Trần Quí Thanh
—–
Đã qua 100 ngày phòng chống dịch, hoạt động kiểm soát dịch COVID-19 của Việt Nam được thế giới ghi nhận, có thể nói là hiệu quả. Mặc dù có một số ca lây nhiễm mới, nhưng không có gì nghiêm trọng, đều nằm trong kịch bản ứng phó được các nhà quản lý dự liệu. Cho nên, người dân có thể tin tưởng vào các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ.
Nhưng qua thời gian phòng chống dịch, thiệt hại về kinh tế của Việt Nam là quá lớn.
Ngành hành không tổn thất kinh hoàng, khi bị cắt đứt hoặc hạn chế gần toàn bộ tuyến bay trong nước và quốc tế. Kể cả có bay được thì cũng là những chuyến thua lỗ, bay để duy trì hoạt động mà thôi.
Ngành du lịch khốn đốn, các công ty du lịch lữ hành đóng cửa, kéo theo hệ thống khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch, quán ăn đóng cửa theo. Các hãng vận tải, taxi, grab đều trong tình trạng cực kỳ khó khăn.
Các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc phải đóng cửa vì không còn nguyên liệu sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng. Nếu dịch kéo dài, con số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động không phải là 16.000 mà có thể gấp đôi, gấp ba.
Cùng với những tổn thất trên, đằng sau nó là hàng ngàn lao động bị mất việc. Đây là vấn đề lớn của đất nước, Chính phủ đang tìm cách giải quyết, nhưng không thể thiếu bàn tay của cộng đồng, của toàn xã hội.
Doanh nghiệp chờ đợi Chính phủ, chính quyền các địa phương làm một việc ngay lập tức, đó là cải cách hành chính triệt để. Trong lúc khó khăn này, việc bỏ đi những thứ nhũng nhiễu, những thủ tục rườm rà, những đòi hỏi hạch sach là tiếp sức cho doanh nghiệp. Một thủ tục trước đây làm một tuần thì rút xuống còn một hai ngày, đó là tiết kiệm tiền của cho xã hội.
Các bộ rà soát lại, bãi bỏ những điều kiện kinh doanh phi lý, những thủ tục kiểm tra chuyên ngành ràng buộc doanh nghiệp. Tất cả những việc này không mất tiền, không mất thời gian, chỉ có quyết tâm là làm được.
Cải cách hành chính, dẹp bỏ thêm điều kiện kinh doanh không chỉ giúp cho doanh nghiệp trong lúc hoạn nạn này, mà về lâu dài, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước, cho tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Tiếp theo là tính toán miễn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng, giãn tiến độ thanh toán và nhiều cách hỗ trợ khác để doanh nghiệp sống sót. Những lúc khó khăn này, đừng để doanh nghiệp sụp đổ, bởi vì rất dễ xảy ra hiện tượng domino. Lúc đó thì không mấy ai sống sót.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, cũng cần có sự tương trợ lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn. Trước đây, từng có những hợp tác của Thaco và Hoàng Anh Gia Lai, Thaco và Cty Hùng Vương, đó chính là dựa vào nhau để cùng đi lên. Trong lúc này, doanh nghiệp cần tìm đến nhau, tùy theo điều kiện của từng doanh nghiệp để có sự hợp tác phù hợp và hiệu quả.
Để không ai bị bỏ lại phía sau thì chúng ta cùng nắm tay nhau đi về phía trước.
Sài Gòn ngày 16/03/2020
TQT