“Chiêu” nhân tài thì phải “đãi”, không thể uống trà suông

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi chú Dr Thanh, 

Thưa chú, cháu là một CEO nhỏ gần 3 năm nay rồi, kể từ ngày chú mở blog, hi hi. Khoe vậy để nói cháu theo dõi chú đã từ lâu, cả fb cả blog của chú đấy ạ. Tất nhiên cháu rất thích những trao đổi của chú về nghề kinh doanh. Bài nào của chú cũng giúp cháu rút ra một điều gì đó cho bản thân. Cảm ơn chú rất nhiều. 

Nói gần nói xa chẳng qua nói thật (hi hi!), cháu muốn gởi tới chú câu hỏi này: Ứng xử thế nào với những người nhảy việc mà không phải dùng tới miếng mồi tăng lương để giữ chân họ? Kính mong chú trả lời. 

Kính chúc chú mạnh giỏi

Hồ Thị Minh Thi (Nha Trang): mihthi_hothi1982@gmail.com

—–

Hồ Thị Minh Thi mến!

Trước hết, phải xác định nhảy việc trong một doanh nghiệp gồm những ai, tỉ lệ như thế nào, và đối tượng nào cần giữ lại.

Thông thường, trong một công ty luôn có hiện tượng nhảy việc. Có người vì thay đổi chỗ ở, có người vì thích thay đổi, có người vì tìm chỗ mới thu nhập cao hơn. Với những trường hợp họ ra đi vì những lý do này, và không phải là những nhân viên giỏi hay cán bộ có tài năng, thì cũng là chuyện không có gì để phải lo. Đôi khi, cần có người ra đi, trống chỗ để tuyển chọn người giỏi hơn thay thế. Kể cả có người cho dù có chuyên môn tốt, nhưng không phù hợp với môi trường làm việc của doanh nghiệp, thì sự ra đi của họ cũng “thuận theo tự nhiên”.

Phân tích thế để cháu hiểu không phải cứ nhân viên nhảy việc là điều tệ hại đâu nhé.

Bây giờ thì chúng ta cùng tập trung vào nhóm nhân tài của doanh nghiệp để cùng bàn giải pháp theo yêu cầu của cháu nhé.

Người có tài thì có “tật”. Tật ở đây đừng nghĩ là xấu, mà là cá tính mạnh ở nơi họ. Đối với người thích ngồi yên một chỗ để tập trung thật sâu cho một việc, thì hãy “để yên” cho họ. Đối với người thích “xê dịch”, thì phải tạo điều kiện cho họ thay đổi.

Có một điểm chung là những người tài thường mong muốn được thử thách, được sáng tạo, thì chủ doanh nghiệp phải tạo điều kiện tối đa cho họ thỏa mãn. Và khi họ tạo ra giá trị, thì phải tôn vinh, thưởng công. Người tài rất trọng danh dự, do đó cháu phải thể hiện sự quý trọng của mình đối với họ.

Không giữ chân người tài bằng cách lấy lương ra để câu, nhưng thu nhập phải phù hợp, tương xứng với công sức của họ. Cha ông xưa có câu rất hay là “chiêu hiền đãi sĩ” đó cháu. “Chiêu” là mời, nhưng mời tới rồi phải có “đãi”, không thể uống trà suông. Đặc biệt, khi người tài có đóng góp xuất sắc, đưa ra giải pháp hữu ích, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thì phải thưởng thật xứng đáng. Cách làm này không chỉ giữ chân người tài mà còn kích thích sáng tạo trong doanh nghiệp.

Chúc cháu thành công trong sử dụng nhân tài nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: traquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *