho hầu hết nền tảng xã hội. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần xác định chiến lược nội dung thu hút người dùng và tạo ra các trải nghiệm trên nền tảng đó.
Chiến dịch “Women Who Travel” của Condé Nast Traveller là một ví dụ tuyệt vời về cách thực hiện điều này. Hai năm trước, thương hiệu này cho ra mắt một loạt bài báo xoay quanh chủ đề kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ để truyền cảm hứng cho các nữ du khách trên khắp thế giới. Để tiếp tục cuộc trò chuyện và kết nối hơn nữa với những nữ du khách đó, Condé Nast Traveller đã thành lập một nhóm Facebook có tên “Women Who Travel”, nhằm mục đích tạo không gian cho tất cả phụ nữ tự nhận biết để chia sẻ câu chuyện du lịch của họ, đưa ra lời khuyên và tạo thành một cộng đồng phụ nữ du lịch thông minh. Kết quả là tới nay, nhóm này đã bùng nổ thành một cộng đồng hơn 140.000 thành viên, chia sẻ của John Shehata – Vice President, Audience Growth, Conde Nast.
Video vẫn có sức hút
Các nút Call To Action trong quảng cáo của Google luôn hấp dẫn nhất trên web. Các báo cáo gần đây cũng cho thấy, các trưởng bộ phận trong công ty thích video hơn các định dạng nội dung khác. Các video B2B (doanh nghiệp hướng tới doanh nghiệp) nếu được đầu tư kỹ lưỡng cũng có sức thu hút và làm hài lòng khán giả của doanh nghiệp ở mọi giai đoạn trên hành trình mua hàng của họ.
Theo Alex Rynne, Global Content Creator, trên LinkedIn, video đang là loại nội dung phát triển nhanh nhất và được tạo bởi hàng triệu người dùng trên nền tảng này. Các thành viên đã dành hầu hết 3x thời gian xem quảng cáo video so với thời gian họ đọc các định dạng nội dung tĩnh. Kể từ khi LinkedIn bắt đầu thí điểm tính năng Live vào năm nay, video trực tiếp đã thu hút được 7x phản ứng và hơn 24x bình luận, nhiều hơn hẳn những video thông thường.
Thời điểm hiện tại, rất nhiều nhà tiếp thị B2B hoặc nghĩ sản phẩm, dịch vụ của họ không đủ hào nhoáng để xuất hiện trên video, hoặc cần một ngân sách lớn để chi trả cho việc sản xuất. Tuy nhiên, xu hướng sử dụng video sẽ được nhiều nhà tiếp thị B2B thử nghiệm nhiều hơn trong năm 2020. Với sự đầu tư này, video vẫn tiếp tục là sản phẩm truyền thông được cho là có sức hút lớn và mang lại hiệu quả cho tiếp thị trong tương lai.