[THP trong tôi] – Tân Hiệp Phát dạy tôi trưởng thành

Trương Thanh Bình/ Number One Chu Lai

—–

Tôi sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện có thật của tôi, tôi muốn viết cho lời văn hoa mỹ hơn nhưng sự thật lúc nào cũng trần trụi, không bay bổng được.

Sắp bước qua tuổi 30 rồi mà tôi thực sự vẫn chưa trưởng thành, vẫn còn nhiều những hành động, lời nói thiếu suy nghĩ, mặc dù đã có đến 2 bé con. Tôi loay quay trong vòng xoay suy nghĩ của mình, những hành động, lời nói nóng vội làm tôi càng ngày càng trở thành con người cộc cằn, là nỗi sợ trong mắt bé con tôi.

Tôi cứ luôn đổ lỗi đó là “gen di truyền”, vì đã bao lần tôi nhận những trận roi của ba tôi, những cái nghiến răng, ánh mắt nổi giận của ông khi tôi làm sai ý vẫn còn in hằn trong tâm trí của tôi. Tôi đã nghĩ mình phải giống như ông, và rồi dần dần tôi cũng đã trở thành một người như ông, một con người cộc cằn, dễ nổi nóng, dường như trong đầu mình lúc nào cũng có sẵn mồi lửa, chỉ cần một lý do nhỏ không hài lòng mình là châm cho ngọn lửa đó bùng cháy làm tôi mất kiểm soát. Cứ mỗi lần như vậy sau khi hạ hỏa, cảm giác hối tiếc ùa về, tôi lại trách mình nhưng qua hết lần này đến lần khác vẫn y như vậy không thay đổi được.

Tôi mang cả cái “gen di truyền” đó vào công việc của mình, tôi biết bao nhiêu lần gây nhau với những người đồng nghiệp, làm cho mối quan hệ ngày càng xấu đi và ngày ngày tôi cũng mang tâm trạng nặng nề đi làm, có điều gì không hài lòng là khó chịu và than phiền. Đám mây đen vì thế cứ lan dần ra che hết nhiệt huyết trong người tôi. Tôi nhận thấy mọi người dần tránh mình và cảm giác chán việc cứ thế ngày qua ngày xâm chiếm lấy tôi, có những ngày đỉnh điểm buổi sáng thức dậy không muốn đi làm, chỉ muốn nghỉ việc.

Tôi cũng dần trở nên ích kỷ hơn. Tôi gắt gỏng hơn với vợ, than phiền từ những điều nhỏ nhặt nhất như món này không ngon, nhà cửa chưa dọn mà không biết rằng vợ tôi còn phải chăm 2 đứa nhỏ nghịch phá hằng ngày không có thời gian ngơi nghỉ. Tôi khắt khe hơn với con vì những trò phá phách mà không biết rằng con tôi đang độ tuổi khám phá tìm hiểu xung quanh. Chính tính cách nóng nảy đó đã dần làm nguội lạnh đi tình cảm của gia đình.

Một vài lần nghe mọi người góp ý, phải kiểm soát lại cảm xúc của mình, tôi miễn cưỡng tham dự lớp học trên mạng về kiểm soát cảm xúc nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu tôi lại trở về là con người cũ, vẫn là những cơn nóng giận mất khôn, những lời than phiền dai dẳng. Những suy nghĩ tiêu cực chiếm dần hết tâm trí tôi, Trong tâm trí tôi thấy mình thực sự lạc lối.

Và rồi, như một kẻ thất bại chới với tìm lối thoát trong đêm tối, tôi bỗng tìm thấy ánh sáng, đó là một buổi tình cờ tôi xem 2 đoạn phim và sức mạnh của lời nói năng lượng tích cực do Giám đốc khối Hoàng Anh Tuấn truyền đạt. Tôi như chợt bừng tỉnh, mò mẫm đi dần về phía ánh sáng, tôi chăm chú nghe và cố hiểu từng ý nghĩa trong 2 đoạn phim, tôi mừng như mình vừa được cứu lên từ nơi tăm tối, từ sau buổi đó tôi thầm nghĩ mình phải là con người khác, không thể là mình như hiện tại được.

Tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về sức mạnh của lời nói, năng lượng tích cực và cách để tạo ra năng lượng tích cực trong cuộc sống. Tôi dần nhận ra rằng lời nói có sức mạnh hơn cả ngàn cân. Lời nói có thể thay đổi cả một con người. Lời nói có thể nâng một người lên và cũng có thể dìm một người xuống, ấy vậy mà trước đây tôi rất ít lần để ý lời nói của mình, cũng chính bởi tính khí nóng nảy mà những lời nói than phiền dai dẳng của tôi đã cướp đi của tôi biết bao nhiêu thứ tốt đẹp, thậm chí phản tác dụng với ý muốn của mình. Nhận ra điều ấy tôi đã dán ngay trước bàn mình nhắc nhở: “phản hồi tích cực, không phản hồi tiêu cực”. Và cũng từ đó tôi mới biết rằng năng lượng tích cực được sinh ra từ tư duy tích cực.

Tôi bắt đầu thực tập, những câu nói, phản hồi kèm theo những từ ngữ mang năng lượng tích cực được sử dụng nhiều hơn, dần dần loại bỏ những lời than phiền dai dẳng, và tôi nhận ra một điều cực kỳ quan trọng đó là gia vị trong những câu nói chính là nụ cười. Nụ cười mang năng lượng tích cực giúp tôi chiến thắng trong những thời điểm khó khăn nhất. Tôi bắt đầu đọc lại sách, một thói quen mà tôi bỏ quên lúc nào không hay, tôi lục trong tủ sách nhà mình quyển sách “Nhà giả kim”, một câu của nhà văn Paulo Coelho làm tôi tâm đắc: “Khi chúng ta nỗ lực để trở nên tốt đẹp hơn, mọi thứ xung quanh chúng ta cũng sẽ trở nên tốt đẹp hơn” .

Từ đó tôi biết mình phải trở nên tốt đẹp hơn. Áp dụng tư duy tích cực, tôi dần nhận ra những sự thay đổi trong mình, những lời than phiền dai dẳng bớt dần đi lúc nào chẳng hay, tôi nhận ra một điều rằng kết quả công việc của mình là do mình tạo ra, không thể trông chờ vào người khác thực hiện để rồi khi kết quả không đạt thì lại than phiền. Tôi dần chủ động hơn, kết nối với mọi người nhiều hơn, những cuộc trò chuyện, chào hỏi, chia sẽ giúp tôi hiểu mọi người và hiểu công việc của mình hơn. Tôi bắt đầu thấy hứng thú với công việc, không còn cảm giác chán không muốn đi làm nữa,

Cũng chính nhờ tư duy tích cực mà tôi dần nhận ra mọi thứ xung quanh mình thay đổi. Thế này nhé, trước kia tôi rất bảo thủ, luôn cho rằng mình đúng do vậy tôi rất khó khăn khi tiếp nhận những lời góp ý còn tôi bây giờ vui vẻ hơn, khi bắt đầu cuộc trao đổi với người góp ý cho mình, trong đầu tôi đã sẵn sàng ý nghĩ “năng lượng tích cực”, nó giúp tôi chống lại những suy nghĩ cố chấp của mình, do vậy tôi dễ dàng tiếp nhận lời góp ý của mọi người, những lời góp ý quý giá mà trước giờ tôi toàn bỏ ngoài tai, làm cho mình mất đi nguồn dữ liệu để cải thiện đáng kể.

Năng lượng tích cực cũng giúp tôi dần lấy lại tình yêu của mọi người mà mình đã đánh mất trước đây, trước đây tôi mặc định khi mình đi kiểm tra nhà xưởng, ai vi phạm an toàn thì phải bị lập biên bản xử lý theo quy định công ty kèm theo đó là những lời than phiền với Trưởng bộ phận, teamleader nên có cảm giác như ai thấy mình cũng né đi nhưng bây giờ tôi đã không còn như thế, năng lượng tích cực giúp tôi trả lời được câu hỏi: “Làm sao để nhân viên kia không vi phạm quy định an toàn nữa”, tôi mở rộng lòng mình ra, tìm hiểu nguyên nhân tại sao nhân viên kia lại vi phạm, có cách nào để giúp anh ấy thực hiện công việc tốt hơn không?

Trước mỗi sự chưa phù hợp về an toàn của nhà máy tôi đã bắt đầu biết đặt câu hỏi: “Mình đã làm gì và chưa làm gì khi để xảy ra vấn đề này”. Những lời nhắc nhở, hướng dẫn của tôi dần giúp tôi nhận được sự yêu thương của mọi người với mình nhiều hơn, công việc cũng ngày càng tốt hơn.

Tư duy tích cực không những giúp tôi thấy sảng khoái mỗi ngày đến nhà máy mà còn giúp cho cuộc sống gia đình tôi ấm áp hơn. Tư duy tích cực đã dần giúp tôi hàn gắn lại những vết cắt do tôi vô tình gây ra, nó giúp tôi nhận ra rằng gia đình mình quý giá biết bao.

Tôi hốt hoảng khi một hôm con mình bỗng quay sang nói với tôi bằng một khuôn mặt nhăn nhó, không hài lòng: “Mạng gì mà yếu xìu như mạng nhện”, một lời than phiền dai dẳng nhỏ nhặt giống hệt tôi thường hay nói và tôi thấy sợ khi hình dung con mình sẽ giống mình trước đây. Tôi phải thay đổi, tôi đặt mục tiêu mình gia đình mình phải hạnh phúc giống gia đình Dr Thanh trong Chuyện nhà Dr Thanh, tôi nhẹ nhàng hơn trong cách nói chuyện vợ, yêu thương hơn trong từng hành động với con và tôi nhận ra một điều thực sự to lớn rằng: “Mình chính là tấm gương phản chiếu của con” . Và dần dần tôi nhận thấy tình cảm gia đình dần ấm áp hơn, tiếng cười đã về trở lại trong gia đình tôi.

Hơn 4 năm qua ở Tân Hiệp Phát đã dạy tôi trưởng thành như vậy, dạy tôi biết như thế nào là một người có tâm trong công việc, như thế nào là một người cha và người chồng của gia đình và trong tất cả những điều lớn lao tôi học được ở Tân Hiệp Phát thì tư duy tích cực vẫn là điều tôi tâm đắc nhất.

Trương Thanh Bình

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *