Trần Quí Thanh
—–
UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP (Saigon Co.op) do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể là miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch. Cho phép TP tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng đã được Chính phủ phê duyệt và đang giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai. Ngoài ra, giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp và không để doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu.
Nhóm doanh nghiệp bị tác động tiêu cực từ dịch rất rõ ràng, các đề xuất hỗ trợ rất cụ thể. Từ kiến nghị của TPHCM, cho thấy đây cũng là yêu cầu chung của doanh nghiệp trong cả nước.
Miễn giảm thuế, các loại phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và khoản trích nộp công đoàn, lùi thời gian nộp sang các quý sau sẽ giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài các chính sách miễn giảm trên, yêu cầu quan trọng khác là doanh nghiệp được tiếp cận vốn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm đối tượng không có được nguồn tài chính dồi dào và dễ bị tổn thương vì dịch bệnh nhất.
Từ trước đến nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ vay được vốn, thì trong lúc này, ngân hàng có căn cứ pháp lý để cho nhóm doanh nghiệp này tiếp cận vốn. Thông tư 01 “Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19” chính là liều “vaccine” cho doanh nghiệp bị “dịch COVID – 19”, nhưng phải hiểu rằng, không chỉ cứu doanh nghiệp, mà đó là cứu ngân hàng, cứu cả nền kinh tế.
Nếu như không tìm cách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp lúc này, để cho nhiều doanh nghiệp sập tiệm không thể cứu vãn, thì hậu quả đối với nền kinh tế không nhỏ. Lúc đó, ngân hàng sẽ mất đi nguồn khách hàng tiềm năng, ngân hàng không có khách hàng là các doanh nghiệp thì sống sao nổi.
Việc “cấp cứu” cho doanh nghiệp còn là thực hiện giải pháp về mặt xã hội, đó là ổn định việc làm và thu nhập, hạn chế tối đa người lao động bị mất việc. Người mất việc nhiều, thu nhập thấp, sẽ dẫn đến tiêu dùng trong nước giảm sút, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, thu ngân sách.
Trong khi chờ đợi các chính sách hỗ trợ được thực thi, thì chính các doanh nghiệp cũng phải chủ động để sống sót, trong đó có những tương trợ cho nhau. Vừa qua, có một số doanh nghiệp cho thuê văn phòng đã chủ động miễn giảm cho phía thuê, đó cũng là cách giúp nhau trong lúc khó khăn.
Khó khăn thì nhiều, mỗi ngành nghề kinh doanh có những đặc thù riêng cần hỗ trợ. Việc này cần “nhạc trưởng” là các Hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp, kết nối các thành viên, cùng đưa ra sáng kiến, giải pháp hành động tương trợ có hiệu quả.
Sài Gòn ngày 17/03/2020
TQT