Trần Quí Thanh
—–
Sau nhiều ngày liên tiếp duy trì mức độ ô nhiễm không khí ở thang màu tím (nguy hại cho sức khỏe con người), 6 giờ 30 sáng nay (13.12), ứng dụng Air Visual cập nhật chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô Hà Nội đã chuyển sang khung màu nâu – cực kỳ nguy hại. Với AQI = 333, Thủ đô Hà Nội đã vượt qua Dhaka – Bangladesh và Sarajevo, Bosnia Herzegovina, trở thành thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu, đó là thông tin trên Thanh Niên ngày 13.12.
Phản ứng trước thông tin này, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng viết trên trang cá nhân: “Không khí là yếu tố quan trọng nhất cho cuộc sống. Chất lượng không khí thấp, thì chất lượng những thứ khác có cao đến mấy cũng mất hết ý nghĩa”. Đồng thời, ông lên tiếng kêu gọi: “Cần phải có những phản ứng chính sách quyết liệt để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí cho Hà Nội trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn”.
Thực ra là đã quá muộn rồi, đã ô nhiễm ở mức độ cao nhất toàn cầu thì không muộn sao nữa. Cho nên, phải hành động ngay lập tức để cứu lấy sức khỏe của người dân thủ đô.
Các biện pháp như đặt máy lọc không khí ở trong nhà, đóng cửa sổ hay đeo khẩu trang khi ra đường chủ yếu là để trấn an tâm lý hơn là giải cứu cho lá phổi. Sống trong bầu không khí ô nhiễm đó, muốn tránh được độc hại chỉ còn cách nín thở.
Những phòng vệ cá nhân của người dân có tính tạm thời, giải quyết ô nhiễm phải từ bàn tay của chính quyền. Có những việc có thể làm ngay lập tức.
Dọn sạch hết các đống rác và các đống xà bần, phế thải xây dựng trên địa bàn, sẽ giảm ngay ô nhiễm không khí.
Kiểm tra và bắt buộc tất cả các công trình xây dựng phải có lưới che, các loại xe chở vật liệu xây dựng phải có bạt trùm kín, sẽ hạn chế bụi bẩn phát tán. Trên thực tế, rất nhiều công trình xây dựng, xe chở vật liệu xây dựng vi phạm quy định bảo vệ môi trường, nhưng không bị xử lý.
Tất cả những hoa viên, những nơi có đất trống dù nhỏ hay lớn, cho trồng cây xanh, trồng cỏ để phủ xanh tối đa mặt đất. Chắc chắn sẽ giảm bụi đáng kể.
Tăng cường lực lượng vệ sinh đô thị thường xuyên dọn sạch tất cả các đường phố. Vận động người dân tham gia làm vệ sinh nhà cửa, khu phố, dọn rác, trồng hoa, trồng cây thì môi trường sẽ thay đổi tích cực.
Tuyên truyền vận động, ngăn chặn người dân đốt rơm rạ. Làm được việc này cũng sẽ góp phần làm cho bầu không khí sẽ trong lành hơn.
Biện pháp lâu dài là phải hạn chế xe máy, phương tiện cá nhân, thay bằng xe điện, phương tiện giao thông công cộng hiện đại.
Di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành.
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm thay thế than tổ ong.
Các nhà khoa học sẽ đưa ra nhiều giải pháp “khoa học”, còn tui chỉ nêu những cách làm đơn giản vậy thôi.
Sài Gòn ngày 17/12/2019
TQT