Trần Quí Thanh
—–
Mỗi lần có dịp đến thành phố của một nước nào đó, quan sát của tui là những công trình kiến trúc cổ như bảo tàng, nhà thờ, tòa thị chính, biệt thự…Xem những công trình kiến trúc này, lòng thấy nhẹ nhàng, trầm lắng, có lẽ cái gì cổ xưa cũng làm cho mình suy nghĩ sâu sắc hơn.
Cho nên, với du khách trong cũng như ngoài nước, đến một đô thị của Việt Nam, họ cũng tìm những giá trị cổ. Ở đó, họ học và “đọc” được nhiều hơn những kiến thức và thông tin về văn hóa, lịch sử của một thành phố, một vùng đất, một quốc gia.
Ví dụ như Sài Gòn, nếu chỉ là những building cao chọc trời thì chẳng du khách nước ngoài nào quan tâm, bởi vì họ dư thừa những thứ đó. Người ta đến Sài Gòn, đi trên những con đường rợp bóng cây xanh, ngắm những biệt thự cổ kính, chiêm ngưỡng nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát thành phố, Chợ Bến Thành hay một ngôi chùa xưa. Tổ hợp những công trình kiến trúc này là câu chuyện lịch sử của Sài Gòn và đó chính là phần hồn của một đô thị.
Tổ hợp những công trình kiến trúc đó không chỉ là nhà cửa, lâu đài, biệt thự mà còn là không gian kiến trúc của những quần thể đó. Đáng tiếc là quá trình đô thị hóa đã làm biến dạng những không gian kiến trúc, thậm chí nhiều công trình cổ đã bị đập bỏ, thay vào đó là những cao ốc, nhà kính, những siêu thị, chung cư cao cấp.
Còn nhớ, mới đây người ta đòi đập bỏ Dinh Thượng Thơ 130 năm tuổi, rất may là những tiếng nói can thiệp đầy thuyết phục đã buộc chính quyền nhìn nhận lại. Nhưng có biết bao nhiêu công trình khác đã không bảo tồn được.
Để cứu lấy phần hồn của Sài Gòn, việc đầu tiên là dừng ngay các “ý nghĩ” động đến các di sản văn hóa, mà tư duy ngược lại là tìm cách giữ gìn, bảo vệ, đầu tư để phục chế, phục dựng những công trình bị hư hại, khuyết tật do thời gian và sự phá hoại của con người.
Con cháu mai sau học lịch sử không chỉ là những trang sách, những tấm ảnh, những thước phim tài liệu, mà chạm đến được công trình di sản văn hóa, tận mắt ngắm nhìn những hoa văn trên những bức tường cổ kính phong rêu.
Học lịch sử như vậy mới sinh động và gợi mở cảm xúc, tình yêu đối với quê hương xử sở, tự hào về đất nước.
Trần Quí Thanh