Võ Duy Nghi/ Báo TBKTSG
——
Người Việt mình có tâm lý bầy đàn hay không? Đây là câu hỏi cần đặt ra nghiêm túc và câu trả lời phải có căn cứ, dựa trên các công trình nghiên cứu khoa học, hay ít nhất là qua các khảo sát xã hội học. Cho nên, tui không dám khẳng định về vấn đề này.
Nhưng quan sát từ thực tế, chắc ai cũng có thể tìm cho mình câu trả lời.
Chỉ cần một thông tin không tốt về doanh nghiệp nào đó, lập tức tràn lan trên mạng, like, share, comment không cần kiểm chứng, hả hê trước sự khổ sở, thậm chí đau đớn của người khác.
Đó là vấn dề xã hội, còn về kinh tế cũng tương tự.
Nghe người khác trữ tiêu, điều thế là ào ào đi mua để trữ. Vì nhiều người mua nên giá tăng cao chót vót. Đến khi tỉnh cơn say thì bán đổ bán tháo.
Nghe đồn xăng lên, thấy thiên hạ cầm can đi mua xăng, thế là nhao nhao đi mua xăng về trữ. Đã có nhiều vụ hỏa hoạn dẫn đến thương tật, thiêu rụi tài sản vì trữ xăng trong nhà.
Nghe thiên hạ mua condotel, không cần phân tích xem mức lãi cam kết có hợp lý không, chỉ thấy số đông người đi mua là bỏ tiền mua, thậm chí vay ngân hàng để mua. Hậu quả thì ai cũng biết, cú vỡ trận của codotel vừa rồi là bài học cho tâm lý chạy theo trào lưu.
Đừng tưởng rằng tâm lý đó chỉ có hại cho những người bị mắc hội chứng đó. Không, nó còn ảnh hưởng đến toàn xã hội, đến cộng đồng, đến nền kinh tế của đất nước.
Hãy hình dung, một cơn sốt đất từ bơm thổi của những tay đầu cơ, kéo theo xu hướng “toàn dân đi buôn đất”, làm méo mó thị trường bất động sản. Nguy hiểm vậy đó.
Có ý kiến cho rằng nhà nước phải có biện pháp ngăn chặn “tâm lý bầy đàn”. Nhưng ngăn chặn bằng cách nào?
Có nhiều quy định của pháp luật để điều chỉnh hành vi tung tin đồn thất thiệt, tin giả, vu khống, lừa đảo…, nhưng chưa thấy nó thực sự được áp dụng vào đời sống.
Trần Quí Thanh
—–
Tâm lý bầy đàn hay tâm lý đám đông là trạng thái tâm lý mà con người bị chi phối, ảnh hưởng bởi xu hướng, hành vi của đám đông và có thể đưa ra những quyết định theo cảm tính, không căn cứ vào lý trí.
Tâm lý bầy đàn thể hiện rất rõ trong xã hội hiện nay qua hiện tượng sùng bái cá nhân, các trào lưu (trend) trên mạng xã hội, trào lưu thời trang, tiêu dùng… mà nếu không tỉnh táo có thể gây ra các hậu quả cho nền kinh tế và cả người dân chạy theo tâm lý này.
Ai tạo ra hiệu ứng tâm lý bầy đàn?
Tâm lý bầy đàn thể hiện rất rõ trong lĩnh vực bất động sản. Cơn sốt condotel vừa qua là một minh chứng rõ nét nhất. Ngoài lợi nhuận “khủng” mà các chủ đầu tư cam kết lên đến 12-15% để “rắc thính” nhử mồi các nhà đầu tư, thì phần lớn các nhà đầu tư quyết định đầu tư vì chạy theo trào lưu, nghe người thân bạn bè rỉ tai, rủ rê, lướt Facebook xem quảng cáo, thật sự có rất ít người có khả năng phân tích kỹ càng trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Cơn sốt đất giai đoạn 2006-2008 và mới bùng lên trong thời gian vừa qua đã tạo ra một trend đầu tư khủng khiếp. Cơn sốt đất giả tạo được tạo ra bằng cách mua qua bán lại, trong đó có những hoạt động mua bán ảo giữa những “cò mồi” nhằm kích thích, lôi kéo người khác.
Thậm chí có những thời điểm ở các thị trường bất động sản sốt xình xịch như Đà nẵng, Nha Trang, TPHCM…, người người nhà nhà bỏ việc đi làm kinh doanh, môi giới bất động sản. Chính nhờ chiêu trò đó mà thị trường sôi động hẳn lên. Dạo qua các phòng công chứng, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ thấy hàng trăm người sắp hàng giao dịch.
Chính những hình ảnh đó đã tạo ra hiệu ứng tâm lý bầy đàn, làm cho hàng ngàn người lao vào mua bán vì suy nghĩ đơn giản có gì đó thì người ta mới mua bán sôi động như vậy. Một số khác tranh thủ nhảy vào lướt sóng kiếm tiền. Cuối cùng sau khi đã bán hết hàng, thu lợi nhuận khủng, các “cá mập” lặng lẽ rút để lại một chiến trường tàn khốc với các nhà đầu tư nhỏ lẻ “ôm bom” hàng ngàn bất động sản với giá cao chót vót và một đống nợ ngân hàng.
Trong lĩnh vực chứng khoán, hành vi bầy đàn cũng phong phú không kém. Có một thời kỳ từ chị tiểu thương đến anh công chức đều bị cuốn vào cuộc “chơi” chứng khoán. Thị trường chứng khoán nhộn nhịp kẻ bán người mua.
Cứ nghe thông tin rỉ tai tư vấn từ bạn bè, từ các chuyên viên tư vấn chứng khoán hoặc đọc báo thấy quảng cáo công ty này làm ăn lớn, lợi nhuận cao, cổ tức khủng là nhảy vào mua cổ phiếu mặc dù nhiều nhà đầu tư không biết công ty mình mua cổ phiếu đó lớn nhỏ thế nào, kinh doanh hiệu quả ra sao, cũng chẳng cần đọc báo cáo tài chính vì có thể nhà đầu tư không có kiến thức về lĩnh vực tài chính nhưng có sao đâu, tâm lý “mày sao, tao vậy” – tức là người ta làm được, mình làm được – đã khiến nhiều người cửa mất nhà tan.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tâm lý bầy đàn cũng để lại nhiều di chứng nghiêm trọng. Có thời kỳ nhà nhà trồng cà phê vì nghe thông tin đâu đó từ thương nhân, từ các hợp tác xã phát động “phong trào” cho rằng năm sau cà phê sẽ được giá.
Vài năm sau, do đầu tư không hiệu quả, nhà nhà lại chặt cà phê để trồng cao su vì nghe đồn thị trường thế giới đang có nhu cầu lớn về cao su. Cái vòng luẩn quẩn “chặt/trồng” cà phê hoặc cao su, điều, ca cao… cứ luẩn quẩn gây rất nhiều thiệt hại, lãng phí rất lớn cho người nông dân và cả nền kinh tế.
Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc để ngăn chặn tâm lý bầy đàn có hiệu ứng xấu, vì nếu không sẽ gây ra những tổn thất rất lớn cho nền kinh tế. |
Chúng ta từng chứng kiến nhiều vụ thu hoạch dưa hấu, chuối, thanh long… được mùa nhưng phải đem đi đổ vì không tiêu thụ được. Đây là bài học nhãn tiền của hành vi chạy theo tâm lý bầy đàn mù quáng để cảm xúc chi phối lý trí và rốt cuộc bị người khác lôi kéo.
Số đông không phải lúc nào cũng đúng
Người phương Tây có câu: “The majority is not always right” – Số đông không phải lúc nào cũng đúng. Chúng ta vẫn thường xem chương trình “Ai là triệu phú” trên VTV3 và đôi lúc thấy rằng nhiều khi người chơi nghe theo ý kiến tư vấn của khán giả với số đông lên đến 80-90% nhưng kết quả cho thấy đáp án của số đông là sai. Đây phải là chân lý đầu tiên để nhà đầu tư xem xét trước khi quyết định một việc gì đó. Đừng bao giờ vội vàng hùa theo đám đông vì đám đông không phải lúc nào cũng đúng.
Tâm lý bầy đàn thường bị chi phối bởi cảm xúc, do đó trước khi ra quyết định, phải đặt câu hỏi “Tại sao?”. Hãy để lý trí quyết định.
Chẳng hạn câu chuyện condotel đổ vỡ trong thời gian qua, nếu các nhà đầu tư tự đặt các câu hỏi tại sao lợi nhuận chủ đầu tư cam kết cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm của hệ thống ngân hàng hiện nay; tại sao hệ thống khách sạn hiện nay có tỷ suất lợi nhuận thấp mà chủ đầu tư lại cam kết quá cao thì sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình.
Hãy là nhà đầu tư thông thái sẵn sàng nói “không” sau khi đã phân tích kỹ càng cơ hội đầu tư. Đừng luyến tiếc cơ hội đầu tư sau khi đã phân tích kỹ. Hãy tự tin với quyết định của mình cho dù bị đám đông lôi kéo. Cái khó nhất là thoát khỏi đám đông lôi kéo bởi cảm xúc là thứ mà con người dễ bị chi phối nhất.
Một vấn đề nữa là đừng nhìn hiện tượng mà quy kết bản chất. Hiện tượng đám đông nháo nhào mua bán đất đai, đổ xô trồng loại sản phẩm này, sản phẩm kia chưa chắc có cái bản chất bên trong là thị trường đang sôi động. Hãy bình tĩnh suy xét thấu đáo để tìm ra bản chất của hiện tượng đó là gì rồi mới đi đến quyết định.
Cuối cùng, Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc để ngăn chặn tâm lý bầy đàn có hiệu ứng xấu, vì nếu không sẽ gây ra những tổn thất rất lớn cho nền kinh tế. Khi có mầm mống của hiệu ứng tâm lý bầy đàn, chính quyền cần phải công khai, minh bạch thông tin cho người dân biết về những bất hợp lý, cảnh báo hậu quả nếu chạy theo tâm lý bầy đàn để người dân và doanh nghiệp lưu ý chứ không nên thụ động như hiện nay.
Chính quyền có thể cung cấp các thông tin kinh tế về bất động sản, quy hoạch, du lịch, thị trường nông sản… để cảnh báo người dân khi chuẩn bị có hiệu ứng xấu về tâm lý bầy đàn.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn
Link bài: Đừng biến mình…
(https://www.thesaigontimes.vn/